Bản tin Biển Đông ngày 25/01/2018.
Trung Quốc ngang nhiên mời gọi các nước đối tác tham gia nghiên cứu “băng cháy” ở Biển Đông
Tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin, theo nguồn tin từ một số chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc,. tại một buổi họp báo ngày 23/01, ông Wang Yan, Phó Viện trưởng Viện Khảo sát Địa chất Trung Quốc, Bộ Tài nguyên và Đất đai Trung Quốc đã tiết lộ rằng sắp tới Trung Quốc sẽ xây dựng một căn cứ thử nghiệm trên Biển Đông nhằm đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá “băng cháy”, một loại khí gas tự nhiên (NGH) – “một lĩnh vực mới phù hợp cho hợp tác trong dài hạn với các quốc gia khác ở Biển Đông” đồng thời sẽ tiến hành khảo sát đánh giá môi trường đối với NGH và tổ chức nghiên cứu, phát triển công nghệ NGH cơ bản. Liu Feng, một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông tại Hải Nam, Trung Quốc cũng khẳng định rằng, với trữ lượng tài nguyên khổng lồ, các bên tranh chấp Biển Đông nên tập trung vào hợp tác về khí gas tự nhiên và tự tin “gợi ý” rằng Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ về thiết bị công nghệ để tiến hành khai thác. Tuy nhiên, Thời báo Hoàn cầu cho biết một số chuyên gia vẫn đang lo ngại về giá thành cũng như những tác động của việc khai thác NGH đối với môi trường.
Không khó để dư luận quốc tế có thể thấy rõ mưu đồ của Trung Quốc nhằm thôn tính Biển Đông. Việc “để ngỏ” “sự giúp đỡ” trong ý tưởng “hợp tác cùng khai thác”, với thế mạnh về khoa học công nghệ (dù chưa được kiểm chứng) phần nào cho thấy những tính toán nguy hiểm của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh về năng lượng ở khu vực trong bối cảnh căng thẳng trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Rõ ràng, khi tranh thủ lợi dụng việc hiện nay các nước ASEAN trong khu vực chưa có đủ khả năng về công nghệ và kỹ thuật để khai thác băng cháy ở Biển Đông, Trung Quốc có thể diễn vai “nhà hảo tâm”, một mặt nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác khai thác tài nguyên theo hướng có lợi cho việc phục vụ ý đồ của nước này, mặt khác gạt bỏ sự hiện diện của các nước ngoài khu vực để rảnh tay độc chiếm Biển Đông.
Chuyên gia Trung Quốc hé lộ khả năng hải quân Trung Quốc sẽ trở nên “quyết đoán hơn” trong các tranh chấp biển ở Biển Đông trong tương lai
Ngày 24/01, tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết, theo Li Jie, một chuyên gia về hải quân tại Bắc Kinh, Trung Quốc, “Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang thực hiện chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương Trung Quốc về tăng cường khả năng tác chiến thông qua việc tổ chức các cuộc tập trận trên Biển Đông nhằm “đối phó” với các tranh chấp đảo tiềm tàng và “việc tái thống nhất quốc gia” trong tương lai”, với lý do “Biển Đông, nơi có mực nước biển sâu và điều kiện thời tiết phức tạp rất phù hợp để tiến hành các hoạt động tác chiến thực tế”. Đồng thời, ông này cũng mạnh miệng yêu cầu tất cả các quốc gia khác phải “làm quen với tình hình này” và “chấm dứt việc suy đoán thiếu căn cứ khi quân đội Trung Quốc chỉ đang nâng cao năng lực để theo kịp đà tăng trưởng của quốc gia”.
Mới đây, trang web navy.81.cn của Hải quân PLA cho biết Trung Quốc đã điều 6 tàu đổ bộ tham gia vào cuộc tập trận huấn luyện trên Biển Đông ngày 22/01. Theo ông Li, cuộc tập trận quân sự này cũng nhằm truyền tải thông điệp đến các nước khác rằng Trung Quốc có đủ khả năng và có giải pháp để bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông và như vậy thì “các quốc gia ngoài khu vực chẳng còn cớ gì để can dự vào vấn đề này của khu vực”. Theo Thời báo Hoàn cầu, đây là lần thứ hai thông tin về các cuộc tập trận được công bố tới dư luận trong một tháng vừa qua. Trước đó, ngày 14/01, tờ PLA Daily cho biết hai tàu đổ bộ và hơn 100 binh lính đã tiến hành tập trận tác chiến thực tế bao gồm phòng thủ trên không và phòng thủ tên lửa.
Truyền thông quốc tế ghi nhận Mỹ và Việt Nam đang ngày càng xích lại gần nhau trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng trên Biển Đông
Ngày 24/01, Business Insider nhận định Việt Nam đang xích lại gần hơn với Mỹ, đặc biệt là sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tới Việt Nam trong bối cảnh nước này luôn có động thái tích cực nhằm phản đối hoạt động quân sự hoá và bành trướng ở Biển Đông và quan hệ song phương giữa hai bên đang ngày càng được quan tâm thúc đẩy, nhất là quan hệ giữa quân đội hai nước. Trong thời gian gần đây, Việt Nam và Mỹ đang cùng chia sẻ mối lo ngại đối với cách hành xử thô bạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong chuyến thăm của mình tới Việt Nam ngày 24/01, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis khẳng định rõ: “Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực và do đó tự do hàng hải ở Biển Đông sẽ ngày càng đóng vai trò trọng yếu cả về mặt kinh tế lẫn đảm bảo an ninh của Việt Nam”.
Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tăng cường hạm đội thủy quân nhằm vào Đài Loan và Biển Đông
Ngày 24/1, trang Asia Times cho biết Hải quân của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã sản xuất một tàu đổ bộ Longhushan loại 071 khác vào tuần trước. Tàu này được cho là sẽ tăng cường lợi thế quân sự của Trung Quốc trong các tranh chấp đảo tiềm tàng sắp tới. Tàu dài 210 mét, rộng 28 mét, được nước này gọi là tàu chở máy bay loại nhỏ hiện là tàu vận chuyển hạm đội lớn nhất mà Trung Quốc tự sản xuất. Theo Tân Hoa xã, tàu này có thể chở một đội gồm 600-800 người, có 2 sân đỗ cho trực thăng, nhà chứa máy bay đủ chứa cả lục quân, các phương tiện, trực thăng, xe tăng hạng nhẹ và phương tiện chiến đấu…, thậm chí có thể vận chuyển lục quân và các phương tiện với vận tốc cao và có thể duy trì trong 60 ngày. Theo bình luận viên quân đội Song Zhongping, Trung Quốc đang ráo riết phát triển các tàu loại 071 nhằm tạo được lợi thế trong các tranh chấp đảo như Đài Loan hoặc những đảo nhỏ ở Biển Đông. Ông cũng cho biết, các tàu này đã đi vào hoạt động, có thể hoạt động phối hợp với các tàu Loại 075 nhằm bảo đảm sự vượt trội trên biển.
Học giả Philippines khẳng định Philippines đã thăm dò khu vực Benham Rise từ lâu
Ngày 24/01, Rappler đăng bài viết “Người Philippines đã thăm dò khu vực Benham Rise trong nhiều năm” của Giáo sư Jay L. Batongbacal, Giám đốc Viện Nghiên cứu các vấn đề biển và Luật Biển thuộc Đại học Philippines. Trong bài viết, ông Batongbacal cho biết ông không đồng tình với tuyên bố của Phát ngôn viên Tổng thống Philippines Harry Roque mới đây khi ông nói rằng Philippines không đủ khả năng để tiến hành thăm dò khu vực Benham Rise nên Philippines mới cần đến sự hỗ trợ của Trung Quốc. Giáo sư Jay Batongbacal khẳng định Philippines từ lâu đã có những nỗ lực thăm dò khu vực. Chẳng hạn như việc triển khai tàu BRP Hydrographer Presbitero từ 2004 – 2008 và một lần nữa vào năm 2010 để tiến hành khảo sát thuỷ văn và nghiên cứu độ sâu phức hợp tại khu vực Benham Rise. Ông cho biết, đây là mô hình cần thiết đối với Philippines nhằm hỗ trợ cho các yêu sách của nước này tại vùng thềm lục địa ngoài 200 hải lý với những phân tích về địa mạo ở dạng 2D và 3D. Bên cạnh đó, ông cũng trích ra một ví dụ khác là các hoạt động nghiên cứu về nghề cá và thăm dò đánh cá thử nghiệm tại khu vực này, đặc biệt là tại vùng bờ biển đảo Luzon và bãi Benham nhằm xác định tiềm năng cá ngừ tại các vùng biển này. Mới đây, tính từ năm 2016, Viện nghiên cứu Khoa học Địa chất quốc gia (NIGS) và Viện Nghiên cứu Khoa học Biển (MSI) thuộc Đại học Philippines đều đang triển khai hợp tác với các viện nghiên cứu của Nhật Bản và Hàn Quốc để khởi động bước đầu thăm dò khu vực đáy biển của Benham Rise theo hình thức ký kết các Bản ghi nhớ hợp tác, qua đó sẽ thúc đẩy việc đánh giá và thăm dò tài nguyên tại Benham Rise. Ông khẳng định dù Trung Quốc thực sự cũng là một quốc gia mạnh trong khoa học biển đương đại song không phải là quá cần thiết vì Philippines vẫn có thể tiến hành các hoạt động khoa học biển ở mức độ khiêm tốn và song song với đó vẫn tiếp tục phát triển tiềm lực trong lĩnh vực này, với các quốc gia có thiện chí khác. Ngoài ra, ông Batongbacal cũng cho biết hai tàu nghiên cứu khoa học biển do Chính phủ và các trường Đại học của Philippines hỗ trợ đã khởi động các hoạt động tại Bãi Benham năm 2014 và 2016, theo đó, chiếc tàu thứ 3 đang được lên kế hoạch triển khai vào năm nay với sự tham gia của nhóm các nhà khoa học, Hải quân, thợ lặn kỹ thuật của Cảnh sát Biển và các thuỷ thủ của Philippines