Các hãng tin phương Tây cùng lúc đưa tin Trung Quốc sẽ xây căn cứ hải quân tại Pakistan. Đây không phải sự ngẫu nhiên trong bối cảnh có hàng loạt sự kiện xảy ra trong các cặp quan hệ Mỹ-Pakistan, Pakistan-Trung Quốc.
Mới chỉ diễn ra tháng 12/2017, hải quân Trung Quốc và Pakistan đã tổ chức cuộc tập trận chung song phương lần thứ 5 ở Thượng Hải. Cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng phối hợp hành động giữa hải quân hai nước. Cuộc tập trận chung có sự tham gia của tàu hộ vệ Jinzhou của Trung Quốc và tàu hộ vệ Saif của Pakistan.
Trong cuộc tập trận Trung Quốc đã điều động máy bay chiến đấu J-11, máy bay ném bom JH-7, máy bay cảnh báo sớm KJ-200 cùng lực lượng lục quân tham gia diễn tập. Còn Pakistan điều máy bay chiến đấu JF-17 và máy bay cảnh báo sớm tham gia tập trận.
Trước đó, trong cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao 3 nước, Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan đã đồng thuận tăng cường hợp tác nhằm cải thiện tình hình trong khu vực, thúc đẩy kinh tế các nước phát triển. Theo đó cả 3 nước đã hoàn toàn đồng thuận về chiến lược tiêu diệt khủng bố. Trung Quốc cũng xem Tân Cương, khu vực ở cực tây nhạy cảm nhất tại quốc gia này là căn cứ cho quan hệ hợp tác kinh tế của 3 nước.
Sự ổn định ở Afghanistan và Pakistan chắc chắn sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát tốt hơn khu vực biên giới Tân Cương. Không những thế còn tăng cường an ninh trên tuyến đường thương mại xuyên lục địa, cùng với dự án phát triển cơ sở hạ tầng mang tên “Vành đai và con đường”.
Tuần trước, vào buổi sáng thứ Hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ lên Twitter chỉ trích Pakistan lừa đảo. Bằng chứng là, nước này đã nhận của Mỹ hơn 33 tỉ USD trong 15 năm qua nhưng vẫn dung túng cho hành động khủng bố tấn công binh sĩ Mỹ ở Afghanistan.
Sang ngày thứ Ba, đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley thông báo tiếp tục phong tỏa khoản viện trợ 255 triệu USD dành cho Islamabad. Khoản viện trợ không nhỏ này đã bị Quốc hội Mỹ cho đóng băng từ năm 2016. Trước sự kiện này, lập tức người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng lên tiếng bảo vệ đồng minh: “Pakistan đã nỗ lực và hy sinh rất nhiều trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, và đóng góp đáng kể vào công cuộc chống khủng bố toàn cầu. Trung Quốc và Pakistan là đối tác trong mọi hoàn cảnh. Chúng tôi sẵn sàng tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác toàn diện để mang lại lợi ích cho cả hai phía”. Rõ ràng ai cũng hiểu vì sao bị Washington cắt viện trợ hàng trăm triệu USD mà Islamabad vẫn chả hề nao núng!.
Cho đến ngày thứ Tư, Ngân hàng Trung ương Pakistan thông báo bắt đầu sử dụng đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc trong giao dịch thương mại và đầu tư song phương. Điều này rất có ý nghĩa với Trung Quốc, bởi NDT phải được quốc tế hóa nếu Trung Quốc muốn được nhìn nhận như một siêu cường thực thụ. Ngay lập tức, đại sứ Trung Quốc tại Pakistan tuyên bố, Bắc Kinh sẽ xúc tiến dự án cơ sở hạ tầng trị giá nhiều tỉ USD. Dự án này được đổ tới 62 tỉ USD và được coi là Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan.
Thế rồi vào ngày thứ Năm, Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục đẩy căng thẳng lên cao. Nước này tuyên bố sẽ giữ lại 1,9 tỉ USD viện trợ cho đến khi Pakistan có “hành động dứt khoát” chống Taliban. Tổng thống Trump sau đó lại lên Twitter gọi việc cắt toàn bộ viện trợ cho Pakistan là “ý tưởng hay” và ngụ ý đây chỉ mới là khởi đầu mà thôi.
Không thể nín nhịn thêm, Ngoại trưởng Pakistan Khawaja Asif tối thứ Bảy xác nhận với báo Mỹ Wall Street Journal rằng liên minh giữa hai nước đã kết thúc, vì đã là “đồng minh” thì không bao giờ đối xử với nhau như thế! Ngoại trưởng cho hay, Pakistan không đơn độc trong cuộc chiến chống khủng bố. Pakistan có các đồng minh lớn , trước hết là Trung Quốc.
Trong khi nặng lời chỉ trích Islamabad, Washington đã tạo cơ hội và Bắc Kinh đã chớp lấy để tăng cường ảnh hưởng của mình lên Pakistan.
Trong cái nhìn toàn cục thì đây sẽ là điều tạo ra lợi thế địa chính trị của Trung Quốc so với Mỹ.