Sunday, November 24, 2024
Trang chủĐiểm tinTQ bước qua giai đoạn "giấu mình chờ thời", tiến tới Giấc...

TQ bước qua giai đoạn “giấu mình chờ thời”, tiến tới Giấc mộng Trung Hoa?

Nhiều động thái quân sự cho thấy Trung Quốc đang rất coi trọng việc nâng cao khả năng tác chiến của quân đội, cũng như mở rộng các lực lượng đóng ở nước ngoài.

Quân đội Trung Quốc. Ảnh: Zha Chunming / Global Look Press

Ra sức luyện binh ở các nước châu Phi

Chỉ một thời gian ngắn sau khi mở cửa căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài đặt tại Djibouti hồi tháng 8, Trung Quốc đã tiến hành hai cuộc tập trận quân sự tại đây.

Cuộc tập trận đầu tiên diễn ra hôm 25/9. Tuy phía Trung Quốc không tiết lộ số lượng binh sĩ và các loại vũ khí, phương tiện tham gia, nhưng theo đánh giá của giới phân tích, trong cuộc tập trận này Trung Quốc đã huy động hàng nghìn binh sĩ, cùng các loại xe tăng, xe thiết giáp và vũ khí để thực hành bắn hạ mục tiêu trên đất liền.

Cuộc tập trận thứ hai được tiến hành hai tháng sau đó. Binh sĩ Trung Quốc đóng tại căn cứ quân sự ở Djibouti đã huy động nhiều loại vũ khí hạng nặng, cùng các loại xe tăng chiến đấu hạng nhẹ Type-095 và xe tăng kiểu 90-II với sự yểm trợ của lực lượng pháo binh.

Các loại xe tăng, xe bọc thép của Trung Quốc đang hiện diện tại căn cứ quân sự ở Djibouti được giới chuyên gia mô tả là “những chiếc xe bọc thép chiến đấu tiên tiến nhất” hiện nay ở châu Phi.

Nói về mục đích của các cuộc tập trận, Đại tá Lương Dương – chỉ huy trưởng căn cứ quân sự ở Djibouti nhấn mạnh vào việc kiểm tra trình độ sử dụng vũ khí và năng lực thực hiện các nhiệm vụ của binh sĩ trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm và độ mặn cao tại châu Phi.

Ngoài các cuộc tập trận tại căn cứ quân sự ở Djibouti, binh sĩ Trung Quốc nằm trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc cũng đã tiến hành nhiều cuộc tập trận tại các quốc gia châu Phi khác mà họ triển khai lực lượng.

Tại Congo, tính từ tháng 9 đến nay, binh sĩ Trung Quốc đã tiến hành 18 cuộc tập trận lớn nhỏ nhằm nâng cao năng lực phản ứng nhanh để đối phó với các cuộc tấn công từ bên ngoài trong điều kiện tình hình an ninh khắc nghiệt tại nước cộng hòa này.

Trong khi đó, tại Mali và Niger, binh sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Trung Quốc tiến hành hàng loạt các cuộc tập trận với quân đội các nước này nhằm tăng cường khả năng đối phó trong tình huống khẩn cấp và nâng cao trình độ tác chiến hiệp đồng giữa các lực lượng.

Những động thái quân sự này cho thấy, Trung Quốc đang rất coi trọng nâng cao khả năng tác chiến của quân đội, cũng như mở rộng các lực lượng đóng ở nước ngoài.

Cấu trúc ngầm tại Djibouti

Căn cứ quân sự ở Djibouti là căn cứ đầu tiên của quân đội Trung Quốc đóng ở nước ngoài và được coi là nơi lý tưởng để huấn luyện binh sĩ, nhằm nâng cao khả năng tác chiến, rèn luyện cho binh lính thích nghi với những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt.

Ngoài ra, căn cứ này còn có vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng, bởi nó nằm gần eo biển Bab al-Mandeb tấp nập tàu thuyền giao thương qua lại và án ngữ ngay cửa ngõ dẫn từ Vịnh Aden vào Biển Đỏ, trên tuyến đường đến kênh đào Suez kết nối Á – Âu và nằm tiếp giáp với bờ biển Somalia.

Daily Beast dẫn lời chuyên gia nhận xét rằng, bất kỳ ai kiểm soát được vị trí địa chiến lược ở Djibouti thì coi như làm chủ được một điểm mốc quan trọng với thương mại toàn cầu.

Hồi tháng 7 vừa qua, cùng với các lực lượng bộ binh cơ giới khác, Trung Quốc đã triển khai một hạm đội tàu chiến, bao gồm tàu đổ bộ Type 071, tàu vận tải Donghaidao kết cấu bán chìm khổng lồ có tải trọng lên tới 20.000 tấn, cùng nhiều loại tàu chiến khác tại căn cứ quân sự ở Djibouti.

Qua hình ảnh vệ tinh thu thập được, giới chuyên gia nhận định, chỉ tính riêng diện tích trên đất liền của căn cứ này đã vào khoảng 23km2 và được xây dựng kiên cố hơn cả căn cứ quân sự của Mỹ, Pháp và Nhật Bản.

Chuyên gia Sim Tack thuộc trung tâm nghiên cứu quân sự Stratfor Worldview cho rằng:

“Kiểu xây dựng này phù hợp với thói quen kiên cố hóa căn cứ quân sự của Trung Quốc. Những cấu trúc ngầm cho phép [Bắc Kinh] tiến hành các hoạt động mà không bị để ý cũng như bảo vệ các phương tiện, kho tàng trọng yếu của quân đội Trung Quốc tại Djibouti”.

Theo nguồn tin của các quan chức quân đội Trung Quốc, nước này đang có kế hoạch tăng thêm gấp 5 lần quy mô lực lượng lính thủy đánh bộ lên con số khoảng 100.000 binh sĩ, trong đó, một phần sẽ được triển khai tại căn cứ quân sự ở Djibouti.

Vươn tới “Giấc mộng Trung Hoa”

Với việc thiết lập được căn cứ quân sự tại Djibouti và mở rộng các hoạt động quân sự ra nước ngoài, Trung Quốc cho thấy họ đang dần mở rộng sức mạnh quân sự nhằm đạt tới cấp độ toàn cầu. Quá trình này tuy chậm rãi nhưng liên tục.

Việc Trung Quốc thiết lập được căn cứ quân sự kiên cố tại Djibouti và nhiều khả năng sẽ phát triển thêm các căn cứ quân sự mới tại nhiều quốc gia châu Phi, Trung Đông cho thấy tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở bất cứ khu vực nào, mà còn muốn vươn tới phạm vi toàn cầu trong tương lai bằng cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm.

Sáng kiến Vành đai Con đường được Trung Quốc đưa ra với mục đích kết nối các quốc gia từ châu Á, châu Phi và châu Âu thông qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc làm chủ đầu tư với dự toán bước đầu lên tới 900 tỷ USD, để từ đó thúc đẩy hợp tác thương mại nhằm mang lại lợi ích cho các nước tham gia.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội hợp tác thương mại và phát triển cơ sở hạ tầng thì hiện nay một số nước cũng đang tỏ ra nghi ngại về ý nghĩa đằng sau của sáng kiến này, bởi nó không chỉ đơn thuần là “sáng kiến kết nối và hội nhập”, mà còn là sự chi phối của sức mạnh mềm do đầu tư tài chính mà Trung Quốc tạo ra.

Bên cạnh đó, sáng kiến Vành đai Con đường có khả năng mở rộng sang cả lĩnh vực quân sự, khi Trung Quốc dần tạo hình “chuỗi ngọc trai” gồm các cảng biển – có thể được sử dụng cho hoạt động của các chiến hạm, và căn cứ quân sự dọc theo tuyến đường trên biển thuộc sáng kiến này.

Việc tăng cường sức mạnh quân sự dọc theo “chuỗi ngọc trai” không chỉ giúp Trung Quốc bảo vệ được lợi ích của họ, mà còn vun đắp quyền lực cứng để chiếm giữ và kiểm soát các cửa ngõ giao thương huyết mạch của thế giới, từ đó nắm trong tay các vị trí địa chính trị quan trọng để chi phối hành động của các nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới