Wednesday, November 27, 2024
Trang chủQuân sựCuộc đua phát triển vũ khí mới của các siêu cường

Cuộc đua phát triển vũ khí mới của các siêu cường

Nỗ lực phát triển tên lửa hành trình siêu thanh mới, thiết bị bay không người lái ứng dụng trí tuệ thông minh nhân tạo đang là xu hướng phát triển vũ khí mới của nhiều quốc gia trên thế giới. Xu hướng này sẽ định hình phương thức tác chiến trong tương lai và có thể dẫn đến “vòng xoáy” chạy đua mới giữa các siêu cường.

UAV trang bị công nghệ AI đang là hướng phát triển được nhiều quân đội quốc gia trên thế giới theo đuổi.

Vấn đề này càng trở nên rõ ràng hơn khi mới đây Washington tuyên bố sẽ xem xét lại khả năng triển khai vũ khí lên quỹ đạo, cũng như tiếp tục theo đuổi hàng loạt công nghệ vũ khí tương lai như thiết bị chiến đấu không người lái và phương tiện siêu thanh mới.

Vũ trang hóa quỹ đạo Trái Đất

Giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, việc triển khai các loại vũ khí tấn công hoặc phòng thủ lên quỹ đạo Trái Đất sẽ giúp bất kỳ quốc gia nào đạt được công nghệ này có lợi thế hoàn toàn trước các đối thủ tiềm năng.

Mặc dù những ý tưởng về việc xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng hoặc thiên thạch bay gần Trái Đất hiện tại vẫn là câu chuyện viễn tưởng, nhưng khi được hiện thực hóa trong tương lai, câu chuyện sẽ hoàn toàn khác.

Kịch bản đơn giản nhất của việc triển khai vũ khí lên quỹ đạo Trái Đất là các phương tiện mang vũ khí sóng điện tử (EMP). Khi xung đột xảy ra, vũ khí EMP có khả năng vô hiệu hóa hoàn toàn hệ thống điện tử quân sự và dân sự của đối phương. Điều này sẽ khiến quân đội đối thủ tê liệt. Đó là kịch bản đang được giới chức quốc phòng nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, tính tới.

Xét về mặt công nghệ, rõ ràng tên lửa mang đầu đạn EMP được phóng vào lãnh thổ đối phương từ quỹ đạo sẽ khó bị phát hiện và ngăn chặn hơn vì tốc độ tiếp cận khí quyển quá lớn. Hiện tại, có rất nhiều quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước châu Âu đã có đủ khả năng đưa các dòng vũ khí loại này lên quỹ đạo.

Ngoài vũ khí EMP, những dòng vũ khí năng lượng cao, như vũ khí la-de, cũng đang được Mỹ phát triển để mang lên quỹ đạo với mục tiêu phá hủy tên lửa của đối phương ngay sau khi nó rời bệ phóng. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn chưa đủ hoàn thiện và tin cậy.

Tên lửa hành trình siêu thanh thế hệ mới

Tên lửa hành trình siêu thanh thế hệ mới có nhiều đặc điểm ưu việt so với các dòng tên lửa đạn đạo trong quá khứ là khả năng cơ động cao; né tránh hoặc xuyên thủng lá chắn tên lửa của đối phương; và tấn công chính xác mục tiêu.

Công nghệ tên lửa hành trình siêu thanh mới cho phép đạn tên lửa có thể đạt tốc độ tới Mach 5 (hơn 6.000km/giờ) và rất khó để đánh chặn chúng. Nhiều chuyên gia quân sự đánh giá, tên lửa hành trình siêu thanh mới đang có tiềm năng thay đổi các cuộc chiến trong tương lai, khi mọi địa điểm trên Trái Đất có thể bị tấn công chính xác trong vòng vài giờ đồng hồ.

Trong thực tế, Mỹ là một trong những quốc gia đi đầu phát triển tên lửa hành trình siêu thanh thế hệ mới để làm nền tảng cho học thuyết Tấn công nhanh toàn cầu PGS (Prompt Global Strike) từ năm 2001.

Thành tựu đáng kể nhất trong lĩnh vực tên lửa siêu thanh của Mỹ chính là nguyên mẫu tên lửa X-51A Waverider với khả năng bay tốc độ tới Mach 8, tầm bắn tới hơn 2.000km và trần bay khoảng 30km. Mỹ dự kiến trang bị tên lửa Waverider lên máy bay ném bom chiến lược từ năm 2020.

Nga cũng có các chương trình phát triển tên lửa siêu thanh mới, trong đó nổi tiếng nhất là tên lửa diệt hạm Zircon. Chúng sẽ sớm được trang bị trên các chiến hạm của Hải quân Nga tới năm 2020. Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang theo đuổi chương trình phát triển tên lửa siêu thanh mới, nhưng chưa đạt được kết quả đáng chú ý như Nga và Mỹ.

Thiết bị bay không người lái thông minh

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của ngành công nghiệp quốc phòng thế giới trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 là sự xuất hiện bùng nổ của các phương tiện bay không người lái (UAV) quân sự.

Với sự tiến bộ của công nghệ, UAV ngày càng có nhiều khả năng hơn. Thậm chí, trong tương lai gần, UAV có thể thay thế một phần nhiệm vụ của máy bay quân sự có người điều khiển.

Các học giả quân sự nhận định, với sự phát triển của trí thông minh nhân tạo (AI), tương lai của UAV trong lĩnh vực quân sự sẽ còn tiếp tục rộng mở. Cụ thể, thay vì phụ thuộc vào lệnh điều khiển của con người đưa ra như hiện nay, UAV tương lai với AI có thể tự chủ đưa ra quyết định theo dõi, bám sát hay tấn công mục tiêu bằng vũ khí mang theo.

Bất chấp những cảnh báo về những nguy cơ áp dụng AI trong quân sự, nhưng những lợi ích và khả năng do công nghệ này mang lại cho UAV chiến đấu là không thể phủ nhận.

Điểm mạnh của dòng UAV với AI là khả năng hoạt động độc lập cao, có thể tự ra quyết định tùy vào tình huống chiến trường… Đó thực sự là “niềm ao ước” của mọi tướng lĩnh. Công nghệ UAV ứng dụng AI đang được Mỹ, Trung Quốc, Nga và châu Âu phát triển.

“Trí thông minh nhân tạo không chỉ là tương lai ở Nga, mà còn là tương lai của toàn nhân loại trong bối cảnh tình hình thế giới rất khó dự đoán như ngày nay”, Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá về tương lai của công nghệ UAV áp dụng AI. Theo lời nhà lãnh đạo nước Nga, ai làm chủ được công nghệ này sẽ có quyền kiểm soát thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới