Nhật Bản đã thông qua kế hoạch ngân sách kỷ lục năm tài khóa 2018, với mức chi tiêu quốc phòng tăng cao chưa từng có, lên đến 45,93 tỷ USD.
Bắc Kinh lo ngại
Hãng tin Tân hoa xã của Trung Quốc mới đây có bài bình luận về chính sách quốc phòng của Nhật Bản, trong đó bày tỏ những quan ngại rằng những bước đi của Tokyo sẽ trái ngược với Hiến pháp hòa bình và làm đảo lộn trật tự thế giới thời hậu chiến.
Theo hãng tin Trung Quốc, chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch ngân sách kỷ lục cho năm tài khóa 2018, với mức chi tiêu quốc phòng tăng cao chưa từng có tiền lệ, lên đến 45,93 tỷ USD, tăng năm thứ sáu liên tiếp dưới thời chính quyền Thủ tướng Abe.
Theo kế hoạch, số ngân sách này được dùng để mua sắm trang thiết bị quân sự hiện đại, gồm chiến đấu cơ F-35A, V-22 Ospreys và hệ thống tên lửa đánh chặn thế hệ mới SM- 3 Block 2A do Nhật Bản và Mỹ hợp tác sản xuất.
Giới chức quốc phòng cho biết Nhật Bản cũng quyết định triển khai 2 hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất Aegis do Mỹ sản xuất, với giá khoảng 885 triệu USD mỗi hệ thống.
Ngoài ra, Tokyo cũng đang có kế hoạch mua tên lửa hành trình phóng từ trên không với tầm bắn xa hơn loại tên lửa mà Nhật Bản hiện có. Trong đó có tên lửa chống hạm tầm xa (JSM) do Na Uy sản xuất với tầm bắn khoảng 500 km.
Tân hoa xã bày tỏ quan ngại đặc biệt trước kế hoạch của Nhật Bản nâng cấp tàu khu trục Izumo thành tàu sân bay, nâng cao đáng kể năng lực tấn công của nước này.
Hãng tin Trung Quốc dẫn lời giới quan sát cho rằng khoản ngân sách khổng lồ cũng như việc gia tăng số lượng vũ khí hiện đại nhất đã vượt quá nhu cầu của một nước chỉ duy trì lực lượng quân sự ở mức có khả năng phòng vệ theo quy định của Hiến pháp.
Kế hoạch cải hoán tàu Izumo của Nhật Bản khiến Trung Quốc lo ngại |
Nhà phê bình quân sự Tetsuo Maeda của Nhật Bản bày tỏ: “Người dân cần biết rằng chính sách phòng vệ của Nhật Bản có nguy cơ bị bỏ rơi hoàn toàn dưới thời chính quyền Abe”.
Giới chuyên gia Nhật Bản cũng quan ngại rằng Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, vốn là nền tảng cơ bản cho sự phát triển hòa bình của đất nước trong hơn 7 thập kỷ qua, hiện đang bị đe dọa.
Sau chiến thắng ấn tượng trong cuộc bầu cử hồi tháng 10 vừa qua, đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền đang thúc đẩy việc sửa đổi Hiến pháp theo như mong muốn lâu nay của Thủ tướng Abe. Mặc dù ông Abe khẳng định không có lộ trình cụ thể nào cho kế hoạch sửa đổi Hiến pháp, song giới phân tích cho rằng đảng cầm quyền sẽ soạn thảo những đề xuất sửa đổi và trình lên quốc hội trong phiên họp thường kỳ, dự kiến diễn ra vào tháng 1/2018.
Kế hoạch sửa đổi Hiến pháp này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của các đảng đối lập cũng như người dân vì “mở đường cho việc sử dụng lực lượng quân sự không giới hạn”.
Trong khi đó, tạp chí The Diplomat cho rằng chương trình tên lửa của Triều Tiên ảnh hưởng tới kế hoạch quốc phòng của Nhật Bản. Việt Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa hôm 29/11 đã khẳng định tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trước đó rằng Triều Tiên là “mối đe dọa cấp bách và nguy hiểm nhất đối với hòa bình và an ninh”.
Ngay sau ngày Triều Tiên thử Hwasong-15, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng cao nhất mang được đầu đạn hạt nhân của Bình Nhưỡng, hầu hết sự chú ý của thế giới đã tập trung vào câu hỏi “bây giờ thì sao” và “làm điều gì là phù hợp”?
Theo The Diplomat, trong khi thế giới đang không ngừng tìm kiếm một giải pháp ngoại giao đối với vấn đề này, Nhật Bản cần phải thích ứng với cái gọi là trạng thái “bình thường mới” của hiện tại, với việc duy trì những cảnh báo cao liên quan đến Triều Tiên và bổ sung chính sách phòng vệ phù hợp.
Chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên tạo cớ cho Nhật Bản? |
Đây là những cơ sở mở đường cho Nhật Bản trang bị vũ khí, thiết bị quốc phòng mới, nâng cao khả năng tự vệ trước mối đe dọa đến từ Triều Tiên. Nhật Bản đang lên kế hoạch mua Aegis trên bộ hoặc Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Ngoài ra, Tokyo cũng lên kế hoạch để mua tên lửa phòng không tầm xa (LRASM) và tên lửa phòng không đất đối không Joint Strike Missiles (JSM).
Do căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên nên một trong những ưu tiên hàng đầu của Nhật Bản trong năm 2018 sẽ là chuẩn bị sửa đổi Hướng dẫn Chương trình Phòng vệ Quốc gia (NDPG) và Chương trình Phòng vệ Trung hạn (MTDP). Trong đó, NDPG gần giống Đánh giá quốc phòng 4 năm của Mỹ (QDR) và MTDP giống Kế hoạch quốc phòng 5 năm của Mỹ (FYDP).
Trong quá trình sửa đổi NDPG và MTDP, câu hỏi đặt ra là liệu Nhật Bản có nên sử dụng khả năng tấn công tầm xa nhằm vào các mục tiêu quân sự của Triều Tiên khi nước này tiến hành một vụ phóng tên lửa được dự đoán có thể gây nguy hiểm đối với Tokyo hay không.
Thách thức lớn nhất đối với các nhà hoạch định quốc phòng ở Nhật Bản là làm thế nào để cân bằng giữa các vần đề cần ưu tiên. Đó là tăng cường phòng thủ chống lại các mối đe dọa từ tên lửa; tiếp tục phát triển khả năng đổ bộ; cải tiến năng lực an ninh mạng để thực hiện tốt hơn các chức năng C4ISR (chỉ huy, kiểm soát, truyền thông, máy tính; tình báo quân sự; giám sát, thu thập thông tin về mục tiêu và trinh sát) của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF).
Tàu chiến của Nhật Bản và Mỹ tập trận chung |
Vấn đề đối với các nhà hoạch định chính sách quốc phòng của Nhật Bản là việc những ưu tiên trên phải phù hợp với các quyết định mà nước này đang thực hiện theo NDPG và MTDP trước đó nhằm hiện đại hóa lực lượng phòng vệ, bao gồm việc mua máy bay F-35A, MV-22 Ospreys và xe đổ bộ vượt sông (AAV).
The Diplomat cho rằng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản hiện tại sẽ không đủ để nước này tạo ra các khả năng mới cho lực lượng phòng vệ, dù hàng năm đã bắt đầu tăng sau gần một thập kỷ giảm hoặc không thay đổi.
Muốn tạo ra khả năng mới cho JSDF, Tokyo phải giảm hoặc lược bỏ kinh phí dành cho các lĩnh vực như nhân sự, đào tạo, sửa chữa và bảo trì. Tuy nhiên, các lĩnh vực đó rất quan trọng trong việc duy trì JSDF sẵn sàng. Nếu thiếu các lĩnh vực đó, lực lượng này rất khó để hồi phục. Do đó, không có nhiều sự lựa chọn để hiện đại hóa JSDF ngoài việc tăng ngân sách quốc phòng lên mức đáng kể.