Tuesday, November 26, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 26/12/2017

Bản tin Biển Đông ngày 26/12/2017

Bản tin Biển Đông ngày 26/12/2017.

Sau cáo buộc của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ, Trung Quốc gây quan ngại khi liên tục thừa nhận hành vi lấn biển của mình ở Biển Đông

Ngày 26/12, The Straits Times đưa tin, theo một bài viết được đăng trên trang Haiwainet ngày 22/12, một trang báo nằm dưới “cái ô” là tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hoạt động bồi đắp, mở rộng đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông đang tiến triển “từ từ” nhưng đã đạt được “một loạt những kết quả đáng kinh ngạc”. Liên quan đến “máy siêu nạo vét” có tên Tianjing mới được đưa ra tháng trước, bài viết này còn hé lộ rằng Trung Quốc trong thời gian tới sẽ sử dụng “các máy xây dựng đảo” khổng lồ để “làm biến đổi khu vực nhiều hơn nữa”. Về phần đánh giá và nhận định, bài viết thản nhiên cho rằng các hoạt động bồi đắp “đã thay đổi hoàn toàn bức tranh các đảo, đá ở Biển Đông”, dù đây chính là hành động quân sự hoá đang đe doạ ổn định khu vực, vi phạm các cam kết và luật pháp quốc tế, gây bức xúc cho dư luận các quốc gia, các tổ chức

Kể từ khi đưa ra yêu sách “Đường chín đoạn” trên Biển Đông nhằm đòi hỏi chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển này, Trung Quốc đã ngang ngược biến đổi các đảo, đá ở Hoàng Sa và Trường Sa thành các đảo nhân tạo, bố trí, lắp đặt trái phép các công trình và trang thiết bị quân sự trên phạm vi 29 héc-ta tại khu vực, gây quan ngại cho các quốc gia láng giềng của nước này, bất chấp việc vi phạm luật pháp quốc tế cũng như các cam kết, thoả thuận với các nước láng giềng về việc kiềm chế các hành động đơn phương, gây căng thẳng cho tình hình tranh chấp Biển Đông.

Học giả Philippines lo ngại Biển Đông tiếp tục trở thành môi trường cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ

Ngày 25/12, Sputnik News đưa tin, liên quan đến thông tin do Trung Quốc đưa ra nhằm bao biện cho hành động mở rộng các đảo nhân tạo lấn chiếm và bồi đắp trái phép, tăng cường sự hiện hiện quân sự của nước này trên Biển Đông, Giáo sư Jay Batongbacal của Đại học Philippines, Giám đốc Viện Các vấn đề biển và Luật Biển, Đại học Philippines cho rằng Trung Quốc chỉ đang tiếp tục làm những gì họ đã làm trong suốt nhiều năm trở lại đây, đồng thời lo ngại rằng nước này đã “thực sự hoàn tất kế hoạch xây dựng các công trình lớn ở khu vực”. Bên cạnh đó, ông cho rằng sự phát triển trong các hoạt động bồi đắp, mở rộng của Trung Quốc cho đến thời điểm hiện nay đang khiến Mỹ “cảm thấy xuất hiện mối đe doạ đối với tự do hàng hải và triển khai quân sự ở khu vực” bởi việc một loạt các vũ khí được bố trí cùng các đường băng, các trang thiết bị quân sự trên các đảo nhân tạo là điều “chưa từng có suốt thời gian vừa qua”. Theo ông Batongbacal, với những căng thẳng đang leo thang gần đây, Biển Đông trong những năm tới sẽ là môi trường cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này sẽ gây lo ngại cho các nước nhỏ hơn ở khu vực bởi nếu giữa hai bên thực sự xảy ra mâu thuẫn lớn có thể kèm theo thiệt hại.

Ý kiến học giả: Biển Đông – từ điểm nóng bị lãng quên của năm 2017 đến nguy cơ bùng cháy trở lại

Ngày 26/12, CNN cho hay, trong năm 2017, Biển Đông đã trở thành một điểm nóng bị lãng quên của thế giới, khi mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ yếu tập trung giải quyết vấn đề Triều Tiên, tạo điều kiện cho Trung Quốc “đục nước béo cò”, tăng cường các hoạt động quân sự trên các đảo nhân tạo nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông nhưng đồng thời cũng ra sức tranh thủ mặt trận ngoại giao để xoa dịu các nước có tranh chấp với Trung Quốc tại khu vực. Về những hoài nghi nói rằng chính quyền Trump không mấy quan tâm đến vấn đề Biển Đông, các chuyên gia cho rằng Mỹ đang thiếu nhân lực để giải quyết các vấn đề ở Châu Á. Thêm vào đó, họ cũng nhận định rằng vấn đề Biển Đông sẽ “không có gì quá đặc biệt” đối với những người như ông Trump bởi trong đó có những nguyên tắc quốc phòng và sự ổn định hệ thống khá trừu tượng. Hơn nữa, ông Trump có thể nghĩ rằng, so với căng thẳng ở khu vực Bắc Triều Tiên, Biển Đông sẽ không xảy ra những hậu quả “một mất một còn” như do các tên lửa đạn đạo hạt nhân gây ra. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích đưa ra lời cảnh báo với Trung Quốc rằng, trong năm 2018, nếu nước này “hành động quá đà”, Mỹ và các nước đồng minh sẽ buộc phải có phản ứng để bảo vệ quyền tự do hàng hải và thương mại thông suốt.

RELATED ARTICLES

Tin mới