Tuesday, April 30, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHệ lụy quân sự của việc Trung Quốc cải tạo đảo ở...

Hệ lụy quân sự của việc Trung Quốc cải tạo đảo ở Trường Sa

Trung Quốc đang ráo riết đẩy mạnh việc bồi đắp và cải tạo một số thực thể mà nước này chiếm đóng ở Trường Sa. Hơn nữa, theo các hình ảnh vệ tinh và các dữ liệu được máy bay tuần tra Mỹ đưa ra, Trung Quốc đã đưa trọng pháo và xây dựng nhiều cơ sở quân sự, trong đó có một đường băng 3.000 m và những hệ thống ra-đa cảnh báo sớm. Việc Trung Quốc quân sự hóa khu vực Trường Sa mang đến những hệ lụy rất nghiêm trọng.

Thứ nhất, theo Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear, Bắc Kinh có thể thiết lập các hệ thống ra-đa, thiết bị theo dõi âm thanh điện tử và máy bay (bao gồm máy bay không người lái) trên một số hòn đảo nhân tạo này phục vụ công tác tình báo, giám sát các vùng biển xung quanh và vùng trời phía trên. Các loại tàu thuyền qua lại kể cả tàu chiến, tàu ngầm và tàu thương mại qua khu vực có thể sẽ nằm dưới sự kiểm soát của ra-đa Trung Quốc. Các lực lượng quân sự của Trung Quốc sẽ nhận biết được các động thái, hành vi của các tàu thuyền quân sự qua lại tự do và có thể vô hiệu hóa. Đơn giản nhất là Trung Quốc sẽ điều các loại tàu chiến, máy bay hoặc các tàu chấp pháp ra xua đuổi hoặc hộ tống ép tàu thuyền nước ngoài đi qua khu vực này.

Thứ hai, các cơ sở này sẽ tạo điều kiện Trung Quốc tăng cường sự hiện diện và thời gian hoạt động của các lực lượng chấp pháp biển ở phía nam Biển Đông. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh hiện đại hóa các lực lượng chấp pháp biển, đặc biệt là lực lượng Hải cảnh, coi các tàu bán quân sự như là lực lượng “đệm” cho hải quân. Khi các cơ sở Trường Sa hoàn tất, các lực lượng chấp pháp bán quân sự của Trung Quốc có thể tăng cường hoạt động cưỡng ép xung quanh khu vực này theo các hướng: (i) thách thức quyền quản lý hành chính của các bên yêu sách đối với các đảo, đá tranh chấp. Trong trường hợp chủ quyền đối với các thực thể được xác định trên cơ sở quản lý thực tế, Bắc Kinh sử dụng các tàu bán quân sự để vừa kiểm soát các lãnh thổ tranh chấp vừa ngăn cản các hoạt động quản lý hành chính của các nước khác, nhất là tạo ra tranh chấp trên thực địa ở những nơi mà trước đó chưa có tranh chấp; (ii) các tàu chấp pháp của Trung Quốc đa phần được trang bị vũ khí hạng nhẹ và rất hung hăng vì được hỗ trợ bởi lực lượng hải quân ở phía sau nên tàu chấp pháp Trung Quốc chủ động và ở tư thế sẵn sàng đụng độ giống như vụ Scarborough 2012.

Thứ ba và nghiêm trọng hơn, Trung Quốc có thể sử dụng các phương tiện quân sự (tên lửa đất đối không, tên lửa hành trình chống hạm, máy bay có người lái và không người lái, v.v.) đặt ở các đảo này để tăng cường khả năng chống tiếp cận, hoặc tấn công nhanh các đảo xung quanh. Ngoài ra, các tàu chiến cỡ nhỏ như loại 022, tàu hộ tống nhỏ loại 056 và khu trục nhỏ loại 054 có thể luân phiên đóng ở các điểm đảo này, có khả năng tấn công các căn cứ của Mỹ ở Okinawa, Guam, Philippines, Úc, Singapore. Tờ báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hồng Kông cho biết, Trung Quốc đang dự định đưa máy bay chiến đấu J-11 đến Trường Sa. Ngoài ra, theo Miami Herald, Biển Đông còn là nơi ẩn náu hữu hiệu cho tàu ngầm của Trung Quốc. Năm 2014, Trung Quốc có 56 tàu ngầm tấn công, bao gồm 05 tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, 03 tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể phóng tên lửa đạn đạo và đang dự kiến tăng lên 05 chiếc. Hiện tại, tên lửa đạn đạo của Trung Quốc chưa vươn tới nước Mỹ, nhưng Trung Quốc đang hiện đại hóa. Trong tương lai, Trung Quốc có thể không cần phải di chuyển tàu ngầm ra khỏi Biển Đông mà vẫn có thể đe dọa đến tận nước Mỹ.[5]

Thứ tư, các cứ điểm này là những chốt phía dưới, thuận tiện cho việc quản lý Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông nếu như Trung Quốc thiết lập. Hệ thống ra-đa, đường băng và các cơ sở tiếp liệu ở Đá Chữ Thập và một số đảo khác sẽ giúp tăng cường khả năng hoạt động của các máy bay chiến đấu Trung Quốc ra chặn máy bay (nhất là máy bay dân sự) của các nước bay qua khu vực mà Trung Quốc tuyên bố ADIZ.

Thứ năm, các cơ sở này là nơi trú ẩn hiệu quả cho các tàu cá đánh bắt khu vực xung quanh. Nhưng, sự hiện diện của lực lượng “tàu cá”, nhất là các loại tàu cá ngụy trang, một mặt tăng cường các hoạt động răn đe, cưỡng ép đối với các nước yêu sách khác; mặt khác, các tàu cá này cũng có thể tham gia vào khủng hoảng. Đối phó với lực lượng này sẽ khó khăn vì chúng trên danh nghĩa là lực lượng dân sự. Ví dụ, khi tàu chiến Mỹ đi ngang qua khu vực này, các tàu cá của Trung Quốc thực hiện đánh bắt nhưng có hành động khiêu khích, sẵn sàng đâm va tàu của Mỹ. Mỹ sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan vì đây là lực lượng dân sự trong khi tàu của Mỹ là tàu hải quân. Ngoài ra, tàu các ngụy trang của Trung Quốc còn tham gia vào các hoạt động cưỡng ép đối với các nước yêu sách khác

RELATED ARTICLES

Tin mới