Giới quan sát cho rằng Trung Quốc viện cớ phản đối tàu chiến Mỹ áp sát bãi cạn Scarborough nhằm phục vụ ý đồ ngang nhiên bành trướng phi pháp ở Biển Đông.
Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson ở Biển Đông hồi tháng 3.2017
Truyền thông Trung Quốc những ngày qua liên tiếp đăng nhiều bài xã luận chỉ trích việc tàu khu trục USS Hopper của Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý gần bãi cạn Scarborough tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines hôm 17.1. Trong bài xã luận hôm qua, tờ Nhân Dân nhật báo cáo buộc Mỹ “quân sự hóa khu vực” vốn đang tiến triển tốt về tổng thể. Bài báo dọa rằng nếu Mỹ một lần nữa “vô cớ gây rối và tạo căng thẳng” chỉ khiến Trung Quốc đi đến kết luận rằng cần phải “tăng cường xây dựng năng lực ở Biển Đông để đảm bảo hòa bình”.
Cũng trong hôm qua, tờ Hoàn Cầu thời báo đăng liên tiếp 2 bài xã luận phản đối “hành động khiêu khích” của Mỹ, đồng thời không che giấu ý đồ muốn nhân cơ hội này để ngang nhiên tiếp tục quân sự hóa các đảo chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông. “Khi quân đội Trung Quốc gia tăng về số lượng và chất lượng thì khả năng kiểm soát Biển Đông cũng tăng theo. Trung Quốc có thể điều nhiều tàu hải quân nhằm đáp trả và có thể có những hành động như quân sự hóa các đảo”, bài báo viết. Theo đó, Trung Quốc có thể tăng tốc xây dựng phi pháp kể cả tại bãi cạn Scarborough để đáp trả.
Trước đó ngày 20.1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng tàu khu trục Mỹ đã “xâm nhập lãnh hải nước này mà không xin phép”, đồng thời cho biết Bắc Kinh sẽ có “biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền”. Phản ứng trước tuyên bố này, Lầu Năm Góc khẳng định tàu USS Hopper tiến hành hoạt động duy trì tự do hàng hải (FONOP) thông thường. Bà Nicole Schwegman, người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng hoạt động này nhằm “thể hiện cam kết của Mỹ trong việc đảm bảo quyền, sự tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển, vùng trời được các nước đảm bảo theo luật pháp quốc tế”. “Mỹ tiến hành FONOP thường xuyên, định kỳ như trước nay và chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành trong tương lai”, bà Schwegman tuyên bố.
Việc FONOP được tiến hành giữa bối cảnh Washington đang muốn Bắc Kinh phối hợp để giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Mỹ từng nhiều lần tiến hành FONOP tại Biển Đông. Tuy nhiên theo giới quan sát, điều bất thường ở lần này là Bắc Kinh lại lên tiếng trước chứ không đợi sau khi Mỹ công bố. Theo bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), có thể Trung Quốc đang kiếm cớ để bắt đầu vận hành hạ tầng quân sự trên các đảo mà nước này ngang nhiên tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông và quyết định lợi dụng FONOP của Mỹ làm lý do. Một điều trùng hợp nữa là tại Hội nghị Hàng hải quốc gia Trung Quốc vào ngày 21.1, Giám đốc Cục Hải dương Vương Hoành tuyên bố Bắc Kinh sẽ tăng cường “năng lực xây dựng sinh thái” trong năm 2018. Theo đó, việc xây dựng sẽ được gia tăng tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của VN mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền một cách phi pháp.