Friday, April 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChiến thuật hiện thực hóa đường lưỡi bò của Trung Quốc

Chiến thuật hiện thực hóa đường lưỡi bò của Trung Quốc

BienDong.Net: Tình hình Biển Đông những
ngày gần đây đang nóng lên bởi các hành động của các tàu Trung Quốc. Để góp phần
làm rõ hơn thực chất của vấn đề, xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Dương
Danh  Huy, đăng trên báo quốc nội VietNamNet ngày 9/6/2011

Cuối tháng năm 2011 vừa
rồi, căng thẳng lại gia tăng lên một mức độ cao hơn trên biển Đông khi ba tàu
hải giám của Trung Quốc đe dọa tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam Bình Minh 2
và phá hoại thiết bị đo địa chấn của Bình Minh 2. Sự kiện này xảy ra cách bờ
biển Việt Nam 120 hải lý và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 340 hải lý, hoàn
toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Việt Nam.

 Sự mập
mờ của đường chữ U

Cho những
ai còn thắc mắc phải chăng sự việc này có dính dáng đến tranh chấp Hoàng Sa hay
Trường Sa, chúng tôi khẳng định rằng không hề dính dáng. Sự kiện tàu Bình Minh
diễn ra gần bờ biển đất liền Việt Nam hơn quần đảo Hoàng Sa hay
Trường Sa. Theo luật quốc tế và tập quán quốc tế, Quần đảo Hoàng sa và Quần đảo
Trường sa và các bãi đá chỉ được hưởng hoặc là lãnh hải 12 hải lý, hoặc cùng
lắm là lãnh hải cộng với một vùng đặc quyền kinh tế
(EEZ) không vượt ra xa hơn 12 hải lý một cách đáng kể. Do vậy dù giàu trí tưởng
tượng đến đâu đi nữa về sự công bằng thì những vùng đặc quyền kinh tế của hai
quần đảo này cũng không thể vươn tới hay đi qua các đường trung tuyến giữa
chúng và các bờ biển chung quanh Biển Đông.

Với những
chi tiết trên, theo dõi cuộc chiến ngôn từ giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ giúp chúng ta
hiểu thêm về hai bên.

Ngày
27/5/2011, Việt nam gởi một công hàm ngoại giao đến cho Đại sứ Trung Quốc ở Hà
Nội tố cáo Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và
quyền chủ quyền Việt Nam ngay trong khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa
của Việt Nam.

Ngày hôm
sau, Trung Quốc đáp lại rằng những gì họ làm là "thực thi trên biển luật
và các hoạt động giám sát hoàn toàn bình thường trong vùng biển thẩm quyền của
Trung Quốc."

Thế nhưng,
vì "vùng biển thẩm quyền" không phải là một trong các vùng nước được
quy định trong  Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), không có gì
rõ ràng về cụm từ đó có nghĩa gì hay cho biết cơ sở pháp lý của nó là gì.

alt
Tàu hải giám Trung Quốc. Ảnh: Internet.

Việc tranh
cãi qua lại tiếp tục đến ngày 29/05/2011, khi Việt Nam phản công bằng cách
tuyên bố rằng Việt Nam đã thực hiện việc thăm dò hoàn toàn trong vùng đặc quyền
kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của mình, ‘một cách phù hợp với Công ước
Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Đây không phải là một khu vực tranh chấp
mà cũng không nằm trong "vùng quản lý của Trung Quốc". Trung Quốc đã
cố ý đánh lừa dư luận rằng đây là vùng tranh chấp’.

Cơ bản Việt
Nam
đã chỉ ra rằng vùng biển của sự kiện này không nằm trong tranh chấp Hoàng Sa
hay Trường Sa.

Hai ngày
sau, Trung Quốc trả đũa rằng hành động của nước này là "hành động thực thi
luật pháp của các tàu hải giám Trung Quốc chống lại việc các tàu Việt Nam vận hành
bất hợp pháp là hoàn toàn chính đáng." Họ còn thúc giục Việt Nam phải
"ngay lập tức ngưng những hành động xâm phạm và không được gây thêm rắc
rối mới."

Nhưng, thêm
một lần nữa, Trung Quốc đã không đặt tuyên bố của mình vào khuôn khổ của các
vùng nước UNCLOS. Và nước này cũng không đưa ra ranh giới cụ thể cho yêu sách
hay trích dẫn luật quốc tế nào để biện minh cho lập luận của mình.

Diễn biến
gần nhất này có một số tương đồng đáng lưu ý với sự kiện Bãi Cỏ Rong vào tháng
Ba 2011, khi hai tàu tuần tiễu của Trung Quốc đe dọa một tàu thăm dò địa chấn
của Philippines
đang hoạt động tại đó. Sự việc này diễn ra tại khu vực gần bờ biển Palawan của Philippines hơn
là Quần đảo Trường Sa vốn trong tình trạng tranh chấp chủ quyền. Trong cả hai
trường hợp, Trung Quốc khẳng định tuyên bố chủ quyền mà không đưa ra ranh giới
hay lý lẽ dựa trên UNCLOS hay luật quốc tế. Phản biện của Philippines là
Bãi Cỏ Rong không thuộc Quần đảo Trường Sa và do vậy không nằm trong tranh chấp
Trường Sa.

Trước đây,
Trung Quốc đã đưa ra những yêu sách tương tự với Malaysia tại Bãi James,
 với Indonesia tại vùng biển gần nhóm đảo Natuna, và với Việt Nam tại Bãi
Tư Chính và vùng dầu khí Thanh Long. Những đòi hỏi này cùng với các sự kiện Bãi
Cỏ Rong và Bình Minh xóa bỏ mọi nghi ngờ về việc Trung Quốc đang tìm cách bành
trướng sự kiểm soát của họ ra rất xa khu vực đang tranh chấp là Quần đảo Hoàng
Sa, Quần đảo Trường Sa, bãi cạn Scarborough và các vùng nước thuộc các đảo/đá
này.

Một đặc
tính chung ở các yêu sách và va chạm này là chúng đều liên quan đến các vùng
nước bên trong đường "chữ U" mập mờ mà Trung Quốc đã đưa vào bản đồ
của họ trong thế kỷ 20 vừa qua. Theo năm tháng, đường chữ U dần dần bành trướng
đến khi nó bao trùm phần lớn biển Đông, vào cách bờ biển của các nước khác dưới
100 hải lý, mà không hề có một lập luận nào dựa trên luật pháp hay tập quán
quốc tế.

Nên đối
phó thế nào?

Dù Việt
Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei đều bị ảnh hưởng trực tiếp bởi
chính sách bành trướng này, hai nước Việt Nam và Philippines, là những nước gần
Trung Quốc nhất, sẽ bị sự bành trướng Trung Quốc đe dọa nhiều nhất vì một số lý
do.

Thứ nhất,
rõ ràng không gian biển của hai nước này sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Thứ nhì,
nếu Trung Quốc không đòi các vùng biển của Việt Nam và Phillippines, thì yêu
sách của họ về các vùng biển của Malaysia, Indonesia và Brunei sẽ sụp đổ. Điều
này có nghĩa trong khi Trung Quốc có thể nhượng bộ ở cực nam của đường chữ U kỳ
dị để cầm chân cho Malaysia, Indonesia và Brunei im lặng khi họ xử lý Việt Nam
và Philippines trước, họ không thể làm điều ngược lại và bỏ yêu sách trong vùng
nước của Việt Nam và Phillipines để giành khu vực cực nam của đường chữ U. Dĩ
nhiên, nếu Trung Quốc áp đặt được yêu sách của họ lên Việt Nam và Philippines
thì sẽ đến lượt  Malaysia, Indonesia và Brunei.

Do vậy, cả
Việt Nam
và Phillippines bất đặc dĩ phải nằm trong tình thế cần phải kiên quyết bảo vệ
không gian biển hợp pháp của mình. Không chỉ vấn đề kinh tế bị ảnh hưởng: hai
nước này còn có lý do để lo ngại an ninh và nền độc lập quốc gia của mình bị đe
dọa.

Tuy vẫn còn
những khác biệt giữa Việt Nam và Philippines trong vấn đề Quần đảo Trường Sa,
vẫn còn có nhiều lãnh vực mà hai nước có thể hợp tác để bảo vệ các vùng không
gian biển của mình không liên quan đến Quần đảo Trường Sa. Với các tuyên bố chủ
quyền quá đà của Trung Quốc, các vùng biển này có thể còn quan trọng hơn cả các
vùng biển đang thuộc Quần đảo Trường Sa vốn trong tình trạng tranh chấp chủ
quyền.

Công hàm Philippines gửi
Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa sau sự kiện Bãi Cỏ Rong đã cho thấy về cách thức
nước này vận dụng UNCLOS để bảo vệ quyền lợi của họ tại Biển Đông. Vì Việt Nam cũng dựa
trên UNCLOS, hai nước đã có một khung pháp luật chung để hợp tác.

Ví dụ, nếu
Việt Nam và Philippines có
thể lên tiếng ủng hộ nhau về mặt ngoại giao trong các sự kiện Bãi Cỏ Rong và
Bình Minh, thì cả hai nước sẽ cùng có lợi.

Cơ bản hơn,
các chuyên gia và nhà ngoại giao của hai nước cần tập hợp lại cùng các đồng
nhiệm ở Malaysia, Indonesia và Brunei để quyết định rằng Quần đảo Trường Sa bao
gồm những gì, và được hưởng bao nhiêu không gian biển. Điều này sẽ dẫn đến một
thỏa thuận chung về phạm vi của vùng tranh chấp Trường Sa.

Quan điểm
chung đó sẽ giúp các nước này trong các cuộc đấu tranh đơn lẻ và tập thể
 nhằm chống lại cố gắng của Trung Quốc để bành trướng vùng tranh chấp ra
những vùng trước đây không nằm trong tranh chấp.  Cách này sẽ giúp thuyết
phục thế giới về chính nghĩa của các nước này.

Một cách
nữa là Việt Nam và Philippines có thể tìm hiểu là  cùng nộp
báo cáo chung về thềm lục địa cho  Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa, có thể
với sự tham gia của Malaysia
và Brunei.

Hai cách
thức trên sẽ không ảnh hưởng gì đến vấn đề tuyên bố chủ quyền tại Quần đảo
Trường sa và sẽ có lợi ích lớn cho Việt Nam và Philippines trong việc kháng cự
lại các yêu sách bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Q.H

Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-06-09-duong-luoi-bo-va-tham-vong-banh-truong-bien-dong

 

RELATED ARTICLES

Tin mới