Sunday, December 22, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaÚc lo ngại Myanmar mua tên lửa từ Triều Tiên

Úc lo ngại Myanmar mua tên lửa từ Triều Tiên

Chính phủ của Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã chỉ trích Myanmar về các báo cáo cho thấy quốc gia Đông Nam Á này đã nhận được công nghệ tên lửa đạn đạo và vũ khí từ Triều Tiên, The Sydney Morning Herald của Úc đưa tin ngày 6/2.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói với Fairfax Media rằng Úc “quan ngại” về các báo cáo này, đồng thời kịch liệt lên án chương trình vũ khí bất hợp pháp của Triều Tiên.

Tuy vậy phát ngôn viên cho biết không có kế hoạch cắt giảm chương trình đào tạo của Bộ Quốc phòng Úc và các hỗ trợ khác cho quân đội Myanmar.

Một báo cáo bí mật của các nhà quan sát độc lập của Liên Hợp Quốc (LHQ), đã tiết lộ với các nhà báo ở Washington rằng Triều Tiên đã vi phạm các lệnh trừng phạt của LHQ và thu về 200 triệu USD vào năm ngoái thông qua việc cung cấp vũ khí cho Myanmar và Syria.

Báo cáo cho biết Myanmar, từng bị cáo buộc đang có hành động thanh lọc sắc tộc đối những người Hồi giáo gốc Rohingya, đang tìm kiếm các mặt hàng bị kiểm soát bởi các thỏa thuận hạt nhân và các thỏa thuận phổ biến vũ khí hạt nhân khác.

Trong một báo cáo dài 213 trang, các nhà quan sát của LHQ cho biết một quốc gia mà họ không cho biết tên, đã báo cáo rằng họ có bằng chứng cho thấy Myanmar đã nhận được hệ thống tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên cùng với các loại vũ khí thông thường, bao gồm nhiều bệ phóng tên lửa và các tên lửa đất đối không trong năm 2017.

Các nhà phân tích an ninh nhận định mối quan hệ quân sự của Myanmar với Triều Tiên là một trong những mối quan ngại an ninh nghiêm trọng trong khu vực gần nhất của Úc.

Chính phủ Myanmar do bà Nobel Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã nhiều lần phủ nhận có quan hệ quân sự với Bình Nhưỡng, nhấn mạnh rằng các thỏa thuận vũ khí và các quan hệ quân sự khác với Triều Tiên đã chấm dứt trước khi Myanmar chuyển sang một chính phủ dân sự vào năm 2011.

Tên lửa Hwasong-5

Tên lửa Hwasong-5 trên một bệ phóng di động được dựng lại bằng đồ hoạ. (Ảnh: DIA/Dennis Mosher)

Một thập kỷ trước, Triều Tiên được cho là đã lần đầu tiên gửi các chuyên gia về tên lửa và vật liệu để sản xuất vũ khí tới Myanmar.

Công nghệ này bao gồm công nghệ cho tên lửa Hwasong-5 (Scud B) di động và có tầm bắn lên tới 300 km.

Một tên lửa đạn đạo

Một tên lửa Hwasong-5 ra mắt tại Triều Tiên. (Ảnh: AP)

Vào năm 2014, chính quyền Trung Quốc đã xác nhận với các giám sát viên của Liên Hợp Quốc rằng các thanh hợp kim đúc liên quan đến tên lửa đạn đạo của Triều Tiên dành cho Myanmar đã được tìm thấy trên một con tàu neo đậu tại Trung Quốc.

Cuối năm ngoái, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15, mà Bình Nhưỡng tuyên bố có khả năng mang một đầu đạn hạt nhân “siêu lớn” có thể nhắm mục tiêu đến toàn bộ Hoa Kỳ.

Các nhà phân tích cho biết vẫn còn nhiều câu hỏi về loại tên lửa này nhưng nó là một bước nhảy vọt đáng kể về năng lực tên lửa của Triều Tiên.

Hoa Kỳ năm ngoái đã gửi Joseph Yun, Đặc phái viên về Triều Tiên tới nước này, để nhấn mạnh quan ngại của Washington, cũng như tăng áp lực lên Myanmar để cắt đứt các mối quan hệ với Triều Tiên.

Một quan chức Mỹ cho hay, chuyến thăm đó là một thông điệp gửi tới Myanmar rằng bất kỳ sự cam kết nào với Triều Tiên, đặc biệt là sự tham gia của quân đội, đều không có tác dụng đối với việc chấm dứt mối đe dọa mà Triều Tiên đặt ra cho khu vực và toàn cầu.

Ông Anthony Davis, một chuyên gia tư vấn và phân tích về an ninh tại Băng Cốc cho biết, không có bằng chứng nào cho thấy quân đội Myanmar đã phát triển khả năng chiến đấu cho tên lửa đạn đạo.

Nhưng ông nói nếu Myanmar có thể phát triển năng lực tên lửa tầm ngắn hoặc tầm trung, nó sẽ là điều đáng lo ngại nghiêm trọng với các quốc gia khu vực khác, đặc biệt là nước láng giềng Bangladesh.

Các hành động tàn bạo chống lại người Rohingya của lực lượng vũ trang Myanmar trong khu vực Rakhine đã làm căng thẳng giữa hai nước.

Gần 700.000 người Rohingya đã chạy trốn khỏi Rakhine tới các trại tị nạn ở Bangladesh kể từ tháng 8, mà LHQ mô tả là hành động thanh lọc sắc tộc và “rất có thể” là tội ác chống lại nhân loại.

Trên chuyến thăm Hồng Kông tháng 11, Thủ tướng Malcolm Turnbull đã cáo buộc Triều Tiên là một trong những tổ chức “tội phạm tinh vi nhất” trên thế giới và kêu gọi thắt chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính trên đất nước này.

Tuy nhiên, Úc đã chống đối lại các lời kêu gọi cắt giảm quan hệ quân sự với Myanmar trong cuộc khủng hoảng Rohingya.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, cam kết phòng vệ của Úc với Myanmar được giới hạn trong các lĩnh vực phi quân sự như cứu trợ thiên tai, đào tạo ngôn ngữ và được “thiết kế để giúp thúc đẩy sự thay đổi tích cực ở Myanma” và hiện “không có kế hoạch cắt giảm cam kết này”.

Người phát ngôn nói rằng Úc “thường xuyên thảo luận về việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ chống lại Triều Tiên với các đối tác của chúng tôi trong khu vực, bao gồm Myanmar, nơi các cuộc thảo luận gần đây nhất đã diễn ra vào tháng 12/2017”.

Trong bản báo cáo bị rò rỉ, LHQ cũng cho biết Triều Tiên năm ngoái đã vi phạm lệnh trừng phạt bằng cách vận chuyển than đến các cảng nước ngoài, bao gồm ở Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia và Việt Nam.

Hầu hết các lô hàng đều có giấy tờ giả mạo cho thấy than từ các nước như Nga và Trung Quốc.

Hội đồng Bảo an LHQ đã tăng cường trừng phạt Triều Tiên từ năm 2006 trong nỗ lực cắt giảm ngân sách cho các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng, bao gồm cấm xuất khẩu than, sắt, chì, hàng dệt may và hải sản.

Bộ trưởng Ngoại giao Julie Bishop đã bày tỏ quan ngại của Úc về những tội ác tàn bạo ở Myanmar nhưng từ chối lên án các tướng lĩnh hoặc chính phủ của Myanmar.

Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã có dấu hiệu cho thấy họ đang cân nhắc các biện pháp chế tài nhắm vào Myanmar đối với cuộc khủng hoảng Rohingya.

RELATED ARTICLES

Tin mới