Sunday, December 22, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiHai kịch bản sau phiên điều trần vụ kiện Biển Đông

Hai kịch bản sau phiên điều trần vụ kiện Biển Đông

Nếu tòa án Liên Hợp quốc thụ lý đơn của Philippines, vụ kiện Biển Đông sẽ tiến triển tốt trong năm tới. Nếu tòa không giải quyết, Manila cũng như các nước khác trong tranh chấp sẽ phải tìm cách củng cố quan hệ với các cường quốc bên ngoài trước khi đối mặt với người hàng xóm đầy thế lực.

Tiến sĩ Jay Batongbacal, giám đốc Viện Nghiên cứu các Vấn đề Hàng hải và Luật Biển Philippines, trao đổi với VnExpress về vụ kiện mà Manila đang theo đuổi đối với “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông tại Tòa trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc. Ông cũng đưa ra một số lời khuyên với Việt Nam.

– Ông đánh giá thế nào về phiên xem xét đầu tiên của PCA với vụ kiện của Phillipines?

– Rõ ràng tòa đặt ra nhiều câu hỏi riêng về vấn đề thẩm quyền của mình, mất đến 4 ngày để đặt câu hỏi và thảo luận, rồi sau đó vẫn yêu cầu Philippines trả lời bằng văn bản. Trong khi vấn đề này đã được đặt lên hàng đầu trong hàng trăm trang tài liệu mà Manila nộp lên tòa trước đó. Dù chính phủ Philippines tuyên bố lạc quan về kết quả của vụ kiện, nhưng các thảo luận dài và sâu về thẩm quyền của tòa cho thấy nó thực sự là một thách thức lớn.

Tuy nhiên, theo thông cáo báo chí của PCA về các phần tranh luận miệng, có vẻ như Manila đã làm hết sức để thuyết phục tòa về quyền phán quyết của họ.

– Ông lạc quan đến đâu về một phán quyết có lợi cho Philippines?

– Do sự phức tạp của vụ kiện và nhiều đề nghị mà Philippines nêu ra với tòa, tôi cho rằng sẽ thực tế hơn khi chấp nhận viễn cảnh: một số đề nghị của Manila có thể không được xem xét thuộc thẩm quyền của PCA, trong khi một số đề nghị khác có thể được cân nhắc. Có thể tòa sẽ đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines về tính pháp lý của tuyên bố đường 9 đoạn và quyền tài phán của Bắc Kinh với các thực thể ở Biển Đông.

– Diễn biến tiếp theo nếu trong trường hợp PCA nói họ có thẩm quyền; và ngược lại là gì?

– Nếu tòa có thẩm quyền, vụ kiện sẽ tiến triển tốt trong năm tới, tiến độ mất bao lâu thì phụ thuộc vào có bao nhiêu đề nghị của Philippines được xem xét. Manila có thể tiếp tục duy trì mối quan hệ và chính sách với Trung Quốc như hiện nay và nhìn nhận vụ kiện thông qua kết luận của tòa.

Nếu tòa tuyên bố không có thẩm quyền, Philippines sẽ phải quay trở lại xuất phát điểm ban đầu và suy tính lại cách tiếp cận của mình trong tranh chấp. Manila sẽ không thảo luận tay đôi ngay lập tức với Bắc Kinh, quan điểm mà chính phủ đã tuyên bố, nhưng có thể sẽ cải thiện quan hệ với các nước khác, với các cường quốc bên ngoài trước khi buộc phải đàm phán “mặt đối mặt” với Trung Quốc.

– Các nước quan sát viên, trong đó có Việt Nam, có vai trò thế nào trong vụ kiện?

– Họ không đóng góp gì vào tiến trình tố tụng mà có thể chỉ đảm bảo là mọi việc được xem xét công bằng và không có sự thông đồng giữa tòa với một bên liên quan cũng như với kết quả của vụ kiện. Indonesia tuy không phải một bên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông nhưng sau một số sự vụ trên biển có thể khiến họ cân nhắc đến các biện pháp pháp lý.

– Việt Nam nên làm gì để chuẩn bị cho kết quả vụ kiện?

– Việt Nam có thể nghiên cứu các sự kiện và các tranh luận một cách thận trọng, đánh giá tiến trình hành động của Philippines, có điều gì các bạn nên xem xét.

Hai nước có tình hình khác nhau, với nhiều lợi ích khác nhau trong mối quan hệ với Trung Quốc. Vì thế Việt Nam nên thận trọng, không sao chép đơn thuần những gì Philippines đã làm và phải tìm ra cách của riêng mình.

jay-9896-1437105839.jpg

Tiến sĩ Jay Batongbacal. Ảnh: CSIS

– Philippines cho biết sẽ dùng một số biện pháp tạm thời để ngăn các hoạt động của Trung Quốc ở Trường Sa, bao gồm cả hoạt động cải tạo các đá, đó là biện pháp gì?

– Manila tính đến khả năng đề nghị tòa đưa ra các biện pháp tạm thời nếu tòa tuyên bố có thẩm quyền. Đây là một yêu cầu rất cần thiết để bảo vệ tính nguyên trạng trên biển, tương tự như các tòa án của Philippines, yêu cầu các bên liên quan không có những hành động đơn phương gây hại đến quyền của bên kia và phá hoại môi trường biển.

Về hoạt động cải tạo của Trung Quốc ở Trường Sa, Philippines có thể đề nghị tòa yêu cầu Trung Quốc dừng các hoạt động mới từ nay trở đi. Điều này không có tác dụng khi Bắc Kinh đã xây xong các đảo nhân tạo.

– Ông dự đoán Trung Quốc sẽ có các hành động gì gây áp lực với Philippines?

– Tình hình giữa Trung Quốc và Philippines có thể vẫn căng thẳng, hoặc ít nhất không yên ổn khi vụ kiện vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Vì thế nguy cơ chạm trán quân sự giữa hai nước là điều không thể không tính đến.

Khi Trung Quốc cam kết với các nước rằng họ sẽ không có các hành động gây hấn, họ không loại trừ “phản ứng lấn át” trong trường hợp Bắc Kinh coi các nước khác có hành động khiêu khích.

Họ sẽ tiếp tục gây áp lực với Philippines trên biển, và mối quan hệ có thể sẽ vẫn lạnh lẽo trong thời gian tới.

[Caption]The Marvin-1, a fishing boat, sits on the shore May 16, 2015, in Masinloc, Philippines, unused since the Chinese barred it from Scarborough Shoal in the South China Sea. (Will Englund/The Washington Post)

Tàu cá của ngư dân nằm chỏng chơ ở Masinloc, Philippines, sau khi bị Trung Quốc cấm đánh bắt ở Scarborough. Ảnh: Washington Post

RELATED ARTICLES

Tin mới