Wednesday, November 27, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hội316.000 tỷ đổ vào nền kinh tế: Có bình thường?

316.000 tỷ đổ vào nền kinh tế: Có bình thường?

Chuyên gia cảnh báo, tăng trưởng tín dụng chưa chắc đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và Việt Nam không thể cứ chạy theo tăng trưởng số lượng.

Theo Tổng cục Thống kê,  tổng vốn bổ sung thêm vào nền kinh tế trong tháng đầu tiên của năm 2018 là 316.400 tỷ, trong đó chủ yếu là số vốn doanh nghiệp đăng ký tăng thêm (218.100 tỷ đồng), còn lại 98.300 tỷ đồng là số vốn của hơn 10.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

TS Đinh Sơn Hùng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng, 316.400 tỷ đồng đổ vào nền kinh tế trong tháng đầu năm 2018 là con số rất lớn và ẩn chứa điều không bình thường.

Theo đó, vị chuyên gia nhận xét, con số này chưa chắc đã thể hiện nền kinh tế hấp thụ vốn tốt mà nó là một trong những động tác để thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng nhằm kích thích tăng trưởng.

“Có thể cả năm 2018 Việt Nam sẽ không giữ được đà tăng này, lấy vốn ở đâu ra để mà giữ? Tuy nhiên, một khi giữ đà tăng này, cứ tìm mọi cách để đạt mục tiêu tăng trưởng như thế này thì rất đáng lo ngại. Nếu đổ vốn vào nền kinh tế rất nhiều mà nền kinh tế không hấp thụ được vì sử dụng vốn không hiệu quả thì Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát trong tương lai”, TS Đinh Sơn Hùng cảnh báo.

Tiếp tục dẫn những số liệu mà Tổng cục Thống kê đưa ra mới đây, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM minh chứng sự phát triển của Việt Nam mới đang hướng theo số lượng, theo chiều rộng chứ chưa phải phát triển theo chất lượng, theo chiều sâu.

Cụ thể, trong tháng 1/2018, bán buôn, bán lẻ là lĩnh vực được doanh nghiệp lựa chọn kinh doanh nhiều nhất, chiếm trên 35% tổng số đơn vị lập mới, kế đến là xây dựng (12,7%), chế biến và chế tạo (chiếm 12,2%). Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong tháng là 13.300 doanh nghiệp, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 1.425 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,7%.

“Điều đó cho thấy quy mô của doanh nghiệp vẫn là nhỏ và vừa. Chúng ta vẫn muốn tăng số lượng lên để thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng mà chưa chú ý đến chất lượng tăng trưởng.

Tôi thấy lo hơn về số doanh nghiệp ra khỏi thị trường. Mặc dù có nhiều doanh nghiệp thành lập mới nhưng số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể vẫn rất cao và lớn hơn số doanh nghiệp thành lập mới. 

Điều đó phản ánh chất lượng chung của nền kinh tế là không tốt và môi trường kinh doanh của Việt Nam đang có vấn đề, vẫn còn vô vàn khó khăn với đủ các loại thuế, phí, kể cả chi phí không chính thức khiến doanh nghiệp gặp khó khi hoạt động, nhiều doanh nghiệp phải tiếp tục rút khỏi thị trường.

Mặt khác, nó báo hiệu trong tương lai tốc độ tăng trưởng sẽ giảm sút vì sự tăng trưởng của nền kinh tế do sự tăng trưởng của doanh nghiệp quyết định”, TS Đinh Sơn Hùng phân tích.

Ông chỉ ra rằng, một trong những nội dung quan trọng nhất của tái cấu trúc nền kinh tế là phải thay đổi mô hình và chất lượng tăng trưởng nhưng chúng ta có vẻ như mới có thể đạt mục tiêu về số lượng.

“Các chuyên gia đều đã cảnh báo nhiều lần về tính hai mặt của tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là chính sách tiền tệ mở rộng. Tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế chưa chắc đã ngang bằng và song hành với nhau.

Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều đã có bài học về việc chạy tăng trưởng theo vốn. Một khi cứ chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá, Việt Nam không chỉ phải đối mặt với khoản nợ xấu khổng lồ mà quan trọng là hiệu quả sử dụng vốn trong nền kinh tế và hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào đều suy giảm”, ông Hùng nhấn mạnh.

Nhắc lại thành tích tăng trưởng GDP năm 2017 của Việt Nam cao nhất trong 5 năm qua (6,81%) và một trong những khả năng đã được tính đến là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, vị chuyên gia lưu ý đến nỗi lo về chất lượng tăng trưởng của Việt Nam. Chất lượng của các con số và của cơ cấu nền kinh tế khi tăng trưởng của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào xuất khẩu của khối FDI, khái niệm chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu dừng lại ở gia công mà chưa phải công nghệ cao.

Bởi cơ cấu kinh tế Việt Nam lạc hậu và gắn liền với đó là cơ cấu lực lượng lao động lạc hậu, do đó, TS Đinh Sơn Hùng khẳng định, để tăng trưởng vững chắc, Việt Nam phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lực lượng lao động, mô hình tăng trưởng phải thay đổi căn bản, không thể cứ tăng trưởng bằng mọi giá, chạy theo số lượng.

“Phải hết sức cẩn trọng với chính sách tiền tệ mở rộng. Một khi tăng trưởng bằng mọi giá thì hiệu quả và chất lượng tăng trưởng sẽ không cao”, ông Hùng một lần nữa nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới