Sự việc xảy ra vào những ngày cuối năm 2017, vài tháng sau cuộc giằng co suýt dẫn đến xung đột ở biên giới giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ.
Lực lượng an ninh biên giới của Ấn Độ (Ảnh: Expres photo/Sandip Daundkar)
Hàng loạt hãng truyền thông lớn của Ấn Độ ngày 4/1 đưa tin, một nhóm nhân viên xây đường người Trung Quốc đã “xâm nhập” khoảng gần 1km vào lãnh thổ Ấn Độ ở bang Arunachal Pradesh vào cuối tháng 12/2017, nhưng đã bị các binh sĩ Ấn Độ ngăn chặn, tịch thu hai máy xúc cùng các trang thiết bị khác.
NDTV dẫn “các nguồn tin chính phủ” nói rằng nhóm nhân viên dân sự của Trung Quốc tới để thực hiện một số hoạt động đo đạc đường sá, và đã trở về phần lãnh thổ do Trung Quốc quản lý bên kia Đường kiểm soát thực tế (LAC) sau khi “chạm mặt” các binh sĩ của lực lượng biên phòng Ấn Độ và Cảnh sát biên giới Ấn-Tạng (ITBP).
Còn theo người dân địa phương ở Arunachal Pradesh, trong số người Trung Quốc “xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ” có cả dân thường và các nhân viên mặc quân phục.
Theo nguồn tin của báo Indian Express, ban đầu người dân phát hiện sự có mặt của người Trung Quốc và thông báo cho ITBP. ITBP cùng quân đội Ấn Độ đã gửi đội tuần tra chung tới vào ngày 28/12, yêu cầu các công nhân Trung Quốc rút lui.
Tờ Times of India dẫn nguồn các quan chức an ninh Ấn Độ ngày 3/1 bác bỏ khả năng tái diễn một vụ “căng thẳng Doklam” giữa Trung-Ấn, đề cập vụ binh sĩ hai nước đối đầu giằng co nhau suốt 73 ngày ở cao nguyên Doklam, trên ngã ba biên giới giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan.
“Không có đối đầu quân sự tại địa điểm gần làng Bishing ở khu vực Tuting của quận Upper Siang, bang Arunachal. Đây không phải là một tình huống ‘giống như Doklam’. Vấn đề đã được giải quyết thông qua cơ chế đối thoại đã có giữa hai nước…,” nguồn tin nói với TOI. “Người Trung Quốc sẽ được nhận lại thiết bị xây dựng của họ.”
Tuy nhiên theo TOI, việc trắc địa đường sá cũng như xích mích giữa binh sĩ hai nước trên LAC – trải dài từ Ladakh đến Arunachal Pradesh, là rất bất thường trong những tháng mùa đông lạnh giá với điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Từ sau căng thẳng Doklam, phía Ấn Độ ghi nhận khoảng 1.600-1.800 lính Trung Quốc đã đồn trú thường kỳ tại khu vực này cùng cơ sở vật chất để làm đường.
Cùng ngày 3/1, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố nước này “chưa bao giờ ghi nhận sự tồn tại của nơi gọi là Arunachal Pradesh”, và cho biết “không nắm được” thông tin về vụ việc ở Tuting ngày 28/12.