Sau Đại hội 19 của Trung Quốc, chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội tiếp tục được đẩy mạnh, trọng điểm thanh lọc những “nọc độc” của Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu gieo rắc.
Các binh sĩ quân đội Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)
Sau khi ông Triệu Lạc Tế thay Vương Kỳ Sơn nắm Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) – cơ quan đầu não phụ trách cuộc chiến “đả hổ diệt ruồi”, dư luận trong và ngoài Trung Quốc từng hoài nghi rằng liệu ông Triệu có cứng rắn, nối tiếp và phát huy được những chiến tích của ông Vương hay không? Câu trả lời là khẳng định.
Trung Quốc kêu gọi xử lý quan chức “hai mặt”
Thông báo của Hội nghị toàn thể lần thứ hai CCDI, họp từ 11-13/1/2018, cho biết cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ “không lơi lỏng, không dừng lại, tiếp tục tiến hành kiên quyết, sâu rộng”, nhất là tập trung thanh lọc những loại người “hai mặt”, người “lá mặt lá trái”, “cầm súng nấp sau cánh cửa chờ thời” trong và ngoài Quân giải phóng nhân dân (PLA) do Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Hoạch gieo rắc lại.
Trong khi đó ngày 17/1, phát biểu trong Hội nghị Quân ủy trung ương Trung Quốc họp ở Bắc Kinh, Phó chủ tịch Quân ủy trung ương, tướng Trương Hựu Hiệp kêu gọi “tập trung điều tra các vụ án lớn, án nghiêm trọng trong quân đội”.
Số liệu của CCDI ngày 4/1 cho biết, kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10/2017, cơ quan đã xử lý 6.190 cán bộ các cấp, trong đó cấp tỉnh 48 người, cấp huyện 525 người.
Đáng lưu ý có một số cái tên: Phó Chủ tịch Ban thường vụ Hội đồng nhân dân (Nhân đại) tỉnh Hà Bắc Trương Kiệt Huy; Phó Tỉnh trưởng Thiểm Tây Phùng Tân Trụ; Cựu Phó trưởng ban Ban tuyên truyền trung ương Trung Quốc Lỗ Vĩ; Phó chủ nhiệm Ủy ban tài nguyên môi trường Nhân đại Trung Quốc Mạnh Vĩ; Phó Tỉnh trưởng tỉnh Liêu Ninh Lưu Cường…
Tuy nhiên, cảnh báo về “người hai mặt”, “cầm súng nấp sau cánh cửa chờ thời” đề cập đến mối đe dọa còn lớn hơn trong PLA, đó là các quan chức cấp cao âm thầm tìm cách chiếm lấy binh quyền trong quân đội.
Ngày 9/1, Tân Hoa Xã phát đi tin ngắn: Thượng tướng Phòng Phong Huy, nguyên Tham mưu trưởng Bộ tham mưu liên hợp Quân ủy – tức Tổng tham mưu trưởng PLA – “dính líu tới tham nhũng đã bị đưa sang Viện kiểm sát quân sự tiến hành xử lý theo luật pháp”.
Đây là thông điệp mới nhất và mạnh mẽ nhất, rằng những “hổ lớn” vẫn ẩn nấp và sẽ lần lượt bị lôi ra ánh sáng, nhất là những nhân vật “hai mặt” trong quân đội.
Phát biểu trong các hội nghị chống tham nhũng, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu đặc trưng của người “hai mặt” là: “Không thực sự tu dưỡng, không có niềm tin, rất khéo ngụy trang, lá mặt lá trái, nói một đằng làm một nẻo, bề ngoài một đằng-bên trong một nẻo, bề ngoài ủng hộ-bên trong chống đối…”
Tướng Phòng Phong Huy ngầm kích động căng thẳng Trung-Ấn?
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, những nhân vật “ngã ngựa” như cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài, tướng Phòng Phong Huy, hay cựu Chủ nhiệm Cục công tác chính trị Quân ủy Trương Dương – người treo cổ tự sát để trốn điều tra vào tháng 11/2017… là tiêu biểu cho lớp quan chức “hai mặt” cần thanh lọc.
Như vậy tính tới ngày 9/1/2018, Trung Quốc có thêm 2 thượng tướng bị xử lý là Phòng Phong Huy và Trương Dương, nâng số thượng tướng bị bắt lên 7 người dưới thời ông Tập Cận Bình.
Ngày 10/1, tờ PLA Daily của quân đội Trung Quốc đưa tin “Kiên quyết ủng hộ quyết định xử lý Phòng Phong Huy của trung ương đảng”, và kêu gọi thanh lọc triệt để những nọc độc của Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu để lại.
Từ ngày 26/8/2017, khi Tân Hoa Xã đưa tin thượng tướng Lý Tác Thành thay thế chức vụ Tổng tham mưu trưởng của ông Phòng Phong Huy, thì dư luận đã cho rằng tướng Phòng “có vấn đề”.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết, Phòng Phong Huy và Trương Dương là thân tín của các cựu Phó chủ tịch Quân ủy Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu, giúp Quách và Từ duy trì ảnh hưởng trong PLA kể cả khi đã về hưu sau Đại hội 18 của ĐCSTQ năm 2012.
SCMP chỉ ra, Phòng Phong Huy là “thuộc hạ” lâu năm của Quách Bá Hùng và là một kẻ theo chủ nghĩa cơ hội điển hình.
Sau khi trở thành lãnh đạo Trung Quốc năm 2012, ông Tập Cận Bình nhanh chóng khởi động chiến dịch chống tham nhũng và chấn chỉnh, cải cách PLA.
Phòng Phong Huy bị cho là đã ngấm ngầm chống đối các nỗ lực “đả hổ” của ông Tập nhằm vào Quách, khiến vụ điều tra Quách Bá Hùng có lúc gặp khó khăn. Thậm chí, ông Tập phải ra chỉ thị “hạ bệ” những thế lực chống đối cải cách trong quân đội.
Dù vụ án Phòng Phong Huy chưa đưa ra xét xử, nhưng truyền thông Trung Quốc cáo buộc nhân vật “hai mặt” này không chỉ dừng lại ở hành vi tham nhũng.
Báo giới Ấn Độ còn ám chỉ Phòng Phong Huy là tác nhân kích động trong vụ binh sĩ Trung Quốc-Ấn Độ đối đầu căng thẳng với nhau suốt 73 ngày ở cao nguyên Doklam hồi giữa năm 2017, thậm chí có thời điểm suýt leo thang thành xung đột vũ trang.
Tờ Hindustan Times ngày 5/9/2017 đưa tin, thỏa thuận rút quân giữa Trung-Ấn đạt được ngay sau khi ông Tập bổ nhiệm tướng Lý Tác Thành thay thế tướng Phòng.
Tờ này nhận định, căng thẳng hạ nhiệt nhanh chóng sau vụ thay thế Phòng Phong Huy cho thấy ông này “chính là trở ngại trong nỗ lực đạt thỏa thuận [giữa Trung Quốc] với Ấn Độ, và nhiều khả năng chịu trách nhiệm ngay từ đầu về vụ leo thang giằng co đối đầu [ở Doklam]”.
Vụ xử lý Phòng Phong Huy, cùng những thay đổi mới nhất trong ban lãnh đạo PLA, chứng tỏ thời điểm trước Đại hội 19, ông Tập vẫn còn gặp khó khăn để giành lấy quyền kiểm soát tuyệt đối trong quân đội.