Tuesday, April 30, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTQ tạm ngưng nhập gạo 3 doanh nghiệp: Lỗi tại ai?

TQ tạm ngưng nhập gạo 3 doanh nghiệp: Lỗi tại ai?

Việc Trung Quốc tạm ngưng nhập gạo của 3 doanh nghiệp Việt đó là do lỗi của doanh nghiệp và phía cơ quan quản lý Việt Nam.

Kết quả tất yếu

PGS.TS Nguyễn Văn Nam thẳng thắn nói về sự việc 3 doanh nghiệp Việt vị Trung Quốc từ chối nhập gạo. Ông cho biết, câu chuyện Trung Quốc phải tạm ngừng nhập khẩu gạo của 3 doanh nghiệp trong nước vì không đạt yêu cầu là kết quả tất yếu, đã được dự báo trước từ lâu.

Giải thích rõ hơn, ông cho biết, Trung Quốc nổi tiếng là thị trường dễ tính, nhờ đặc điểm này mà lâu nay gạo của Việt Nam luôn tìm đường xuất khẩu sang Trung Quốc. Có thời điểm, sản lượng gạo xuất khẩu sang nước này chiếm tới 50%, thậm chí lên tới 70% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, cũng chính vì là thị trường dễ tính nên yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm luôn thấp hơn các thị trường khác. Việc này khiến nhiều doanh nghiệp Việt dần hình thành thói quen làm ăn chụp giật, không coi trọng chất lượng mà chỉ chạy theo số lượng, chỉ biết làm thế nào để xuất khẩu được càng nhiều, càng tốt.

Vị PGS cho hay, thói quen trên đã đẩy doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào thế bị động, luôn phải đối diện với rủi ro.

“Chúng ta đang vận động không xuất khẩu gạp tiểu ngạch và chuyển sang xuất khẩu chính ngạch nhưng đáng tiếc, xuất khẩu chính ngạch của doanh nghiệp Việt lại luôn không đạt yêu cầu, bị trả về. Cách làm chưa được thay đổi, chưa nâng cao được chất lượng của sản phẩm, tức là chưa có được những yếu tố cần và đủ để bám vững tại thị trường nước này”, ông Nam nói.

Vị chuyên gia lo ngại, việc bị tạm ngưng nhập gạo sẽ khiến xuất khẩu tiểu ngạch phát triển trở lại và như vậy, người chịu thiệt thòi lớn không ai khác chính là người nông dân và Chính phủ.

Lỗi tại chúng ta

Qua câu chuyện trên, vị chuyên gia chỉ thẳng trách nhiệm thuộc về chính các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và những cơ quan quản lý. Vì theo ông, liên quan tới vấn đề này không chỉ là uy tín của một sản phẩm cụ thể mà còn là uy tín của cả một quốc gia.

“Tôi không nói tới những hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch nhưng đến cả xuất khẩu chính ngạch cũng đã gặp vấn đề thì cần phải xem xét cẩn trọng trách nhiệm của từng đơn vị, cơ quan liên quan tới việc này.

Trước hết, là trách nhiệm của phía doanh nghiệp, là đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu sang nước khác. Tuy nhiên, cả 3 doanh nghiệp này đã bị từ chối do chất lượng không đảm bảo, nghĩa là lỗi thuộc về phía doanh nghiệp. Rồi đây, cả thế giới sẽ đánh giá thế nào khi đến cả thị trường dễ tính mà sản phẩm của chúng ta cũng không thể đáp ứng được? Liệu họ có phải dè chừng, đề phòng với tất cả các sản phẩm của Việt Nam không? Rất nguy hiểm.

Tiếp đến là trách nhiệm của chính các cơ quan quản lý nhà nước, những đơn vị tham gia phác thảo, xử lý, ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo với Trung Quốc. Nội dung hợp đồng thể hiện như thế nào? Những thỏa thuận, trao đổi cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn ra sao? Vì sao đã có hợp đồng chính ngạch mà sản phẩm vẫn bị trả về? Đó là do lỗi của doanh nghiệp trong nước hay do lỗi ở đâu?… tất cả đều phải được tìm hiểu và xử lý tới nơi tới chốn. 

Do đó, tôi cho rằng, Hiệp hội doanh nghiệp phải phê bình, lên án những doanh nghiệp làm ăn gian dối, chụp giật, gây ảnh hưởng xấu tới thương hiệu, tới uy tín của gạo Việt.

Cũng có thể cấm 3 doanh nghiệp này, không cho tham gia các hoạt động xuất khẩu trong một thời gian nhất định.

Về phía cơ quan quản lý cũng phải có biện pháp, có hình thức xử lý thích đáng đối với 3 doanh nghiệp nói trên để bảo vệ uy tín, bảo vệ thương hiệu các sản phẩm trong nước.

Bên cạnh đó, cũng cần phải xem xét trách nhiệm cụ thể của các cơ quan quản lý Nhà nước, từ khâu quản lý chất lượng sản phẩm, cho tới khâu cung cấp thông tin tới việc thực hiện thỏa thuận, ký kết hợp đồng.

Cơ quan quản lý cũng phải rút kinh nghiệm, không thể để tình trạng tương tự xảy ra trong tương lai”, vị chuyên gia thẳng thắn.

RELATED ARTICLES

Tin mới