Monday, December 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiSabeco về tay tỉ phú Thái: Hàng tỷ USD đầu tư gì?

Sabeco về tay tỉ phú Thái: Hàng tỷ USD đầu tư gì?

Bộ Công thương phải xác định hôm nay chúng ta bán đi Sabeco nhưng 10 năm sau chúng ta có thể mua lại được nó.

Câu chuyện tỷ phú Thái Lan đã ôm trọn 343,66 triệu cổ phần của Sabeco (53,59% vốn Sabeco) với mức giá bình quân xác định là 320.000 đồng/cp mà không gặp sự cạnh tranh từ đối thủ là cá nhân, tổ chức nào.

Bình luận về sự kiện trên, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nói rằng “như vậy là mọi việc đã an bài”.

Đã an bài

Theo ông Phú, việc tỷ phú Thái Lan nắm giữ 53,59% vốn Sabeco là đã nắm luôn quyền điều hành, chi phối tại doanh nghiệp này.

“Mọi việc như vậy coi như đã được an bài. Vấn đề bây giờ là đi với họ thì chúng ta được gì và phải làm được gì? Bán lẻ cũng giống như phát triển công nghiệp phụ trợ, chúng ta phải liên doanh, liên kết như thế nào, sẽ học được gì sau thương vụ mua bán, sáp nhập này? “, ông Phú đặt vấn đề.

Có một dấu hiệu tích cực được ông điểm lại sau vụ mua bán trên là thỏa thuận, yêu cầu nhà đầu tư Thái phải giữ lại thương hiệu Sabeco. Đây cũng là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, ông nói thẳng, yêu cầu là một việc còn việc thực hiện như thế nào lại là quyền của nhà đầu tư, vì, cổ phần chúng ta đã bán cho họ, quyền điều hành, chi phối cũng thuộc về tay họ rồi, chúng ta không thể ép buộc hay yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện theo mong muốn của mình được.

Do đó, ông cho rằng, ngay bây giờ phía Bộ Công thương cần phải phân tích rất kỹ những vấn đề đang tồn tại để tìm hướng đi cho tương lai của các thương hiệu bia, rượu, nước giải khát còn lại sau khi đã mất tới 40% thị phần vào tay nhà đầu tư Thái Lan.

Ông nói rõ: ‘Thứ nhất, nếu đi cùng tỷ phú Thái mà không học tập được cái hay, cái tốt của họ, thị trường bán lẻ trong nước không phát triển được thì cuối cùng đến cả thị trường đồ uống cũng sẽ mất vào tay tỷ phú Thái chứ chưa nói tới việc giữ lại được thương hiệu.

Do đó, Bộ Công thương cần phải đặt vấn đề về việc bán cho nhà đầu tư Thái thì các nhà đầu tư Thái có sẵn sàng bắt tay, truyền đạt kinh nghiệm, giúp doanh nghiệp Việt học tập được cách làm ăn, đẩy mạnh phát triển, tấn công vào các thị trường thế giới hay không? Hay rồi sẽ có thương hiệu Sabeco nhưng ruột là bia Thái, hoặc thương hiệu Sabeco nhưng chất lượng không tốt… và cuối cùng thương hiệu cũng bị lu mờ, lãng quên?

Thứ hai, Bộ Công thương phải quan tâm tới chuyện sau khi Sabeco về tay tỷ phú Thái thì công việc, thu nhập, phúc lợi, đời sống của hàng trăm, hàng nghìn cán bộ, công nhân viên làm việc tại đây sẽ thế nào? Có được đảm bảo hay không? Thu nhập có cải thiện, có tăng lên không?

Thứ ba, Bộ Công thương sẽ có giải pháp thế nào khi bị mất tới 40% thị phần bia, rượu, nước giải khát vào tay nhà đầu tư Thái Lan? Những thương hiệu còn lại như Hura, Habeco sẽ thế nào, có trụ vững được không hay cũng phải bán dần? Hoặc nếu tồn tại được thì sẽ tồn tại thế nào hay phải sử dụng các chiêu bài “cát cứ” mới tồn tại được?”

Vị chuyên gia nói rõ, ông hoàn toàn ủng hộ chủ trương mua bán, sáp nhập, sự góp mặt của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tạo động lực thay đổi cấu trúc hệ điều hành, quản trị của doanh nghiệp, tạo ra một sân chơi bình đẳng, công bằng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là sau khi mua bán thì chúng ta phải dần làm chủ được thương hiệu, làm chủ được thị trường, doanh nghiệp trong nước phải lớn mạnh lên… đó mới là yếu tố hàng đầu.

10 năm nữa mua lại được không?

Về phía Bộ Công thương, sau đấu giá, tổng giá trị bộ này thu về là hơn 109.972 tỷ đồng. Đây được xem là kết quả không tưởng vì ít ai ngờ rằng có thể bán được giá 320.000 đồng/cp. Ông Phú nói thẳng “giá cổ phiếu của Sabeco chỉ đắt với người không có tiền nhưng lại rẻ với người có tiền”. Sabeco giống như “miếng mỡ treo trước miệng mèo”, chỉ riêng thương hiệu này đã chiếm tới 40% thị phần bia, rượu, nước giải khát của cả nước rồi. Trong khi đó, các nhà đầu tư Thái Lan vẫn không ngừng đầu tư, mở rộng, thậm chí có những toàn tính nhằm thâu tóm, làm chủ từ bán lẻ hàng hoá, siêu thị điện máy, cung ứng thức ăn, thì việc làm chủ cả thị trường đồ uống là dễ hiểu.

“4,8 tỷ USD không thể so sánh với những thứ một doanh nghiệp con cưng từng được hưởng những cơ chế ưu đãi, những ưu ái về giá trị về thương hiệu, về thị phần… được. Tuy nhiên, như tôi đã nói, vụ mua bán này coi như đã an bài, việc chúng ta bàn lúc này là bán rồi thì sẽ thế nào? Số tiền đó được sử dụng ra sao để đem lại hiệu quả, để hỗ trợ được doanh nghiệp phát triển một cách tốt nhất?

Liệu Bộ Công thương có giống Vinamilk, ôm tiền gửi vào kho bạc không? Hoặc nếu sử dụng thì sẽ phân bổ nguồn lực đó thế nào? Phân bổ có đúng đối tượng không?

Lâu nay dư luận đã quá bức xúc với việc sử dụng nguồn lực không tốt, phân bổ sai đối tượng, sai lĩnh vực. Chúng ta mang tiền đầu tư quá nhiều vào phát triển tàu thủy, cảng biển mà quên hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân, bỏ quên lĩnh vực nông nghiệp vừa gây thất thoát, lãng phí vừa không hiệu quả. Vậy bây giờ hàng tỷ USD đó sẽ phải được sử dụng thế nào? Và khi phân bổ có đúng đối tượng không, vấn đề quản lý nó ra sao?”, ông Phú đặt câu hỏi.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, Bộ Công thương phải xác định hôm nay chúng ta bán đi Sabeco nhưng 10 năm sau chúng ta có thể mua lại được cả hai Sabeco như hiện tại. Muốn làm được như vậy, không có cách nào khác là phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước phải lớn mạnh dần lên, dù điều này không dễ dàng gì.

RELATED ARTICLES

Tin mới