Wednesday, November 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiXuất khẩu cử nhân thất nghiệp: VN kỳ vọng thị trường Nhật

Xuất khẩu cử nhân thất nghiệp: VN kỳ vọng thị trường Nhật

Người Việt là cộng đồng lớn thứ 2 trong tổng số khoảng 1,28 triệu lao động nước ngoài ở Nhật, chỉ sau Trung Quốc.

Đó là con số do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thống kê và công bố ngày 26/1, theo Kyodo News.

Cụ thể, số lao động Việt làm việc ở Nhật Bản tính đến tháng 10/2017 tăng 40% so với cùng thời điểm năm 2016, lên tới 240.259 người.

Việc này sẽ là lợi thế cho Việt Nam, trong bối cảnh Chính phủ Nhật đang mở cửa chào đón lao động nước ngoài có kỹ năng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và một số lĩnh vực khác.

Trong ngành sản xuất ở Nhật có 40% lao động nước ngoài là thực tập sinh kỹ thuật còn trong ngành dịch vụ có tới 60% là sinh viên.

Thế nhưng, thị trưnng này lại khắt khe nên nhiều thực tập sinh kỹ thuật và sinh viên nước ngoài chỉ có thể tham gia lĩnh vực lao động không đòi hỏi kỹ năng với lương thấp để bù đắp tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng.

Như chúng ta từng biết, Bộ LĐTB-XH đang xây dựng dự thảo Đề án đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025.

Mục tiêu của Đề án là đưa hơn 54.000 lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chưa tìm được việc có nhu cầu đi làm tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức ở một số ngành nghề được phê duyệt.

Từ 2021 đến 2025, đề án dự kiến tiếp tục đưa hơn 39.000 lao động đi làm việc tại ba nước trên và mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động.

Thị trường Nhật Bản bổ sung thêm ngành kỹ sư công nghệ thông tin, sinh học; Đức là cơ khí chính xác như tiện phay, bào CNC, hàn trình độ cao; Hàn Quốc thêm công nghệ thông tin, thuyền viên hàng hải. Ngoài ra, mở rộng thêm các thị trường như ASEAN, UAE ở các ngành dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, phục vụ khách sạn – nhà hàng, cơ khí, xây dựng.

Tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 1.300 tỷ đồng lấy từ ngân sách nhà nước, phân bổ cho giai đoạn đầu gần 432 tỷ, giai đoạn hai là 874 tỷ đồng.

Như vậy, với nền kinh tế Nhật đang cần lao động chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một thành quả tốt hơn cho việc xuất khẩu cử nhân, khi đang có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp.

Tuy nhiên, điểm khó khăn với chúng ta đã được ông Tống Hải Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH) chỉ rõ, đó là chưa có con số thống kê chính thức nào cho thấy hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp thuộc ngành nào.

Ngoài ra, đa số cử nhân của Việt Nam cũng có hạn chế về ngôn ngữ, kỹ năng. Do đó, nếu muốn xuất khẩu lao động với nhóm này thì cần thực hiện đào tạo tăng cường về ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Chỉ khi có dữ liệu thì đơn vị mới tính toán lập đề án được.

”Qua tìm hiểu, một số thị trường như Nhật Bản, CHLB Đức, Hàn Quốc, Slovakia, Cộng hòa Czech, Israel… đang cần tuyển lao động trình độ kỹ thuật cao.

Các thị trường đó chỉ cần lao động ở một số chuyên ngành như: Điều dưỡng, kỹ thuật, cơ khí, xây dựng… không có nhu cầu lao động ở các chuyên ngành nghiên cứu, xã hội”, ông Nam cho biết thêm.

Đồng tình quan điểm, ông Nguyễn Xuân Vui – lãnh đạo doanh nghiệp nhiều năm đưa lao động mảng công nghệ thông tin, điện, cơ khí… đi làm việc tại nước ngoài, cho biết điểm yếu của nhiều lao động Việt Nam là tâm lý nóng vội, muốn đi nhanh nên không kiên trì học ngoại ngữ, chỉ học tiếng đủ thi qua vòng tuyển dụng là xong. Vì ngoại ngữ kém nên sang đến nơi thường ít việc.

Cho nên cần đào tạo bài bản cho họ về ngoại ngữ, cho lực lượng này, để khi hết hạn, về nước họ cũng sẽ làm việc có chuyên môn tốt, ý thức kỷ luật cao vì nhiều năm được rèn giũa trong môi trường làm việc chuyên nghiệp.

RELATED ARTICLES

Tin mới