Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc muốn gây giông bão ở Biển Đông?

Trung Quốc muốn gây giông bão ở Biển Đông?

altVụ 26/5 cho thấy Bắc Kinh đẩy mạnh kế hoạch lấn chiếm Biển
Đông và thực hành cuộc chiến tranh cân não. Nếu dân ta trên dưới đồng lòng, 85
triệu người như một, thì một tấc biển đảo không ai xâm phạm được.

 Việc ba tàu hải giám Trung Quốc ngày 26/5 gây sức ép và phá
những thiết bị nghiên cứu, cắt đứt dây cáp nối tàu Việt Nam với các thiết bị
khảo sát đáy biển tại khu vực đặc quyền kinh tế Việt Nam gây sự quan tâm sâu
sắc của dư luận nước ta và quốc tế. Cùng với vụ này, ở một số nơi khác, các tàu
đánh cá Trung Quốc, được hỗ trợ của tàu hải giám, kéo vào đánh, cướp nguồn tài
nguyên trong hải phận Việt Nam, đe dọa hành hung ngư dân Việt Nam. Cách đây ít
lâu, hải quân Trung Quốc uy hiếp tàu của Philippines đang tiến hành thăm dò dầu
khí trong khu vực tranh chấp và hai chiến đấu cơ Trung Quốc tiếp cận các máy
bay tuần tra của Philippines tại khu vực Philippines tuyên bố thuộc khu vực đặc
quyền kinh tế của mình.

Vụ 26/5 nói lên điều gì?

Một, vụ này không phải là sự kiện đơn lẻ
trong một bức tranh lớn liên quan chiến lược và chiến thuật của Trung Quốc đối
với Đông Nam Á/Biển Đông – điểm tựa, cùng Đông Bắc Á, để Bắc Kinh triển khai
chiến lược châu Á-Thái Bình Dương.

Đẩy mạnh kế hoạch kiểm soát Biển Đông là mục tiêu bao trùm
của Bắc Kinh. Điểm mấu chốt là tranh đoạt nguồn dầu khí tại vùng biển này. Với
việc hạ thủy giàn khoan dầu ở độ sâu trên 3000m và sắp hạ thủy một tàu sân bay,
Trung Quốc ráo riết thực hiện đòi chủ quyền đối với 80% Biển Đông (theo đường
lưỡi bò 9 đoạn) và đẩy mạnh triển khai chính sách khai thác Biển Đông. Kế hoạch
này kết hợp với ngoại giao quân sự và ngoại giao tiền bạc triển khai từ đầu năm
nay nhằm ra sức tập hợp lực lượng tại Đông Nam để cản trở ASEAN đưa ra lập
trường chung trong các chương trình nghị sự ASEAN và các cơ chế ASEAN+ trong
năm 2011.

Hai, thăm dò phản ứng Mỹ sau cuộc Đối
thoại chiến lược-kinh tế Trung-Mỹ vòng III tại Washington
và chuyến thăm của Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc tới Mỹ. Bắc Kinh có
lẽ đã bắt mạch được một điều gì đó liên quan chiến lược của Washington thời kỳ “hậu Bin Laden”.

Về phía Mỹ, theo Bộ trưởng Quốc phòng Malaixia, Tiến sĩ Ahmad
Zahid Hamidi sau cuộc gặp ngày 31/5 với Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ,
Đô đốc Robert F. Willard, cho biết người Mỹ muốn tham gia đối thoại phi chính
thức với các bên đòi chủ quyền trên Biển Đông để giải thích lý do quân Mỹ có
mặt tại đó. Qua đối thoại, người Mỹ “muốn bảo đảm tài nguyên khoáng sản có thể
được chia sẻ và sử dụng để phát triển các nước và vùng lãnh thổ liên quan”.

Ba, Thủ tướng Trung Quốc thăm Indonesia
tháng 4 vừa rồi thỏa thuận cho nước chủ nhà – chủ tịch luân phiên ASEAN 2011,
vừa vay vừa hỗ trợ thương mại 19 tỷ USD. Con số này cộng với 6,3 tỷ mà Trung
Quốc cam kết cho Indonesia
vay để phát triển cơ sở hạ tầng, trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trung
Quốc cuối năm ngoái.

Trong lúc khủng hoảng và suy thoái đang hoành hành, mọi con
đường dường như đều dẫn tới Bắc Kinh. Cho nên việc Bộ trưởng Quốc phòng cùng
các nhà lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc liên tiếp thăm các nước Đông Nam Á
trong mấy tháng qua (tổng cộng là 5 cuộc) và đưa ra các gói tín dụng khổng lồ
cho thấy ASEAN là địa bàn Trung Quốc coi trọng biết nhường nào.

Cho nên, vụ 26/5 là để đo thái độ của ASEAN về Biển Đông. Mới
đây Myanmar đã gia nhập nhóm ủng hộ lập trường Trung Quốc trong tranh chấp Biển
Đông, khi nhà lãnh đạo mới của Myanmar thăm Trung Quốc đã công khai bày tỏ ủng
hộ lập trường Trung Quốc về Biển Đông.

Bốn, tình hình Nội Mông (Trung Quốc) đang rất căng thẳng.Vụ một lái xe người Hán đã cố ý dùng xe tải đâm vào đám đông
gồm hơn 30 người chăn nuôi Mông Cổ phản đối khai thác than gây ô nhiễm nghiêm
trọng môi trường địa phương, làm một người Nội Mông chết hôm 10/5 đã làm dấy
lên cuộc biểu tình kéo dài 5 ngày từ 23-27/5 với số lượng người biểu tình ngày
càng đông. Hôm 27/5 đã xảy ra đụng độ giữa hơn 300 cảnh sát chống bạo động và
hàng trăm người dân chăn nuôi và học sinh, hơn 40 người bị bắt. Theo tờ Libération(Pháp), thành phố Tích Lâm
Hạo Đặc đang sôi sục với các cuộc biểu tình. Liên tục trong tuần qua, đoàn
người biểu tình kéo đi rầm rộ trong các khu phố của nhiều thành phố ở cách nhau
khá xa, giương các biểu ngữ “Chúng ta hãy bảo vệ quyền của người Mông Cổ, công
lý cho người Mông Cổ”.

Nhà theo dõi tình hình Trung Quốc Joseph Cheung, Giáo sư Khoa
học Chính trị tại trường Đại học Hong Kong, nói rằng các vấn đề ở Nội Mông mà
ông cho là một khu vực sắc tộc nhạy cảm tương tự như Tây Tạng và Tân Cương hay
xảy ra các biến động, phản ánh các bất mãn ngày càng tăng trong điều ông mô tả
là xã hội chính mạch Trung Quốc.

Giới quan sát thông thạo về Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh
thường xuất khẩu xung đột ra bên ngoài để đánh lạc hướng sự chú ý dư luận trong
nước mỗi khi có vấn đề nội bộ. Phải chăng vụ gây sự với tàu Bình Minh 2 của
Việt Nam
là năm trong kịch bản này?

Năm, “nắn gân” Việt Nam. Thực ra là chiến tranh cân
não. Trung Quốc mấy năm vừa qua áp dụng hàng loạt biện pháp “an ninh phi truyền
thống” và xung độ cường độ thấp. Sắp tới nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục
leo thang các hành động khiêu khích nghiêm trọng hơn.

Đài Phượng Hoàng (HK) ngày 31/5 tổ chức phỏng vấn cầu truyền hình với một số
học giả của Trung Quốc xung quanh sự kiện 26/5. Các quan điểm phần lớn là lệch
lạc. Kim Vĩnh Minh, Viện Khoa học xã hội Thượng Hải nói rằng: Trong vấn đề Biển
Đông, Trung Quốc cũng có thể áp dụng một số biện pháp cứng rắn, thậm chí có thể
tạo ra một số xung đột nhỏ với Việt Nam. Điều đó sẽ có tính răn đe và ảnh hưởng
tới các nước liên quan khác. Việc xác định khu vực biển có tranh chấp còn tồn
tại nhiều bất đồng và xung đột, do vậy, việc có một số xung đột ở mức độ vừa
phải là có thể chấp nhận được.

Cách nhìn nhận trên đây rõ ràng là thiển cận và chắc hẳn
không đại diện cho lý trí sáng suốt và quan điểm thực tiễn của các nhà lãnh đạo
Trung Nam Hải. Các tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc
sau vụ ba tàu hải giám Trung Quốc ngày 26/5 gây sức ép và phá
những thiết bị nghiên cứu, cắt đứt dây nối tàu Việt Nam với các thiết bị
khảo sát đáy biển tại khu vực đặc quyền kinh tế Việt Nam chính là
nhằm đánh lạc hướng dư luận quốc tế.

Nhưng nước lớn chưa hẳn là mạnh. Nước nhỏ chưa hẳn là yếu.
Một cuộc xung đột trên biển, sự thắng thua dễ gì phân định? Xưa nay đã có nước
nhỏ nào mất một tấc thềm lục địa vì nước lớn có nhiều tàu to súng lớn?

Chúng ta phải sẵn sàng cho những kịch bản xấu nhất.

Nếu người Việt Nam không bày tỏ lập trường kiên
quyết thì Trung Quốc sẽ lấn tới. Và lúc đấy chủ quyền biển đảo không đánh mà
mất. Còn nếu trên dưới đồng lòng, 85 triệu người như một, thì một tấc biển đảo
thuộc chủ quyền quốc gia không ai xâm phạm được./.

Nguyễn Nguyên

Theo toquoc.gov.vn

 

RELATED ARTICLES

Tin mới