Bản tin Biển Đông ngày 19/12/2017.
Học giả Philippines lo ngại về hoạt động củng cố quân sự mới của Trung Quốc trên các cấu trúc ở Biển Đông
GMA News đưa tin, ngày 18/12, trong một buổi phỏng vấn trên chương trình News To Go, chuyên gia phân tích Philippines Richard Heydarian đã bày tỏ lo ngại về báo cáo mới đây của Nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) về việc Trung Quốc tiếp tục ngang nhiên xây dựng các cơ sở quân sự cố định. Ông Heydarian cho hay, với hành động như vậy, Trung Quốc đã đi ngược lại “cam kết và thiện chí” của họ, đồng thời kêu gọi Chính phủ Philippines cần thể hiện lập trường mạnh mẽ hơn về vấn đề này và cần thẳng thắn nhìn nhận tình hình thực tế đang diễn ra tại khu vực hiện nay.
Tư lệnh Hải quân Mỹ khẳng định Mỹ sẽ bổ sung thêm nhiều tàu chiến vào lực lượng triển khai ở Đông Thái Bình Dương
Economic Times đưa tin, ngày 19/12, phát biểu trên boong tàu sân bay USS Ronald Reagan đang ở Nhật Bản, Tư lệnh Hải quân Mỹ John Richardson khẳng định Mỹ sẽ triển khai các tàu chiến từ phía Đông Thái Bình Dương tới để tăng cường cho lực lượng hải quân của Mỹ ở Châu Á, qua đó có thể đảm bảo tất cả các nhiệm vụ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong bối cảnh Mỹ phải đối mặt với càng nhiều nguy cơ ở khu vực và các vụ việc đang làm suy yếu lực lượng trên biển của Mỹ, bao gồm vấn đề tên lửa hạt nhân của Bắc Triều Tiên và các hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Phát biểu của ông Richardson được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump công bố chiến lược an ninh quốc gia mới dựa trên tầm nhìn “Nước Mỹ trên hết” xem Trung Quốc là “siêu cường nổi loạn” đang nỗ lực làm thay đổi nguyên trạng toàn cầu thông qua các hoạt động gây hấn của mình ở Biển Đông, đặc biệt là việc xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông. Chiến lược an ninh quốc gia mới được đưa ra ngày 18/12 cáo buộc mạnh mẽ: “Nhữg nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng và quân sự hoá các tiền đồn ở Biển Đông đang đe doạ đến lưu thông thương mại, đe doạ chủ quyền của các quốc gia khác và huỷ hoại sự ổn định của khu vực”. Rõ ràng, với tần suất ngày càng tăng các hoạt động trên thực địa mà Trung Quốc tiến hành trên Biển Đông hiện nay, nước Mỹ sẽ phải thể hiện lập trường và chiến lược rõ ràng hơn nhằm duy trì các cam kết với khu vực về việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và thương mại xuyên suốt, không bị cản trở. Mỹ cũng đã có nhiều nỗ lực nhằm răn đe các hoạt động bành trướng, phô trương quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo Dean Cheng, nghiên cứu viên cao cấp tại Quỹ Di sản, Washington khẳng định, Bộ Quốc phòng Mỹ hiện nay đang có nhiều bước đi cụ thể nhằm thách thức các yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông cũng cho biết chính quyền Tổng thống Trump đã cho phép “ít nhất 4 cuộc diễn tập Tự do Hàng hải (FONOPs)” tương đương với số lượng FONOPs mà chính quyền trước của Mỹ đã thực hiện trong vòng 4 năm, cho rằng “Trung Quốc sẽ không thấy thoải mái gì về điều này”.