Wednesday, November 27, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTiếp tục xin ưu đãi, ô tô nội sẽ cất cánh?

Tiếp tục xin ưu đãi, ô tô nội sẽ cất cánh?

Bộ Công thương xin nhiều cơ chế ưu đãi với hi vọng viết tiếp giấc mơ ô tô nội.

Tại văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công thương cho rằng cần phải có thêm nhiều giải pháp hỗ trợ như điều chỉnh lại các chính sách thuế phí, phát triển công nghiệp hỗ trợ… nhằm giúp ngành ô tô trong nước phát triển, giảm bớt nhập siêu.

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế tài nguyên, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung như đề xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công.

Cụ thể như miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng đối với sản phẩm ô tô.

Đồng thời đề xuất miễn thuế nhập nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam cùng với cam kết của doanh nghiệp về đầu tư dài hạn, sản lượng và sử dụng nhân lực, chuyển giao công nghệ. Bộ cũng kiến nghị việc áp dụng bảo lãnh thanh toán thuế thời hạn 8 tháng thay vì 30 ngày như hiện hành.

Từng trả lời về chính sách miễn thuế nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai  cho biết, việc miễn thuế linh kiện ô tô nhập khẩu, Chính phủ Việt Nam đã có Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó có quy định miễn thuế nhập khẩu cho mặt hàng này từ 1/1/2018 đến năm 2022.

Thứ trưởng cũng khẳng định, để được hưởng ưu đãi, doanh nghiệp phải đáp ứng một số điều kiện ràng buộc về quy mô sản xuất, sản lượng tối thiểu…

Còn về kiến nghị thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt đảm bảo tuân thủ các cam kết, đặc biệt là trong WTO để có thể đưa ra chính sách phù hợp mà không vi phạm.

Nội lực đang “zéro”

Trước đó, báo cáo của Bộ Công thương cho biết, năm 2016, tổng số xe mới đưa vào lưu thông tại thị trường Việt Nam đạt gần 460.000 chiếc, trong đó sản xuất, lắp ráp trong nước là 341.000 chiếc, nhập khẩu hơn 118.000 chiếc. Hiện tổng năng lực sản xuất, lắp ráp ô tô đạt khoảng 500.000 xe/năm. Các doanh nghiệp trong nước phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản. Dây chuyền sản xuất chủ yếu gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra. Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đạt thấp.

Trên thực tế, sau 20 năm bảo hộ ngành công nghiệp ô tô, từ cuối năm 2016, Bộ Công thương đã thừa nhận thất bại trong sản xuất ô tô du lịch dưới 9 chỗ ngồi.

Nguyên nhân dẫn đến thất bại này được xác định do ngành phụ trợ phục vụ cho công nghiệp ô tô quá yếu. Phần lớn linh kiện cấu thành ô tô được nhập khẩu từ chính những nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Trung Quốc. Hiện nay, dòng xe có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất nước là Innova cũng chỉ đạt 37%. Mức này còn kém rất xa mục tiêu 60% do Bộ Công thương đặt ra cho năm 2010.

Tương tự, ở các dòng xe khác tỷ lệ nội địa hóa cũng chỉ đạt từ 7 – 18%.

Trao đổi trên tờ Sài gòn giải phóng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Việt Khoa, Giám đốc Trung tâm Pháp luật kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế TPHCM thẳng thắn cho rằng nên chấm dứt hỗ trợ ngành ô tô.

“Chính sách ưu đãi, hỗ trợ ngành ô tô sau 20 năm đã thể hiện sự thất bại thảm hại, không chỉ không giúp được ngành hay các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển mà còn gây nhiều hệ lụy. Nếu so với Thái Lan, các DN ô tô nước ta gần như không có đóng góp trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng, cải tạo đường sá. Tất cả những chính sách hỗ trợ hay bảo hộ của Nhà nước trong thời gian qua chỉ phục vụ lợi ích cho một nhóm các DN ngành này, còn người tiêu dùng bị thiệt hại nặng. Họ vừa phải trả phí cao khi mua xe, vừa phải gánh hàng loạt phí đặt ra từ quỹ bình ổn giá xăng dầu đến hàng loạt các thuế, phí khác.

Ngoài chuyện giải quyết một số việc làm khiêm tốn, nếu so với các ngành khác như dệt may, các DN ô tô trong nước chỉ tập trung kinh doanh kiếm lợi nhuận. Cá biệt có một vài DN lớn kinh doanh trong ngành ô tô đã đơn phương xin miễn thuế để thực hiện đầu tư ngoài ngành. Nhà nước đang bị “lợi dụng” trong một thời gian dài.

Theo các hiệp định thương mại đã ký, mức thuế nhập khẩu ô tô buộc phải giảm theo lộ trình, giá xe trong nước sẽ không thể cạnh tranh lại giá xe của các nước lân cận, điển hình là Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng yếu kém, buộc Việt Nam phải áp dụng các chính sách hạn chế xe cá nhân trong hiện tại và tương lai. Do đó, nếu bây giờ Việt Nam lại nghĩ đến chuyện tiếp tục hỗ trợ cho ngành ô tô là “hạ sách”. Nếu bảo hộ ngành ô tô trong nước bằng các rào cản thương mại, lại càng đáng ngại. Bởi bất cứ một biện pháp bảo hộ nào làm hạn chế tự do thương mại, vi phạm các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia thì chúng ta sẽ đối mặt với hàng loạt các vụ kiện thương mại. Đất nước đang trên đà phát triển, nợ công cao, nhiều lĩnh vực cần đến hỗ trợ của Nhà nước như nông nghiệp, ngư nghiệp. Vì vậy, chúng ta nên tập trung hỗ trợ và phát triển các ngành này để đại đa số người dân được hưởng lợi, góp phần vào xây dựng và bảo vệ đất nước”, ông Khoa nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới