Theo chuyên gia, chủ đầu tư đã đặt bút ký hợp đồng, chấp nhận các điều khoản mà phía Trung Quốc đưa ra nên không có cơ sở để kiện.
Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương mới đây, Tổng Công ty Thép Việt Namcho hay, đã chỉ đạo đại diện vốn tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) chủ động đàm phán và giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc tranh chấp với nhà thầu tại các hợp đồng EPC và tính tới cả phương án khởi kiện tổng thầu Trung Quốc – Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC).
Chuyên gia ngành luyện kim – GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn không mấy lạc quan về phương án này và đặt câu hỏi: Không biết chủ đầu tư phía Việt Nam dựa trên cơ sở nào để khởi kiện tổng thầu Trung Quốc?
Xét quan điểm của cá nhân ông, GS.TSKH Phạm Phố không nhìn thấy cơ sở nào để có thể khởi kiện tổng thầu Trung Quốc MCC. Theo ông, chủ đầu tư phía Việt Nam đã đặt bút ký hợp đồng, chấp nhận các phương án mà tổng thầu Trung Quốc MCC đưa ra thì bây giờ phải tự làm tự chịu.
“Vì sao chủ đầu tư phía Việt Nam ký hợp đồng gây thiệt thòi cho chính mình mà vẫn chấp nhận? Dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi về chuyện “lại quả” trong trường hợp này. Doanh nghiệp Trung Quốc rất giỏi chuyện này. Tôi ngờ rằng chủ đầu tư biết rõ là không kiện được và phương án này thực chất chỉ là động tác đánh lạc hướng dư luận”, GS.TSKH Phạm Phố nhận xét.
Phân tích cụ thể hơn, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn dẫn một ví dụ, khi ký hợp đồng với MCC, chủ đầu tư đã chấp nhận phương thức thanh toán hợp đồng không cố định, tức giá tăng sẽ thanh toán theo mức giá tăng.
“Thông thường người ta sẽ dựa vào các điều khoản trong hợp đồng hai bên ký kết để khởi kiện, nhưng ở đây, có cơ sở nào, lẽ phải nào để kiện và thắng lợi?
Trong hợp đồng, TISCO chấp nhận giá tăng sẽ thanh toán theo mức giá tăng, Tổng thầu Trung Quốc vừa là người đấu thầu thực hiện dự án, đồng thời là chủ của vốn cho vay, cho nên chậm hay nhanh là nằm trong tay họ. Khi phía Việt Nam biết điều đó thì đã bị hớ rồi, đã ký hợp đồng rồi, phía tổng thầu Trung Quốc luôn nắm đằng chuôi.
Đây chỉ là một động tác giả để gỡ sĩ diện, để tránh dư luận Việt Nam, lấp liếm trách nhiệm và để dư luận hiểu rằng, phần sai của chủ đầu tư cũng có nhưng phần lớn là do lỗi phía tổng thầu Trung Quốc.
Dĩ nhiên, nếu có kiện thì phía Trung Quốc sẽ tuyên bố không có trách nhiệm của họ và như vậy, TISCO và cấp trên của họ sẽ để lửng để dư luận ai hiểu thế nào thì hiểu”, GS Phạm Phố nói.
Vị chuyên gia cho biết, tổng thầu Trung Quốc rất khôn ngoan. Ban đầu họ đấu thầu với giá thấp, sau khi trúng thầu rồi, thi công một thời gian thì họ kéo dài tiến độ dự án và viện cớ phát sinh vấn đề này, vấn đề nọ và yêu cầu nâng giá.
Khi ấy, chủ đầu tư bắt buộc phải theo tổng thầu vì hai lẽ: thứ nhất, có thể đã “ăn hoa hồng”; thứ hai nếu như không chấp nhận tăng giá thì phía Trung Quốc sẽ không rót vốn nữa và rút đi, lúc đó chủ đầu tư phía Việt Nam phải chịu trách nhiệm trong chuyện này.
“Vì hai lẽ đó mà chủ đầu tư chấp nhận tăng vốn cho phía tổng thầu Trung Quốc và cứ thế tổng thầu Trung Quốc sẽ không chỉ làm một lần mà vài lần, không chỉ với một loại công trình mà nhiều loại công trình, phía Trung Quốc đều chơi y nguyên con bài đó, mà dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông là điển hình.
Cũng chính vì thế mà phải khẳng định lại rằng không có lý do, lẽ phải gì trong tay để kiện tổng thầu Trung Quốc”, GS.TSKH Phạm Phố nhấn mạnh.
Khẳng định cho đến nay vấn đề xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan đến việc chậm tiến độ, đội vốn của dự án Gang thép Thái nguyên mở rộng vẫn chưa được tiến hành một cách rốt ráo, GS Phố ngờ rằng đưa ra phương án khởi kiện tổng thầu Trung Quốc là một cách để các đối tượng này làm giảm trách nhiệm của mình.
“Một mình TISCO không thể tự động ký một hợp đồng như vậy, phải có cấp trên phê duyệt. Việc xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể thế nào phụ thuộc các cơ quan chức năng Việt Nam. Làm ăn thua lỗ thì phải chịu trách nhiệm và ra tòa”, GS.TSKH Phạm Phố lưu ý.