Ấn Độ sẽ không bị bao vây bởi Trung Quốc, và sẽ không để Trung Quốc biến Biển Đông thành ao nhà của mình, theo tờ Defence News hôm 5/3.
Đó là một ‘thông điệp kép’ mà Ấn Độ đã gửi đi trong những ngày này, khi nền kinh tế Ấn Độ vượt qua Trung Quốc để trở thành nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới, trong khi các nhà đầu tư thận trọng về những nguy cơ địa chính trị gia tăng ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Để đưa ra thông điệp thứ nhất, New Delhi đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân đa quốc gia ở khu vực Ấn Độ – Thái Thái Bình Dương. Cũng giống như cuộc tập trận tại khu vực Malabar ở vịnh Bengal vào năm ngoái với Nhật Bản và Úc, một cuộc tập trận khác được Ấn Độ tổ chức vào tháng này, bao gồm 23 quốc gia.
Hải quân Ấn độ tổ chức cuộc tập trận hải quân đa phương Milan 2018, kéo dài 8 ngày, bắt đầu từ ngày 6/3 (Ảnh: PTI)
Để đưa ra thông điệp thứ hai, Ấn Độ đã tham gia lực lượng với Việt Nam, nhằm hỗ trợ cho tự do hàng hải, một quan điểm được Mỹ các đồng minh châu Á của Mỹ ủng hộ, nhưng bị Trung Quốc phủ nhận.
Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương luôn là một tuyến hàng hải chiến lược cho thương mại giữa một bên là các nước châu Phi và Trung Đông, với bên kia là các nước châu Á. Khu vực này ngày càng trở nên quan trọng trong những năm gần đây với sự trỗi dậy của Trung Quốc, như một đối thủ thương mại lớn của Nhật Bản, và là một thách thức đối với sự thống trị của Mỹ ở cả Ấn Độ Dương và Biển Đông.
Trên thực tế, sự thống trị của Trung Quốc ở Biển Đông phụ thuộc vào sự hiện diện của họ ở Ấn Độ Dương, với một lý do đơn giản là một cuộc phong tỏa eo biển Malacca của Mỹ và các đồng minh, sẽ cắt đứt nguồn cung cấp dầu lửa cho Trung Quốc từ Trung Đông và Châu Phi, vốn được coi là “Lục địa Thứ 2” của Trung Quốc. Sự tham gia trong lĩnh vực kinh tế của Trung Quốc với châu Phi đã bùng nổ trong những thập kỷ gần đây. Trao đổi thương mại giữa châu Phi và Trung Quốc tăng 20%/năm, và đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 40%. Có khoảng 10.000 công ty Trung Quốc ở châu Phi, chiếm 12% sản lượng công nghiệp của lục địa này và 50% các dự án xây dựng có hợp đồng quốc tế.
Những nỗ lực gần đây của Ấn Độ nhằm ngăn chặn Trung Quốc, đến vào thời điểm nền kinh tế Ấn Độ đang phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng 7,2%/năm, vượt xa mức 6,8% của Trung Quốc.
Công bằng mà nói, tỷ lệ tăng trưởng cần được hiểu một cách thận trọng, vì hai nước đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Trong khi Ấn Độ vẫn còn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu, nơi có thể phát triển bằng cách sử dụng các nguồn tài nguôn dư thừa, chưa được khai thác hiệu quả, thì Trung Quốc đã ở giai đoạn phát triển tiên tiến, nơi sự phát triển đi kèm với sự đổi mới.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề khác, bao gồm sự bất bình đẳng về thu nhập lan rộng, nạn tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu hoành hành. Tuy nhiên, một nền kinh tế đang phát triển nhanh sẽ giúp Ấn Độ tích lũy nguồn lực để đối chọi với sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc.
Đó là điều chắc chắn sẽ làm Trung Quốc lo lắng.