Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTại sao Trung Quốc chỉ muốn đàm phán song phương vấn...

Tại sao Trung Quốc chỉ muốn đàm phán song phương vấn đề Biển Đông?

altBiển Đông
từ lâu được xem là một trong những khu vực chính gây căng thẳng và bất ổn định
tại Châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài các tranh chấp có liên quan trực tiếp tới
các yêu sách về chủ quyền đối với các nhóm đảo bao gồm cả hai bên và nhiều bên,
còn có các tranh chấp khác liên quan tới các vấn đề về vùng biển vẫn còn tồn
tại.

Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với toàn
bộ các đảo trong Biển Đông; Malaysia và Philippines tuyên bố một phần
quần đảo Trường Sa còn Brunei thì tuyên bố chủ quyền đối với một
bãi đá chìm. Trung Quốc và Việt Nam tranh chấp quần đảo Hoàng Sa; quần đảo
Trường Sa được tuyên bố chủ quyền toàn bộ hay một phần bởi các nước Brunei,
Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam.

Sự việc làm
trầm trọng hơn các tranh chấp ở Biển Đông là ngày 7/5/2009, Trung Quốc gửi Công
hàm lên Liên Hợp quốc yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” chiếm đến 80% diện tích
Biển Đông.

Nhằm duy trì
hoà bình, ổn định
ở khu vực, giảm
thiểu các căng thẳng đối với tranh chấp liên quan đến Trường Sa, tăng cường đối thoại, ngày
4/11/2002, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 8 tại Phnôm Pênh
(Căm-pu-chia), ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các
bên ở Biển Đông. Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt
được có liên quan đến vấn đề Biển Đông và được coi là bước đột phá trong quan
hệ ASEAN – Trung Quốc về vấn đề Biển Đông; thể hiện quan điểm của các nước giải
quyết những vất đề đối với Biển Đông cần có cơ chế đối thoại đa phương (cụ thể
giữa Trung Quốc và các nước ASEAN). Tuy nhiên, từ khi ký kết đến nay, các
cam kết của DOC cũng chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, đặc
biệt là Trung Quốc triển khai nhiều hoạt động vi phạm DOC như tập trận,
cấm đánh bắt cá, bắt ngư dân….

Để giải quyết vấn đề Biển Đông, các nước
có tranh chấp chủ quyền, cũng như các nước có lợi ích về tự do hàng hải tại
Biển Đông đều đã lên tiếng ủng hộ giải quyết vấn đề Biển Đông bằng cơ chế hợp
tác đa phương ngoại trừ Trung Quốc.

Tổng thống Indonesia Susilo
Bambang Yudhoyono cho rằng Trung Quốc cần được đưa vào hội đàm khu vực để đảm
bảo một giải pháp hòa bình cho những căng thẳng về Biển Đông "Tôi nghĩ,
tại sao chúng ta không khuyến khích đối thoại để có thể đưa cả Trung Quốc vào
đó nếu bạn có thể thảo luận về việc làm thế nào để duy trì trật tự và ổn định ở
Biển Đông… Tôi tin chúng ta có thể tránh được căng thẳng trong khu vực
".
"Theo quan điểm của tôi, chúng ta nên có một cuộc trò chuyện chung với
Trung Quốc nói về sự kỳ vọng của các nước trong khu vực, giải quyết bất kể điều
gì một cách hòa bình, chính trị, và Trung Quốc nên là một phần của khuôn khổ ấy
”[1].

Phó Thủ tướng Malaysia, Tan Sri
Muhyiddin nói với các phóng viên ở Kuala Lumpur rằng: “Quan điểm của Trung
Quốc là vấn đề nên được giải quyết song phương. Tôi nghĩ điều đó quan trọng,
nhưng chúng ta có ASEAN nên việc thảo luận giữa các thành viên ASEAN cũng rất
quan trọng
”[2].

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hilary Clinton đã phát biểu tại diễn
đàn ASEAN Hà Nội tháng 7/2010 vừa qua rằng Hoa Kỳ “chống lại việc sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực từ bất cứ phía tranh
chấp nào.
Trong khi Hoa Kỳ không đứng về phía
nào trong các tranh cãi về lãnh thổ trên Biển Đông, chúng tôi cho rằng các bên
tranh chấp cần theo đuổi các tuyên bố về chủ quyền và những bước kế tiếp cũng
như quyền sử dụng không gian biển trên tinh thần nghiêm túc tuân thủ Công ước
Liên Hiệp quốc về Luật biển.
Trung
thành với luật quốc tế thông thường, các tuyên bố hợp pháp về không gian biển
tại Biển Đông cần phải hoàn toàn dựa vào những tuyên bố hợp pháp về chủ quyền
đất liền
".

Gần đây nhất (09-10/5/2011), tại cuộc đối thoại chiến
lược Mỹ – Trung Quốc, Mỹ vẫn thẳng thắn cho rằng vấn đề Biển Đông không chỉ
giải quyết theo kênh song phương mà cả đa phương, Mỹ không chấp nhận Trung Quốc
gây sức ép song phương, ASEAN hoàn toàn có lý và Mỹ sẽ ủng hộ khi đề cập vấn đề
này với tư cách đa phương để thúc đẩy DOC thành COC.

Thế còn
Trung Quốc thì sao?

Trước thái
độ thiện chí của các nước, Trung Quốc luôn kịch liệt phản đối vấn đề này, luôn
tuyên bố chỉ giải quyết song phương các tranh chấp trên Biển Đông. Tại diễn đàn
ARF tháng 7/2010, ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ phát biểu, Ngoại trưởng Trung
Quốc đã phản ứng lại một cách giận dữ rằng các tranh chấp Biển Đông phải được
giải quyết bằng đàm phán song phương và họ đã phát triển chính sách “hai không”
khi đề cập đến Biển Đông: không đàm phán đa phương, không “quốc tế hóa".

Tại sao
Trung Quốc lại không đồng ý giải quyết đa phương vấn đề Biển Đông?

Là nước mạnh nhất trong các bên tranh chấp, Trung Quốc sẽ
dễ dàng chiếm ưu thế trên bàn đàm phán song phương, buộc đối phương chấp nhận
phương thức giải quyết của họ. Ý đồ của Trung Quốc là “chia để trị”, là “bẻ gẫy
từng chiếc đũa”. Do vậy, Trung Quốc luôn khăng khăng giải quyết song phương,
luôn chống lại việc “quốc tế hóa” Biển Đông. Trung Quốc sẽ có thể áp đặt sức
mạnh của họ, buộc các nước này phải theo luật chơi của họ. Các nước ven Biển Đông
cần hết sức tỉnh táo, không rơi vào “cái bẫy” của Trung Quốc, không để Trung Quốc
biến Biển Đông thành một ao nhà của họ.

Giải pháp nào cho vấn đề tranh
chấp Biển Đông?

Các tranh chấp ở Biển Đông luôn rất phức tạp, do có sự
liên quan của các bên. Để giải quyết các tranh chấp này, chúng ta nên phân loại
các tranh chấp và có những biện pháp giải quyết khác nhau (song phương hay đa
phương):

Vấn đề Hoàng Sa là tranh chấp song phương giữa Trung Quốc
và Việt Nam và nên được giải quyết song phương giữa hai nước Việt Nam – Trung
Quốc. Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, hai bên nên thông qua cơ quan tài
phán quốc tế tìm kiếm phán quyết trung gian (Indonesia
và Malaysia đã từng đưa tranh tụng các đảo Ligitan và Sipadan ra Tòa án Công Lý
Quốc Tế, hay như Malaysia và Singapore đã làm tương tự đối với các bất đồng tại
đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Ledge và South Rock).

Tranh chấp với Trường Sa liên quan đến 5 nước 6 bên là Việt
Nam, Brunei, Trung quốc, Malaysia, Philippine và Đài Loan là một tranh chấp đa
phương. Khác biệt quan điểm giữa nhiều bên về tranh chấp này cần có cách giải
quyết đa phương. Bàn đàm
phán song phương không phải là cơ chế phù hợp để xử lý các khác biệt quan điểm
giữa nhiều bên. Nếu chỉ giải quyết song phương, các bên khác sẽ không chấp nhận
và sẽ không tạo ra giải pháp lâu dài, ổn định.

Trong bối cảnh, Mỹ đang ủng hộ
mạnh mẽ một giải pháp đa phương ở Biển Đông, các nước liên quan đến tranh chấp
Biển Đông cần tranh thủ cơ hội này thúc đẩy đàm phán đa phương giải quyết vấn đề
Biển Đông. Trước hết cần thúc đẩy hình thành COC để có được cơ chế đa phương giải
quyết vấn đề tranh chấp./.

Công Minh



[1].
Cần đưa Trung Quốc vào hội đàm khu vực về Biển Đông. vietnamnet.vn.

[2]. Cần đưa Trung Quốc vào hội đàm khu vực về Biển Đông.
vietnamnet.vn.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới