Ấn Độ chuẩn bị kích hoạt một trạm theo dõi vệ tinh ở Việt Nam, bất chấp sự phản đối từ Trung Quốc, tờ Deccan Herald của Ấn Độ đưa tin.
Cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ở New Delhi đã được đánh dấu bằng việc trao đổi 2 hiệp ước, một trong số đó là việc kích hoạt Trạm Thăm dò dữ liệu và theo dõi, đo đạc của Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) tại TPHCM.
Theo đó ISRO và Cục Viễn thám Quốc gia của Việt Nam sẽ “xác định khuôn khổ và điều kiện hợp tác” để thành lập trạm theo dõi và thu thập dữ liệu cũng như cơ sở xủ lý dữ liệu tại TPHCM.
ISRO đã tiến hành thiết lập trạm theo dõi vệ tinh hiện đại ở Việt Nam 2 năm trở lại đây như một phần của chương trình hợp tác không gian giữa Ấn Độ và ASEAN.
Sau khi được kích hoạt và liên kết với một trạm hiện có khác của ISRO tại Biak ở Indonesia, cơ sở mới tại TPHCM sẽ giúp các vệ tinh theo dõi của New Delhi nhận dữ liệu và chia sẻ với các cơ quan viễn thám của Việt Nam và các nước ASEAN khác về dữ liệu vệ tinh để quản lý tài nguyên thiên nhiên, nghiên cứu đại dương và ứng phó thảm hoạ ở Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, theo các nguồn ở New Delhi, nó cũng sẽ là một tài sản chiến lược quan trọng để Ấn Độ theo dõi các động thái trên Biển Đông, là trung tâm tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với Việt Nam cũng như các nước láng giềng khác như Brunei, Malaysia, Philippines…
Bắc Kinh phản đối về cơ sở này vì nó sẽ mang lại cho Ấn Độ một lợi thế chiến lược trong một khu vực thường được coi là sân sau của Trung Quốc.
Báo Global Times của chính phủ Trung Quốc hồi tháng 1/2016 đã đưa ra một báo cáo trích dẫn một nhà nghiên cứu thuộc một tổ chức khoa học xã hội của Trung Quốc tuyên bố rằng việc New Delhi thành lập trạm theo dõi vệ tinh tại TPHCM là bằng chứng “rõ ràng” cho thấy Ấn Độ cố làm phức tạp “tranh chấp khu vực” trên Biển Đông.
Phản đối của Bắc Kinh đã khiến Hà Nội có một chút do dự và đã trì hoãn việc hoàn thành các thủ tục cần thiết thủ tục với New Delhi để mở đường cho ISRO kích hoạt trạm theo dõi.
Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn tiếp tục thảo luận với Việt Nam trong 2 năm qua và cuối cùng là hai bên đã nhất trí đưa ra biện pháp thực hiện để giải quyết các rào cản cho hoạt động của mình.
Bắc Kinh cũng đã phản đối việc thăm dò dầu mỏ của công ty Ấn Độ ONGC Videsh Limited (OVL) trong các lô thuộc Việt Nam ở Biển Đông. Lời kêu gọi của Tôn Sinh Thành, Đại sứ Hà Nội ở New Delhi, mời chào Ấn Độ đầu tư nhiều hơn sang Việt Nam đã khiến người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đầu tháng này lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới New Delhi hôm thứ Tư 24/1 để tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Ấn Độ, được tổ chức vào thứ Năm 25/1. Ông cũng sẽ tham gia cùng các nhà lãnh đạo ASEAN khác để dự lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh Ấn Độ vào thứ Sáu 26/1.
Ông đã gặp Thủ tướng Modi vào cuối ngày thứ Tư. Bộ Ngoại giao cho biết 2 Thủ tướng đã chứng kiến việc trao đổi Bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thông tin và phát thanh truyền hình.
Họ đã xem xét việc thực hiện các khoản tín dụng của Ấn Độ cho Việt Nam trong ngành quốc phòng. Hà Nội đã có tiến triển trong việc sử dụng khoản tín dụng 100 triệu đô la từ Ấn Độ để trao hợp đồng cho L&T sản xuất tàu tuần tra ngoài khơi, được sử dụng bởi Hải quân Việt Nam và Cảnh sát biển. Hai Thủ tướng cũng đồng ý rằng 500 triệu USD tín dụng khác cho mua sắm quốc phòng cũng sẽ được thực hiện khẩn trương.
New Delhi và Hà Nội cũng đang thảo luận một thỏa thuận theo đó Ấn Độ sẽ cung cấp tên lửa BrahMos cho Việt Nam.
Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos được sản xuất bởi một liên doanh của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng và tổ chức NPO Mashinostroeyenia của Nga. Moscow đã gật đầu chào New Delhi để tiến hành đàm phán với Hà Nội về thỏa thuận đề xuất.