Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ dự đoán TQ sẽ 'nuốt lời' với Triều Tiên

Mỹ dự đoán TQ sẽ ‘nuốt lời’ với Triều Tiên

Bắc Kinh có thể sẽ “nuốt lời” bất chấp Hiệp ước phòng thủ chung đã ký với Bình Nhưỡng năm 1961.

Trung Quốc sẽ “nuốt lời”?

Tạp chí Foreign Affairs của Mỹ mới đây có bài phân tích về khả năng Trung Quốc sẽ can thiệp vào Triều Tiên nếu nổ ra chiến tranh, trong đó dự đoán Bắc Kinh có thể sẽ “nuốt lời” bất chấp Hiệp ước phòng thủ chung đã ký với Bình Nhưỡng năm 1961.

Theo đó, trong hai thập kỷ qua, quan hệ Trung-Triều xấu đi nhiều nếu nhìn sâu vào thực tế thay vì chỉ đánh giá bề ngoài. Trung Quốc được cho là đã chán nản với lối hành xử của Triều Tiên. Trong trường hợp xảy ra xung đột hay chế độ sụp đổ, các lực lượng của Trung Quốc sẽ can dự, nhưng ở mức độ không như kỳ vọng trước đó, và mục đích không phải là bảo vệ đồng minh, mà là bảo vệ lợi ích cho riêng mình.

Quan hệ Trung-Triều từ lâu đã phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau. Chỉ 1 năm sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, Bắc Kinh đã trợ giúp nước láng giềng trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Hai nước đã ký Hiệp ước phòng thủ chung năm 1961. Khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt và Triều Tiên mất đi nhà bảo trợ Liên Xô, Bắc Kinh đã thế chỗ, cung cấp viện trợ kinh tế và quân sự cho Triều Tiên.

Nhưng ngày nay, quan hệ Trung-Triều dường như đã thay đổi. Chủ tịch Tập Cận Bình chưa bao giờ gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Thậm chí còn có tin đồn Đại sứ Trung Quốc tại Bình Nhưỡng cũng chưa bao giờ tiếp xúc với ông Kim Jong-un.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng công khai tuyên bố Hiệp ước năm 1961 sẽ không được áp dụng nếu Triều Tiên khơi mào xung đột. Giới học giả, quân sự, hoạch định chính sách Trung Quốc hầu như không còn đề cập đến hiệp ước này, hay việc Bắc Kinh có trách nhiệm bảo vệ Triều Tiên.

My du doan Trung Quoc se 'nuot loi' voi Trieu Tien
Bờ sông Áp Lục bên phía tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

Theo Foreign Affairs, quan hệ Trung-Triều xấu đến mức, nhiều sĩ quan thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cho biết Bắc Kinh và Bình Nhưỡng có thể sẽ không đứng cùng một chiến tuyến nếu xảy ra chiến tranh Triều Tiên lần hai. Quân đội Trung Quốc có thể can thiệp, nhưng không phải là bảo vệ Bình Nhưỡng, mà là tạo lập một cục diện mới trên bán đảo Triều Tiên theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.

Những chuyển dịch chính sách này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày một tự tin hơn về tiềm lực và ảnh hưởng tại khu vực. Tư duy của Trung Quốc giờ đây không còn bị chi phối bởi lo sợ bất ổn tại Triều Tiên và khủng hoảng người tị nạn đi kèm.

Hoạch định chiến lược trước đây của PLA coi trọng việc đóng chốt biên giới hoặc lập vùng đệm để ngăn cách người tị nạn. Nhưng sau 20 năm, quân đội Trung Quốc đã trở thành lực lượng tối tân nhờ hiện đại hóa vũ khí trang bị và thay đổi bộ máy tổ chức. Trung Quốc giờ đây có khả năng cùng lúc kiểm soát bất ổn ở biên giới và tiến hành các chiến dịch quân sự lớn trên bán đảo Triều Tiên.

 Trung Quốc thừa sức đối phó

Giới phân tích Mỹ dự đoán nếu Bình Nhưỡng sụp đổ, lực lượng vũ trang với quy mô 50.000 quân ở các tỉnh Đông Bắc của Trung Quốc sẽ có trách nhiệm kiểm soát bảo vệ biên giới, ngăn chặn dòng người tị nạn Triều Tiên đổ sang. Trong khi đó, PLA rảnh tay thực thi các chiến dịch.

Trung Quốc hiện có “ba tập đoàn quân” thuộc Vùng tác chiến phía Bắc giáp ranh Triều Tiên, 1 trong 5 vùng tác chiến trong cơ cấu của PLA. Mỗi tập đoàn quân có quy mô dao động từ 45.000-60.000 quân, không kể các lữ đoàn đặc nhiệm, lữ đoàn không quân, bộ binh. Trong trường hợp cần thiết, Trung Quốc còn có thể điều động lực lượng từ Vùng tác chiến trung tâm cùng lực lượng không quân.

Khi tái cơ cấu các đại quân khu thành các “vùng tác chiến” vào tháng 2/2016, PLA đã đưa tỉnh Sơn Đông vào Vùng tác chiến trung tâm, dù tỉnh này tách biệt về địa lý với các khu vực còn lại của vùng tác chiến. Giới phân tích Mỹ cho rằng nhiều khả năng giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc muốn có tuyến tiếp cận bằng đường biển giúp triển khai lực lượng tới Triều Tiên.

Trung Quôc đủ sức để vừa kiểm soát dòng người tị nạn, vừa tiến hành chiến dịch quân sự tại Triều Tiên?

Theo Foreign Affairs, 2 thập kỷ hiện đại hóa và cải cách quân đội cùng với ưu thế về địa lý giúp quân đội Trung Quốc đạt tới khả năng nhanh chóng chiếm đóng Triều Tiên trước khi lực lượng tăng cường của Mỹ kịp triển khai tới Hàn Quốc để chuẩn bị tấn công Triều Tiên.

Khi tính toán về mức giá phải trả cho cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, giới hoạch định Mỹ lâu nay vẫn cho rằng Trung Quốc sẽ làm mọi chuyện trong khả năng cho phép nhằm tránh bị cuốn vào cuộc xung đột trực diện với quân đội Mỹ và Hàn Quốc. Trong trường hợp Trung Quốc phải can dự, giới chức Mỹ tiên liệu Bắc Kinh sẽ chỉ dừng lại ở việc kiểm soát người tị nạn gần biên giới hoặc ủng hộ Bình Nhưỡng từ xa, qua trợ giúp chính trị, kinh tế và quân sự.

Nhìn chung, Washington luôn tin rằng vai trò của Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các chiến dịch quân sự của Mỹ.

Nhưng tính toán này được cho là không còn an toàn nữa. Giới phân tích Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ can thiệp quy mô và cả trên phương diện quân sự tại bán đảo Triều Tiên một khi Mỹ có ý định di chuyển lực lượng về phía Bắc.

Foreign Affairs cho rằng điều này không có nghĩa Bắc Kinh sẽ đánh đòn phủ đầu. Trung Quốc sẽ vẫn nỗ lực tìm cách ngăn hai bên lao vào chiến sự. Trong trường hợp nhận thấy xung đột chỉ trong giới hạn ở các đòn đánh bằng tên lửa, không kích, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đứng ngoài.

Nhưng nếu thất bại trong việc hối thúc Mỹ không leo thang xung đột thành chiến tranh lớn, Bắc Kinh sẽ không ngần ngại điều lực lượng quân sự quy mô tới Triều Tiên để bảo vệ lợi ích của mình trong chiến sự và ở thời hậu chiến.

Nhân tố chính khiến Trung Quốc có khuynh hướng hành động quyết đoán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên là lo ngại của Bắc Kinh về kho hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đây chính là lợi ích buộc lực lượng quân sự Trung Quốc can thiệp sớm để giành quyền kiểm soát các cơ sở hạt nhân.

Một nhà nghiên cứu Trung Quốc từng nói “nếu bom hạt nhân phát nổ, ai sẽ là nạn nhân của rò rỉ, phát tán hạt nhân? Sẽ chỉ là Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhật Bản được ngăn cách bởi biển Hoa Đông, còn Mỹ thì được che chở bởi Thái Bình Dương”.

Trung Quốc có vị trí địa lý thích hợp để giải quyết mối đe dọa. Theo nghiên cứu của Sáng kiến de dọa hạt nhân, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, nếu tiến 100 km vào sâu bên trong lãnh thổ Triều Tiên tính từ đường biên giới, lực lượng quân sự Trung Quốc sẽ kiểm soát được vùng lãnh thổ bao gồm toàn bộ các cơ sở hạt nhân và 2/3 các căn cứ tên lửa thuộc diện ưu tiên cao nhất của Bình Nhưỡng.

Ngoài quan ngại hạt nhân, sự thay đổi quan điểm của Trung Quốc một phần là sự quyết đoán địa chính trị ngày một lớn của Bắc Kinh. Khác với những người tiền nhiệm, ông Tập Cận Bình không ngần ngại đưa ra các tham vọng cường quốc đối với Trung Quốc.

Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc kéo dài 3 tiếng rưỡi hồi tháng 10, ông Tập Cận Bình đã 26 lần nhắc lại các cụm từ “cường quốc”, “nước lớn”. Điều này hoàn toàn trái ngược với các quan điểm trước đây đề cao phương châm “giấu mình chờ thời”.

Mỹ sẽ hưởng lợi?

Giới phân tích Mỹ cho rằng điểm cốt yếu chính là Washington phải hiểu rằng bất kỳ một xung đột nào trên bán đảo Triều Tiên lôi cuốn các chiến dịch quân sự quy mô lớn của Mỹ đều sẽ kích hoạt sự can dự quân sự đáng kể từ Bắc Kinh. Nhưng như vậy không có nghĩa là Mỹ sẽ phải tìm cách răn đe Trung Quốc bởi chắc chắn sẽ thất bại và làm tăng nguy cơ đối đầu quân sự trực diện giữa hai bên.

Thay vào đó, Washington phải nhận thấy rằng một số hình thức can thiệp của Trung Quốc sẽ thực sự có lợi đối với Mỹ, đặc biệt là về chống phổ biến vũ khí hạt nhân.

Lực lượng quân sự Trung Quốc chắc chắn sẽ tiến đến các khu vực hạt nhân ở Triều Tiên trước Mỹ, do ưu thế về địa lý, cơ cấu tổ chức và nguồn binh lực. Nhưng đây lại là điểm tích cực, vì giúp tiết giảm nguy cơ bên bờ sụp đổ, Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Mỹ hay đồng minh của Mỹ.

Trung Quốc hành động sẽ giúp Mỹ và các đồng minh không bị Triều Tiên tấn công bằng vũ khí hạt nhân?

Trung Quốc cũng có thể đảm nhận vai trò hữu ích trong xác định các địa điểm hạt nhân (với sự trợ giúp của tình báo Mỹ), từ đó bảo vệ và chịu trách nhiệm quản lý nhiên liệu hạt nhân tại các cơ sở này, trước khi mời các chuyên gia quốc tế tới để phá hủy vũ khí.

Cùng thời điểm, Mỹ có thể đảm nhận vai trò dẫn dắt những nỗ lực đa phương nhằm ngăn chặn việc chuyển nhiên liệu hạt nhân từ Triều Tiên bằng đường biển, đường không và đường bộ, tiếp đến là lưu giữ an toàn và tiêu hủy.

Giới hoạch định chính sách Mỹ phải thay đổi cách đánh giá trong cách xem xét can dự của Trung Quốc, theo hướng xem đây là cơ hội thay vì cản trở các chiến dịch của Mỹ. Lục quân và lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ phải chấp nhận một thực tế: Dù việc bảo đảm các cơ sở hạt nhân là nhiệm vụ then chốt nhất ở Triều Tiên trong trường hợp xảy ra xung đột, họ sẽ phải thay đổi các kế hoạch một khi lực lượng quân sự Trung Quốc là người đến trước.

Ở cấp độ chính trị, Washington cần sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm trong cải thiện điều phối với Trung Quốc ở thời bình. Nó có thể bao gồm các cuộc tham vấn song phương với Bắc Kinh, ngay cả khi việc làm này đi ngược lại mong muốn của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, với kịch bản Bắc Kinh từ chối đề nghị cùng hợp tác, Washington sẽ đơn phương xem xét các hình thức thông báo về kế hoạch hành động của mình để giảm nguy cơ đụng độ bất ngờ.

Mỹ liên tiếp điều các loại vũ khí chiến lược tới khu vực bán đảo Triều Tiên, trong đó có tàu sân bay, máy bay tàng hình và hệ thống phòng thủ tên lửa

Mỹ thậm chí có thể cung cấp cho Trung Quốc thông tin tình báo giúp PLA bảo vệ các cơ sở hạt nhân quan trọng nhất. Tiếp theo, hai nước có thể sử dụng các cơ chế hợp tác an ninh hạt nhân dân sự đã được thiết lập, như Trung tâm an ninh hạt nhân (CENS) Mỹ-Trung hay qua các tổ chức khác như Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), để triển khai huấn luyện kĩ thuật.

Không một nước nào có thể sánh kịp Mỹ về kinh nghiệm tiêu hủy và bảo vệ vũ khí hạt nhân. Trung Quốc dù có nhân lực chiếm giữ, kiểm soát các cơ sở hạt nhân ở Triều Tiên, nhưng chưa thể đạt tới trình độ lưu giữ, vận chuyển và phá hủy vũ khí, nhiên liệu hạt nhân an toàn. Chia sẻ thực tiễn sẽ giúp Trung Quốc xử lý hiệu quả những gì tìm kiếm được tại những địa điểm này.

Ngay cả với lo ngại việc can dự của Trung Quốc tại Triều Tiên sẽ khiến Mỹ mất đi ảnh hưởng trên bán đảo, Foreign Affairs vẫn coi đây là điều có lợi. Theo đó, việc chấm dứt đồn trú quân sự thường trực trên báo đảo Triều Tiên là một mức giá phù hợp với Mỹ, để bảo đảm rằng chiến tranh Triều Tiên một lần nữa sẽ có được kết cục tốt nhất.

 

 

Động cơ chính thúc đẩy Trung Quốc hành động là kho hạt nhân của Triều Tiên?
RELATED ARTICLES

Tin mới