Trước khi vụ việc của Edward Snowden được đưa ra ánh sáng, Hồng Kông từ lâu đã được mệnh danh là miền đất hứa cho những “thế lực bóng tối”.
Hồng Kông – thiên đường “bóng tối”
Vụ bắt giữ Jerry Chun Shing Lee, cựu nhân viên CIA đầu tuần này là phi vụ gián điệp mới nhất được phơi bày trong chuỗi hoạt động tình báo kéo dài hàng thập kỉ qua. Ba thành phố Hồng Kông, Casablanca (Maroc) và Lisbon (Bồ Đào Nha), được mệnh danh là thiên đường lẩn trốn của các điệp viên, nhà ngoại giao đáng nghi hay những tay tin tặc.
Chỉ mới 3 năm và 4 tháng trước, Edward Snowden – cái tên gắn liền với hệ thống gián điệp hiện đại – đã bước ra khỏi bóng tối để lật tẩy mạng lưới gián điệp toàn cầu của chính phủ Mỹ. Theo Snowden, những hoạt động tình báo của Mỹ được tiến hành ở mức độ chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại.
Dù Snowden chỉ ẩn náu ở Sham Shui Po (Hồng Kông) trong vòng 1 tháng trước khi đến Moscow nhưng Hồng Kông vẫn là nơi ẩn thân hoàn hảo cho nhiều điệp viên khác.
Việc Snowden lựa chọn Hồng Kông làm nơi ẩn náu trong khi lực lượng tình báo Mỹ ráo riết tìm cách bắt được anh ta là bằng chứng cho thấy thành phố này thực sự kín đáo và an toàn.
Edward Snowden.
Lịch sử gián điệp tại Hồng Kông
Sau khi Anh trao trả Hồng Kông về lại cho Trung Quốc, một trang sử mới của hoạt động gián điệp bắt đầu mở ra ở xứ cảng thơm.
Trang sử ấy bắt đầu với người đàn ông được mệnh danh là “gián điệp đầu tiên của Hồng Kông”, John Tsang Chao-ko, sĩ quan người Hoa có quân hàm cao nhất trong lực lượng cảnh sát Anh. Năm 1961, Tsang bị cáo buộc hoạt động gián điệp và bị trục xuất về Đại lục.
Đến nay câu chuyện của Tsang vẫn là một bí ẩn: ông bị trục xuất không thông qua phiên tòa xét xử nào tại Hồng Kông, và phía Đại lục cũng không xác nhận hay bác bỏ những cáo buộc đối với Tsang.
Tuy nhiên, tháng 12/2014, khi Tsang qua đời ở tuổi 91, bài đăng trên Nhật báo Quảng Châu đã gọi ông này là “đồng chí”, trong đó trích dẫn lời chia buồn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và một số lãnh đạo cấp cao.
Sau sự kiện Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc năm 1997, rất nhiều cáo buộc cho rằng Anh và Mỹ đã để lại tổ chức gián điệp khổng lồ tại vùng đất này.
Trong khoảng thời gian diễn ra sự kiện bàn giao lãnh thổ, nhiều bài báo được đăng tải trên báo nhà nước Trung Quốc cho rằng, toàn bộ tòa nhà Hoàng thân xứ Wales bị gắn đầy thiết bị nghe lén trước khi được trao trả lại cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Một thời gian sau đó, PLA cũng không sử dụng tòa nhà này làm trụ sở như dự định ban đầu.
Tòa thị chính cũng là một ví dụ tương tự. Ông Đổng Kiến Hoa, Trưởng đặc khu đầu tiên của Hồng Kông, đã từ chối sử dụng tòa nhà này vì lo ngại các thiết bị nghe trộm.
Cơ quan tình báo Anh MI6 đã điều hành một trung tâm thu thập thông tin ở Siu Sai Wan thuộc Hồng Kông – một trong những trung tâm thu thập thông tin lớn nhất Đông Á – để giám sát các liên lạc không dây từ Trung Quốc. Cơ sở này đã bị phá hủy năm 1980, khi Anh chuẩn bị giao lại Hồng Kông cho Trung Quốc.
Cựu nhân viên Jerry Chun Shing Lee từng làm việc cho một công ty ở Hồng Kông.
Hoạt động gián điệp tại Hồng Kông đã thay đổi đáng kể từ khi điệp viên đầu tiên bị lật tẩy. Hiện nay những hoạt động ngầm được cho ngày càng gia tăng tại thành phố này.
Điều kiện “lý tưởng” cho hoạt động gián điệp
Các hoạt động gián điệp tại Hồng Kông được dự đoán sẽ ngày càng gia tăng cùng với những bất ổn chính trị và những chuyển dịch kiến tạo địa chính trị tại đây.
Những hoạt động mờ ám xung quanh phong trào ủng hộ ly khai cho Hồng Kông, những kế hoạch quân sự liên quan đến xung đột trên biển Đông và những vụ điều tra đời tư là những hoạt động nổi bật trong mạng lưới gián điệp khổng lồ tại Hồng Kông. Kèm theo những hoạt động đó là tiền, chất bôi trơn cần thiết của ngành tình báo.
Các hoạt động gián điệp đang lan rộng như sự phát triển của các công ty và tập đoàn đa quốc gia, mà Hồng Kông chính là miền đất lành của nhiều gián điệp trong một thế giới ngày càng bất ổn.
Năm 2016, Symantec, công ty công nghệ thuộc nhóm 500 doanh nghiệp lớn nhất tại Mỹ do tạp chí Fortune bình chọn, nói rằng một tổ chức gián điệp mạng có tên Buckeye đã chuyển hướng mục tiêu tấn công tin tặc sang “các thực thể chính trị” tại Hồng Kông, thay vì mục tiêu thông thường là Mỹ.
Lực lượng cảnh sát Hồng Kông đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay hơn để đối phó với giới gián điệp và tin tặc ngày càng lộng hành; trong đó bao gồm việc xây dựng Đơn vị Tác chiến An ninh mạng và Công nghệ.
Tuy nhiên, lý do Hồng Kông được coi là trung tâm của gián điệp là hệ thống luật pháp và nhập cư đặc biệt của thành phố này.
Khác với Đại lục, du khách từ hơn 100 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới được phép nhập cảnh Hồng Kông mà không cần thị thực, và luật pháp nơi đây cũng không coi hoạt động tình báo là tội phạm. Vì những lí do này, Hồng Kông đã trở thành địa điểm hoàn hảo cho các hoạt động thu thập và trao đổi thông tin mật và nhạy cảm.