Bản tin Biển Đông ngày 27/12/2017.
Học giả Philippines: Philippines không nên “thờ ơ” trước hành động lấn biển của Trung Quốc
Ngày 27/12, ABS-CBN đưa tin, ngày 26/12, sau khi Bắc Kinh nguỵ biện về hành động lấn biển mà họ tự cho là “hợp lý” ở Biển Đông, trả lời phỏng vấn hãng tin ANC, ông Jay Batongbacal, Giáo sư Đại học Philippines cho rằng Chính phủ Philippines cần phải tỉnh táo và chấp nhận sự thật rằng việc Trung Quốc tìm kiếm những lợi ích của họ, cũng như cách giải quyết vấn đề với Philippines, sẽ không đơn thuần dựa trên “quan hệ hữu nghị”. Ông Batongbacal bày tỏ lo ngại rằng việc Trung Quốc mở rộng lấn chiếm tại các vùng biển tranh chấp, tăng cường đưa các hệ thống gíam sát trên Biển Đông, sẽ khiến các vùng lãnh thổ của Philippines, nhất là Visayas và phía Nam Philippines, bị rơi vào tầm kiểm soát của Trung Quốc. Ông cũng hy vọng rằng lợi ích của các bên tranh chấp có thể được đặt lên ưu tiên trong các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong năm tới và kêu gọi Philippines cần phải khẳng định được lập trường của mình.
Hiệp hội Người yêu nước Malaysia kêu gọi đẩy mạnh hải quân để bảo vệ lãnh thổ ở Biển Đông
Ngày 27/12, Free Malaysia Today đưa tin, ông Mohamed Arshad Raji, Chủ tịch Hiệp hội Người yêu nước Malaysia lên tiếng kêu gọi Chính phủ nước này tăng cường phân bổ ngân sách cho các lực lượng vũ trang nhằm bảo vệ cho các vùng biển ngoài khơi tỉnh Sabah và Sarawak trên Biển Đông. Ông nhấn mạnh, việc này sẽ cho phép các lực lượng vũ trang, đặc biệt là hải quân, đóng quân và tuần tra các vùng biển mà nước này yêu sách trước nguy cơ đe doạ từ các nước lớn hơn, đặc biệt là Trung Quốc do tranh chấp giữa hai nước liên quan đến vùng biển giữa Malaysia bán đảo và Borneo của Malaysia, bởi “Malaysia cần khẳng định chủ quyền đối với các vùng biển yêu sách bằng sự hiện diện quân sự, để bảo vệ đời sống kinh tế của mình trong tương lai”. Ông cho biết “Từ trước đến nay Malaysia vẫn giữ cách tiếp cận “thụ động”, sử dụng ngoại giao mềm hay nói cách khác là “cách tiếp cận thân thiện” đối với vấn đề Biển Đông, nhưng đã đến thời điểm Malaysia phải trở nên quyết đoán hơn trong tranh chấp Biển Đông bởi các lợi ích biển, lãnh thổ và kinh tế đóng vai trò tối quan trọng”. Đề cập đến thông tin do Reuters mới công bố liên quan đến việc Trung Quốc mở rộng các đảo nhân tạo nước này mở rộng trái phép trên Biển Đông, ông Arshad bày tỏ phản đối mạnh mẽ đối với hành động này và bày tỏ lo ngại rằng “xung đột Biển Đông có khả năng sẽ leo thang thành đối đầu và có thể là một cuộc chiến tranh”. Bên cạnh đó, ông Arshad cũng kêu gọi tất cả các nước có yêu sách trong tranh chấp Biển Đông tuân thủ Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).