Một chính quyền mới đang bắt đầu đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo ở Kathmandu và tình hình địa chính trị của khu vực Himalaya có thể sẽ thay đổi, tương tự như ở Ấn Độ Dương.
Tấm bảng được trang trí bằng các biểu ngữ ca ngợi mối quan hệ Trung Quốc – Nepal tại một lớp học ở Kathmandu. Ảnh: Sarah Zheng
Khi Ấn Độ thất hứa
“Nơi này trông như Trung Quốc, phải không?”
Phó Thanh tra Tướng Mandip Shrestha nhận xét sau khi đi thăm một vòng quanh học viện đào tạo vừa mới xây của lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nepal.
Một tổ hợp hiện đại với sân đỗ trực thăng, bể bơi, sân bóng, trường bắn, phòng họp cách âm, hội trường lớn và những tòa nhà gạch đỏ trang nhã, khuôn viên trên đỉnh đồi nhìn xuống Thung lũng Kathmandu không phải là cảnh tượng thường thấy của các cơ quan chính phủ tại Nepal.
Đây là món quà trị giá 350 triệu USD của Trung Quốc, được Trung Quốc xây dựng trong 2 năm và chuyển giao vào năm ngoái cho lực lượng bán quân sự, một lực lượng có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lượng người tị nạn từ Tây Tạng và Nepal.
“Ngoài gạch và đạn cối, tất cả mọi thứ họ đều đem từ Trung Quốc tới – toàn bộ nội thất”, Shreshta nói với vẻ ấn tượng khi ông chỉ vào các máy chiếu gắn trên cao, “Toàn bộ học viện được xây trong 2 năm, hãy tưởng tượng mức độ hiệu quả”.
Thế nhưng, năm 1995, một học viện đào tạo khác nhắc nhiều ở Nepal. Giám đốc Điều hành của Học viện Cảnh sát Quốc gia Nepal Devendra Subedi nhớ lại:
“Tôi đã tham dự một cuộc họp, trong đó, người Ấn Độ đã đề nghị xây học viện cảnh sát mới cho chúng tôi. Tất cả chúng tôi đều rất phấn khởi. Trong nhiều năm liền, ngôi trường hứa hẹn đó được cộng đồng cảnh sát Nepal nhắc tới”.
Khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Nepal năm 2014 sau khi lên nắm quyền, ông đã chỉ trích chính quyền tiền nhiệm vì không thực hiện lời hứa với Nepal. Ông Modi và người đồng cấp Nepal đã cùng khánh thành tấm biển của học viện cảnh sát để khởi động dự án. Nhưng rồi nó lại bị đóng băng.
Học viện cảnh sát chỉ là một trong danh sách dài những lời hứa mà không giữ lời của Ấn Độ với Nepal. Ngoài ra còn có những dự án nghèo nàn như tuyến đường mà Ấn Độ đầu tư ở miền Nam Nepal hoặc dự án thủy điện trên sông Mahakali.
“Đó là cách mà Ấn Độ hủy hoại sự tín nhiệm của chính mình ở Nepal”, nhà bình luận chính trị Yubaraj Ghimire nhận định.
… và Trung Quốc chen chân
Những vấn đề như trên đã khiến sự căng thẳng trong mối quan hệ Ấn Độ – Nepal gia tăng trong những năm gần đây, khi đất nước nhỏ bé dưới chân dãy Himalaya cảm thấy mệt mỏi khi bị người láng giềng khổng lồ thúc ép.
Giờ đây, khi Kathmandu có chính quyền mới, mối rạn nứt này sẽ thúc đẩy một quá trình chuyển biến địa chính trị. Nepal tìm cách nương nhờ Trung Quốc để đối trọng với tầm ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ. Và Bắc Kinh cũng vui mừng khi có thể đặt chân vào.
Từ thủy điện cho tới xi măng, các doanh nghiệp Trung Quốc đã xuất hiện ở mọi ngõ ngách trên đất nước Nam Á nhỏ bé này.
Các nhà cung cấp mạng từ Trung Quốc đang phá thế độc quyền của Ấn Độ, du khách Trung Quốc thì nô nức kéo tới Nepal, các học viện dạy tiếng Trung mọc lên như nấm, sinh viên Nepal tới Trung Quốc ngày càng nhiều hơn Ấn Độ và hàng trăm quan chức Nepal được mời tới Trung Quốc mỗi năm.
Trong bài phỏng vấn mới đây với This Week in Asia, tân Thủ tướng Nepal Sharma Oli đã hứa hẹn sẽ khôi phục dự án đập Budhi Gandaki do Trung Quốc khởi xướng mà chính quyền tiền nhiệm đã đình chỉ và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối với Ấn Độ thông qua đầu tư hạ tầng.
“Chúng tôi không được quên rằng mình có hai láng giềng. Chúng tôi không muốn phụ thuộc vào một quốc gia hoặc chỉ có một lựa chọn”, ông Oli nói.
Đường cong học tập của Nam Á
Sự quyến rũ không phải là điều duy nhất Bắc Kinh đem đến với Nepal. Ở mức 79,26 triệu USD, Trung Quốc chiếm gần 60% cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà Nepal nhận được trong nửa đầu năm tài khóa 2017. Ấn Độ đứng thứ hai nhưng cách biệt rất xa với 36,63 triệu USD.
“Hãy nhìn vào đường xá và hạ tầng của chúng tôi. Nhu cầu đầu tư hạ tầng rất lớn. Chúng tôi cần phải xem xét các nguồn quỹ bên ngoài và Trung Quốc phù hợp một cách tự nhiên bởi họ cũng muốn đầu tư ở nước ngoài”, chuyên gia phân tích Geja Sharma Wagle của Học viện Nghiên cứu Chính sách Nepal chia sẻ.
Tình huống này đã đặt ông Oli vào hoàn cảnh tương tự như lãnh đạo Sri Lanka Mahinda Rajapaksa ở thời điểm nội chiến Sri Lanka kết thúc. Háo hức trông đợi đầu tư và tình thế căng thẳng với Ấn Độ đã khiến ông chuyển hướng sang Trung Quốc.
Đúng là các khoản vay và đầu tư của Trung Quốc đã giúp Sri Lanka tách khỏi tầm ảnh hưởng và kiểm soát của Ấn Độ nhưng lại khiến nước này lún sâu vào nợ nần và phụ thuộc hơn vào Trung Quốc. Trong khi đó, Sri Lanka lại giúp Trung Quốc xác lập một sự hiện diện chiến lược ở Ấn Độ Dương.
Giờ đây ông Oli cũng đối mặt với tình thế tương tự, một tình thế có thể làm xoay chuyển cục diện địa chính trị ở khu vực Himalaya.
“Nam Á đang ở trên một đường cong học tập (mối quan hệ giữa quá trình học tập và tích lũy kinh nghiệm đối với kết quả – ND)”, Nishchal Nath Pandey, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á tại Nepal nhận định.
“Bẫy nợ là một hiện tượng mà người ta không thể học được trừ khi trải nghiệm. Tình trạng nghèo đói và thiếu thốn về hạ tầng cơ bản ở các quốc gia Nam Á quá cấp tính tới mức họ thèm khát đầu tư nước ngoài, không thực sự quan tâm chuyện gì sẽ xảy đến sau trăm năm nữa”.