Vụ cơ quan quản lý giành quyền kiểm soát tập đoàn bảo hiểm Anbang lớn nhất Trung Quốc và truy tố chủ tịch Ngô Tiểu Huy đang gây rúng động nước này.
Ngô Tiểu Huy tham dự Diễn đàn phát triển Trung Quốc, tổ chức tại Bắc Kinh tháng 3/2017 (Ảnh: Xinhua)
Động thái của Bắc Kinh là hành động mạnh mẽ nhất từ trước đến nay nhằm loại bỏ rủi ro trong lĩnh vực tài chính và hoạt động gây quỹ vượt tầm kiểm soát.
Ngô Tiểu Huy, chủ tịch tập đoàn Anbang, đã bị cách chức – Ủy ban quản lý giám sát bảo hiểm Trung Quốc (CIRC) thông báo hôm thứ Sáu, 23/2.
Ông Ngô bị điều tra từ tháng 6 năm ngoái. CIRC – cơ quan quản lý lĩnh vực bảo hiểm ở Trung Quốc, sẽ nắm quyền kiểm soát Anbang, bên cạnh ngân hàng trung ương và các nhà quản lý trong ngành ngân hàng, chứng khoán và ngoại hối, nhằm duy trì “vận hành bình thường và ổn định” của công ty.
“Ngô Tiểu Huy bị tình nghi phạm tội kinh tế. Các hoạt động trái phép tại Anbang có thể đe dọa nghiêm trọng khả năng thanh toán của công ty, buộc chính phủ phải giành quyền quản lý hãng bảo hiểm này,” thông cáo của CIRC nói.
Nhà chức trách sẽ điều hành Anbang trong một năm và “tích cực tìm kiếm và giới thiệu nguồn vốn xã hội có chất lượng để tái cấu trúc doanh nghiệp”, đồng thời bảo đảm Anbang “vẫn là một doanh nghiệp tư nhân”.
Quyết định của chính phủ Trung Quốc được đưa ra theo Điều 144 Luật bảo hiểm nước này, cho phép các Ủy ban quản lý đứng ra điều hành công ty bảo hiểm nếu xác định công ty đó có vấn đề nghiêm trọng về thanh toán, hoặc gây thiệt hại cho tài sản công.
Giai đoạn chính phủ quản lý Anbang sẽ kéo dài đến hết ngày 22/2/2019, nhưng nếu đến thời điểm đó việc tái cơ cấu Anbang chă hoàn thành hoặc hoạt động bình thường chưa được khôi phục thì CIRC có thể gia hạn thời gian kiểm soát công ty thêm tối đa 1 năm.
Đại hội cổ đông và ban giám đốc Anbang sẽ bị hoãn để bảo đảm thực thi nghĩa vụ của ban lãnh đạo công ty trong thời kỳ chính quyền tiếp quản. Tất cả hoạt động thường ngày của Anbang sẽ được điều hành bởi nhóm công tác do ông He Xiaofeng – giám đốc bộ phân cải tổ và phát triển của CIRC – đứng đầu.
Ông He được mô tả là có lập trường rất cứng rắn khi xử lý các hành vi vi phạm quy định và phạm pháp.
Anbang là một trong những công ty thu mua, sáp nhập rầm rộ ở nước ngoài, với tài sản ước tính đạt 1.97 nghìn tỉ nhân dân tệ (310.9 tỉ USD) và xếp hạng 139 trong bảng xếp hạng Fortune Global 500 năm 2017.
Hiện Viện kiểm sát thành phố Thượng Hải đã khởi động thủ tục khởi tố ông Ngô Tiểu Huy với các tội danh gây quỹ phi pháp, lừa đảo và biển thủ công quỹ. Ông Ngô đã kết hôn với cháu gái của cố lãnh đạo tối cao Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.
Bắc Kinh kiểm soát rủi ro tài chính
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn một số nguồn tin thân cận với Anbang, cho biết CIRC trên thực tế đã quản lý công ty từ tháng 6/2017 – sau khi Anbang thông báo Ngô Tiểu Huy “không thể tiếp tục chức vụ vì các lý do cá nhân”.
“Bắc Kinh đã hành động hợp lý khi xử lý Anbang, bởi họ cần đặc biệt thận trọng trước tính chất các nhà đầu tư vào doanh nghiệp này,” ông Brock Silvers – giám đốc điều hành Kaiyuan Capital ở Thượng Hải – đánh giá.
“Điều cuối cùng Bắc Kinh muốn thấy là vấp phải phản đối từ các nhà đầu tư lẻ nếu họ phát hiện những sản phẩm tái cơ cấu mà họ mua vào sẽ không bao giờ hoàn vốn được,” ông nói. “Chính phủ sẽ phải trả tiền cho nhà đầu tư bằng bất cứ giá nào, do đó cần giữ được công ty sống sót và hoàn trả nhiều nhất có thể.”
Theo ông Guo Zhenhua, trưởng khoa bảo hiểm tại Đại học thương mại kinh tế quốc tế Thượng Hải, cho rằng chính phủ Trung Quốc hy vọng kiểm soát được tình trạng hoang mang và thoái vốn ồ ạt từ các nhà đầu tư.
Anbang, với công ty đầu tàu là Anbang Life Insurance, nắm thị phần bảo hiểm Trung Quốc trong các năm 2015, 2016 lần lượt là 3.4% và 5.3%. Tính đến tháng 9/2017, công ty này gánh nợ tổng cộng 163.8 tỉ tệ – theo Bloomberg.
Doanh nghiệp của cháu rể Đặng Tiểu Bình khiến chính phủ Trung Quốc quan ngại trong vài năm gần đây, sau khi họ xúc tiến thương vụ trị giá 1.95 tỉ USD để mua lại khách sạn Waldorf-Astoria ở New York vào năm 2014.
Từ năm 2017, các cơ quan quản lý trong lĩnh vực tài chính của Trung Quốc đã giới thiệu một loạt chiến địch đồng bộ cùng các quy định để ngăn chặn rủi ro tài chính.
Thời kỳ chuyển đổi ở Trung Quốc
Sun Wujun, giáo sư tại Đại học thương mại Nam Kinh, Trung Quốc, đánh giá “sự trỗi dậy và đổ vỡ của Ngô Tiểu Huy phản ánh những giai đoạn biến đổi ở Trung Quốc”.
Ông phân tích, “Anbang tận dụng tốt các cổ đông mạnh trong thời kỳ vươn lên từ một đơn vị bảo hiểm tài sản vô danh, và nhanh chóng bành trướng bằng cách chớp đúng cơ hội trong thời kỳ tự do hóa ngành tài chính ở Trung Quốc. Nhưng họ đã thất bại khi không kịp thích nghi với môi trường chính sách vi mô mới, trong đó nhấn mạnh vai trò quản lý giám sát và siết chặt các quy định”.
Theo Fraser Howie, người có hai thập niên hoạt động trong thị trường tài chính Trung Quốc, động thái của Bắc Kinh đối với Anbang có thể coi là một tín hiệu lớn trước thềm kỳ họp Quốc hội Trung Quốc vào đầu tháng 3.
“Đó là một tín hiệu lớn có thể được lý giải theo nhiều cách. Câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ là người tiếp theo? Mọi tập đoàn lớn đều đang cảm thấy sức ép từ nhóm của ông Tập Cận Bình,” Howie nói.
Hàng nghìn đại biểu Quốc hội và Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc sẽ tập trung về Bắc Kinh vào đầu tháng 3 để tham dự hai hội nghị toàn quốc thường niên lớn nhất (gọi là “Lưỡng hội”).
Tại đây, các nhà hoạch định hàng đầu sẽ đánh giá hoạt động của chính phủ trong năm trước và lên chương trình cho tương lai. Đặc biệt tại kỳ họp năm nay, Quốc hội Trung Quốc sẽ bầu ra các vị trí Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, các Phó thủ tướng cùng nhiều chức vụ cấp cao khác trong nhà nước và chính phủ nước này nhiệm kỳ 2018-2023. Ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ tiếp tục nắm chức Chủ tịch Trung Quốc.