Với dàn pháo binh số lượng khủng cùng lực lượng đặc nhiệm đông đảo, Triều Tiên được cho có thể gây tổn thất nặng nề cho quân đội Mỹ – Hàn ngay cả khi đa phần vũ khí của Bình Nhưỡng bị xếp vào hàng lỗi thời.
Mỹ vẫn tiếp tục tăng cường sức ép để buộc Triều Tiên từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân. Thậm chí, Washington còn đe dọa tấn công phủ đầu nhằm vào Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, theo tạp chí National Interest, nếu xảy ra chiến tranh, chính quyền của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ sử dụng các loại vũ khí truyền thống để tấn công quân đội Mỹ và Hàn Quốc.
Nói cách khác, trong khi các nhà phân tích tập trung vào kho tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, nhưng mối đe dọa thực sự từ Bình Nhưỡng lại đến từ các đơn vị đặc nhiệm và pháo binh hạng nặng. Nếu xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, các lực lượng lục quân Triều Tiên được xem là mối đe dọa lớn nhất đối với quân đội Hàn Quốc và các lực lượng quân sự Mỹ đóng quân ở khu vực này chứ không phải là các loại vũ khí hạt nhân.
“Khi mà 70% lực lượng lục quân Triều Tiên đóng tại khu vực phía nam phòng tuyến Bình Nhưỡng – Wonsan, quân đội Triều Tiên vẫn luôn trong tình thế sẵn sàng triển khai một cuộc tấn công bất ngờ vào bất cứ thời điểm nào”, Sách Trắng quốc phòng năm 2014 của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhận định.
Theo Sách Trắng của Hàn Quốc, các khẩu súng tự hành 170 mm và hệ thống phóng rocket đa nòng (MRLS) 240 mm của Triều Tiên có năng lực triển khai các vụ tấn công bất ngờ và quy mô lớn nhằm vào trung tâm thủ đô Seoul. Trong khi đó, hệ thống phóng rocket phóng loạt (MRL) 300 mm của Triều Tiên còn có thể đưa Hàn Quốc vào phạm vi bắn quy mô lớn.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng đã củng cố năng lực cho lực lượng pháo binh bằng hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) 122 mm ở khu vực bờ biển gần vùng biển phía Tây và gần các tiền tuyến. Theo Hàn Quốc, quân đội Triều Tiên đang vận hành khoảng 8.600 khẩu pháo và 5.500 MLRS.
Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng tiến hành hiện đại hóa các lực lượng bọc thép nhưng lực lượng cơ khí hóa không phải là trọng tâm chính phát triển của chính quyền Bình Nhưỡng.
“Quá trình hiện đại hóa trang thiết bị vẫn đang tiếp tục được tiến hành như việc thay thế T-54 và T-55, các xe tăng chủ lực của lực lượng bọc thép và cơ khí hóa Triều Tiên bằng các xe tăng Chonma-ho và Songun-ho”, Sách Trắng quốc phòng năm 2014 của Hàn Quốc viết.
Hàn Quốc nhấn mạnh thêm, Triều Tiên hiện có hơn 4.300 xe tăng cùng 2.500 xe thiết giáp.
Ngoài lực lượng pháo binh hùng hậu, Bình Nhưỡng còn đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo cho các lực lượng đặc nhiệm. Đây mới là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ và Hàn Quốc.
Theo nguồn tin từ quân đội Mỹ, lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên không chỉ được đào tạo tốt mà còn được trang bị các loại vũ khí tối tân để trở thành mối đe dọa nguy hiểm.
“Lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên hiện có khoảng 200.000 binh sĩ. Lực lượng đặc nhiệm được chia làm nhiều đơn vị chiến lược, hoạt động và chiến thuật khác nhau. Nhiệm vụ mà lực lượng này đảm nhận cũng rất đa dạng từ thâm nhập xuyên biên giới, tấn công các đơn vị và cơ sở trọng yếu của đối phương, ám sát các nhân vật quan trọng, gây rối và tiến hành chiến tranh lai. Trong đó, quá trình thâm nhập xuyên biên giới được tiến hành qua các đường hầm dưới lòng đất để đi qua khu vực phi quân sự (DMZ) hay dùng tàu ngầm, máy bay AN-2, trực thăng và nhiều phương thức khác”, Sách Trắng Hàn Quốc nhấn mạnh.
Còn theo National Interest, dù phần lớn vũ khí của Triều Tiên bị xếp vào hàng lỗi thời nhưng nếu xảy ra chiến tranh, quân đội Triều Tiên vẫn đủ sức tạo ra những thiệt hại nặng nề đối với các lực lượng Mỹ – Hàn đóng quân trên bán đảo Triều Tiên.