Wednesday, November 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiBáo Việt Nam viết về mặt trận Vị Xuyên

Báo Việt Nam viết về mặt trận Vị Xuyên

Ngày 12/7 nhiều báo trong nước đã có bài về cuộc chiến biên giới với Trung Quốc năm 1984 tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang.

Trong tháng 4 và tháng 5/1984, Trung Quốc đã mở nhiều chiến dịch dọc biên giới từ Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang đến Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh và chiếm nhiều điểm cao mà trước đó Việt Nam nắm giữ.

Cuối tháng 6/1984, Việt Nam quyết định tổ chức tiến công để giành lại những cao điểm bị Trung Quốc chiếm đóng. Việt Nam đã điều sáu trung đoàn tham gia.

Trong đó trận đánh nhằm giành lại Núi Đất (Trung Quốc gọi là Lão Sơn) ngày 12/7/1984 được cho là một trong các trận đánh đẫm máu và khốc liệt nhất ở Á châu nhiều thập niên trở lại đây tuy nhiên một thời gian dài không được nhắc tới nhiều ở trong nước.

Núi Đất là cao điểm thuộc về Việt Nam sau chiến tranh biên giới 1979, cùng với một cao điểm khác là Núi Bạc (Trung Quốc gọi là Giả Âm Sơn).

Trận đánh giành lại Núi Đất (Cao điểm 1509) cùng một số điểm cao khác do sư đoàn 356 thực hiện đã kết thúc với tổn thất lớn về binh lính cho phía Việt Nam, có tài liệu nói là do bội phản “từ một sỹ quan quân báo cao cấp”.

Núi Đất lúc đó nằm trong lãnh thổ Việt Nam, thuộc xã Thanh Thủy, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Tuyên, nay là tỉnh Hà Giang.

Các tài liệu nói trận đánh bắt đầu từ sáng sớm và kéo dài tới 17 tiếng đồng hồ.

Con số lính Việt Nam tử trận các nguồn đưa ra không thống nhất, một số nguồn chính thống nói khoảng 600 cán bộ chiến sỹ sư đoàn 356 hy sinh, bên cạnh 400 cán bộ chiến sỹ sư đoàn 316 và 312.

Nguồn nước ngoài thì nói riêng trận Núi Đất con số người thiệt mạng phía Việt Nam là 3.700.

Phần lớn các hài cốt của họ chưa quy tập được.

Tới năm 1992, quân chính quy Trung Quốc mới rút khỏi Núi Đất và Núi Bạc.

Thông tin về giai đoạn xung đột Việt – Trung sau cuộc chiến 1979 ít được nhắc tới ở Việt Nam cho đến bây giờ.

Một số tường thuật năm nay còn gọi cuộc chiến 1984 là do “Trung Quốc xâm lược”.

Hai nước ký Hiệp ước biên giới trên đất liền vào năm 1999 nhưng mãi tới năm 2009 mới thống nhất được đường biên.

Quá trình đàm phán biên giới đất liền được nói kéo dài hơn 35 năm.

RELATED ARTICLES

Tin mới