Với vai trò là quốc gia đi trước nhiều kinh nghiệm, Israel cho Mỹ thấy rằng, chiến lược “đấm chảy máu mũi” Triều Tiên mà nước này đang hướng tới sẽ không khả thi.
Mỹ đang cân nhắc chiến lược mà các quan chức quân sự nước này gọi là “đấm vỡ mũi” Triều Tiên
Thời gian gần đây, truyền thông phương Tây nói nhiều về thông tin chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đề ra chiến lược “đấm chảy máu mũi” Triều Tiên – một phương án quân sự nhằm răn đe nước này sau các vụ thử tên lửa, hạt nhân khiêu khích.
“Lầu Năm Góc đang cố tìm ra giải pháp cho phép Mỹ đấm vào mũi Triều Tiên để Bình Nhưỡng hiểu rằng, Washington đang thực sự nghiêm túc”, một cựu quan chức an ninh Mỹ giấu tên chia sẻ với Telegraph.
Cụ thể, sau mỗi lần Triều Tiên phóng tên lửa hoặc thử hạt nhân, Mỹ sẽ tấn công bất ngờ và dứt khoát vào một mục tiêu nhất định, nhưng sẽ cố gắng để Bình Nhưỡng không thể tấn công hạt nhân trả đũa.
Mục tiêu tấn công có thể là bãi thử tên lửa để ngăn Triều Tiên tiến hành thử nghiệm thêm các loại tên lửa mới hoặc kho chứa vũ khí.
Tuy nhiên, tờ Washington Post mới đây lên tiếng cảnh báo, nếu chính quyền Trump thực sự muốn tìm cách “đấm vỡ mũi” Triều Tiên bằng một cuộc tấn công giới hạn, nước này cần xem xét bài học kinh nghiệm của Israel.
Trong đó, Washington sẽ nhìn thấy những hạn chế của một cuộc tấn công chớp nhoáng có thể sẽ đưa tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Và cách của Israel
Israel là quốc gia có kinh nghiệm với những phi vụ dằn mặt đối thủ hơn bất cứ nước nào trên thế giới. Trong suốt 70 năm lịch sử, quốc gia này luôn quan niệm “tiên hạ thủ vi cường” – cần phải ra tay bằng vũ lực để ngăn chặn đối thủ trước khi kẻ thù làm tổn hại mình.
Thường thì cách tiếp cận cứng rắn này đã giúp Israel thành công trong việc ngăn chặn các cuộc chiến tranh tiềm năng, hoặc giữ cho xung đột kết thúc nhanh chóng. Nhưng nó đôi khi cũng phản tác dụng khiến Israel mệt mỏi và rơi vào cuộc chiến kéo dài.
Câu chuyện giữa Mỹ và Triều Tiên hiện tại cũng có sự tương đồng với những lần tấn công phủ đầu đối thủ của Israel trong quá khứ.
Amos Yadlin, một cựu chỉ huy tình báo quân sự Israel lập luận nếu CIA có thông tin tình báo hoàn hảo, Không quân Mỹ có thể phá hủy bất cứ mục tiêu nào của Triều Tiên theo ý muốn.
Tuy nhiên, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Michele Flournoy từng cảnh báo về việc Triều Tiên đã phân tán kho dự trữ vũ khí hạt nhân và cất giữ dưới căn cứ lòng đất. Điều này đồng nghĩa với khả năng tấn công chớp nhoáng nhằm vào kho vũ khí Triều Tiên là không khả thi.
Yadlin là nhân vật tiêu biểu của học thuyết tấn công phủ đầu. Là một phi công máy bay chiến đấu, ông đã lãnh đạo cuộc tấn công năm 1981 phá hủy lò phản ứng hạt nhân Osirak của Iraq.
Cuộc không kích đã phá hủy lò phản ứng từ trước khi đi vào hoạt động và giúp chặn Iraq hướng tới con đường phát triển vũ khí hạt nhân.
Cuộc tấn công của Israel vào Syria cũng là một ví dụ khác cho thấy tầm quan trọng của việc giữ im lặng nếu không muốn bị trả thù.
Sau khi ném bom vào một lò phản ứng hạt nhân Syria vào năm 2007, Israel đã cố gắng không làm khuấy động thêm căng thẳng để tránh việc công chúng Syria gây áp lực lên Tổng thống Bashar al-Assad thực hiện trả đũa.
Tuy nhiên, nếu so sánh với Mỹ và Triều Tiên hiện tại, Tổng thống Trump sẽ khó đi theo cách tiếp cận này khi ông đang có cuộc khẩu chiến hùng hồn với chính quyền Kim Jong-un.
Cuộc chiến tranh của Israel ở Gaza và Lebanon là ví dụ tiêu biểu cho thấy răn đe không phải sẽ có tác dụng vĩnh viễn.
Kể từ khi Hamas lên nắm quyền, Israel có ba cuộc chiến tốn kém ở Gaza, trong các năm 2008-2009, năm 2012 và năm 2014. Tuy nhiên Hamas vẫn tiếp tục là thế lực lớn bất chấp nỗ lực dập tắt của Israel.
Để chống lại Tổ chức Giải phóng Palestine, Israel tiến hành các cuộc xâm lược Lebanon vào năm 1978 và 1982. Nhưng giữa những đống đổ nát, Iran đã khai sinh lực lượng dân quân Hezbollah, một đối thủ khó chịu hơn với Israel.
Israel tấn công Hezbollah vào năm 1993, 1996 và 2006. Các chiến dịch như vũ bão ở Lebanon dường như là quá đủ cho mục tiêu của sự răn đe. Nhưng trái với mong đợi, Hezbollah ngày càng mạnh hơn và trở thành thế lực khắc tinh với Israel.
Israel sa lầy ở Lebanon và gây ra tàn phá lẫn thương vong to lớn. Quốc gia này thừa nhận đó là một sai lầm gây ra nhiều đáng tiếc.
Ba bài học cho Mỹ
Khác với những đối thủ của Israel trong quá khứ, đối thủ của Mỹ hiện tại là Triều Tiên – quốc gia có lợi thế về vũ khí hạt nhân đạt được những tiến bộ nhất định.
Do đó, Tổng thống Trump sẽ cần phải cân nhắc chiến lược đúng đắn trong việc ngăn chặn Triều Tiên thay vì chiến lược răn đe “chảy máu mũi”.
Như một quan chức quân sự cấp cao của Israel từng nói: “Chiến trường là nơi chẳng có điều gì là chắc chắn”.
Washington có thể rút ra được một số bài học cơ bản: Nếu muốn tấn công bất ngờ, đừng nói cho kẻ thù biết trước; không tấn công trừ khi biết rất rõ về mục tiêu; và đừng nghĩ rằng kẻ thù sẽ không lôi mình vào một cuộc chiến đẫm máu kéo dài.
Rủi ro cho Mỹ ở chỗ, cả ba điều trên đều không được chính quyền Trump đáp ứng: Tổng thống Trump chưa bao giờ giấu giếm ý định sẽ tấn công Bình Nhưỡng; thông tin tình báo của Mỹ về Triều Tiên là không hoàn hảo; trong khi hầu hết các chuyên gia đều tin rằng Triều Tiên sẽ chẳng ngại ngần trả đũa mạnh tay nếu Mỹ nổ súng trước.