Lời đe dọa của Triều Tiên được đưa ra khi Bình Nhưỡng có dấu hiệu lo ngại về tương lai, nhưng vẫn ngoan cố không muốn từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Chính quyền Bình Nhưỡng cho biết thông qua bài báo của Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA): “Việc tấn công hạt nhân phủ đầu của CHDCND Triều Tiên với ý chí sắt đá, chống lại những kẻ khiêu khích, không chỉ là lời nói suông”.
Tháng trước, chính quyền Kim Jong Un phóng thử một tên lửa ICBM được nhận định là bằng chứng cho thấy tên lửa Triều Tiên có thể vươn tới lục địa Mỹ.
Tuy nhiên, bài báo của KCNA cũng đã lộ ra một điểm yếu của chính Triều Tiên. Đó là sự lo sợ ngày càng gia tăng của họ về một cuộc xung đột quân sự. Bài báo đã dành nhiều phân tích và trích dẫn những số liệu thống kê cho thấy một cuộc chiến tranh sẽ thảm khốc ra sao, và so sánh nó với Thế chiến thứ 2.
Trước đó, trong một bài bình luận được KCNA công bố vào tháng 11/2017, Triều Tiên nêu ra những quan ngại về việc Mỹ gia tăng các tài sản quân sự trong khu vực, nhấn mạnh về “mối nguy hiểm từ những động thái của Mỹ, khi đưa các tài sản chiến lược sang bán đảo Triều Tiên”.
Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 1/2017, Tổng thống Trump đã thể hiện một lập trường cứng rắn, chống lại chính quyền Triều Tiên. Ông Trump cho rằng phi hạt nhân hóa hoàn toàn đối với Triều Tiên là giải pháp duy nhất đối với cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.
Dưới thời các chính quyền Mỹ trước đây, Triều Tiên có thể đạt được những thỏa thuận có lợi cho họ. Ví dụ, để đổi lấy việc ‘tạm dừng’ chương trình vũ khí hạt nhân của mình, Triều Tiên đã nhận được viện trợ vật chất và tài chính. Tuy nhiên trên thực tế, chính quyền Triều Tiên luôn vi phạm những thỏa thuận mà họ đã ký kết, nhiều năm sử dụng những khoản viện trợ này để củng cố chế độ và duy trì quyền lực của họ, trong khi bỏ mặc hàng triệu người dân Triều Tiên vật lộn với cảnh nghèo đói và sợ hãi.
Việc gia tăng những lời đe dọa của chính quyền Kim Jong Un cho thấy chiến lược của Triều Tiên là tìm cách có được một thỏa thuận tương tự với chính quyền Mỹ hiện nay. Tuy nhiên, điều này dường như khó thực hiện được khi Tổng thống Trump cho thấy quyết tâm giải quyết vấn đề mà những người tiền nhiệm của ông đã không làm được.
Rõ ràng, đe dọa hành động quân sự là một phần quan trọng trong chiến lược của ông Trump, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Ông Trump đã yêu cầu giải giáp hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, điều mà ông hy vọng đạt được thông qua đàm phán với chính quyền Bình Nhưỡng.
Để thực hiện sự đe dọa này, Mỹ đã cho triển khai nhiều tài sản quân sự đến khu vực, như điều các máy bay chiến đấu F-35 đến Nhật Bản. Trong những tháng gần đây, Mỹ cũng đã tăng cường sự hiện diện hải quân của họ trong khu vực, triển khai 3 tàu sân bay và các nhóm tàu tấn công, vào lúc đỉnh điểm. Đồng thời, Mỹ cũng đã triển khai một số tàu ngầm hạt nhân trong khu vực.
Mỹ đã điều máy bay tiêm kích F35 đến Bán đảo Triều Tiên (Ảnh: Getty)
Ông Trump đã sử dụng mối đe dọa từ Triều Tiên làm minh chứng cho sự cần thiết phải tăng chi tiêu quốc phòng, và nâng cao năng lực quân đội, vốn đã bị tụt lại phía sau trong nhiều năm do cắt giảm ngân sách. Tuần trước, Tổng thống Trump đã ký Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng, tăng chi tiêu quân sự trong năm 2018 lên gần 700 tỷ USD. Dự toán ngân sách được lập bao gồm chi phí mua sắm các máy bay tiêm kích kết hợp F35, các phương tiện chiến đấu mặt đất và tàu ngầm lớp Virginia.