Lần đầu tiên trong vòng 40 năm qua, tàu sân bay Mỹ Carl Vinson đến một cảng của Việt Nam. Trong cuộc phỏng vấn hãng tin Sputnik, ông Vladimir Terekhov, chuyên gia về châu Á-Thái Bình Dương, đã lý giải về chuyến thăm đầu tiên của một tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam kể từ năm 1975.
Ảnh: US Navy
Vào hôm qua 5/3, tàu sân bay USS Carl Vinson, tuần dương USS Lake Champlain, tàu khu trục USS USS Wayne E. Meyer và 6.000 thủy thủ Mỹ đã tiến vào vịnh Đà Nẵng (vùng biển Việt Nam). Tàu sân bay neo đậu cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 1km.
Theo chuyên gia Nga, Việt Nam giữ lập trường thiện chí trong quan hệ với Mỹ cũng như Trung Quốc, quốc gia láng giềng và là đối tác kinh tế lớn.
Chuyên gia Vladimir Terekhov cho rằng, hiện nay đang diễn ra quá trình xây đắp quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ, vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi các tàu Mỹ ghé thăm hải cảng Việt Nam.
“Việc xây đắp quan hệ tốt đẹp của Việt Nam và Mỹ đã có ngay từ đầu thập niên vừa qua và đang dần phát triển. Không thể nói Mỹ và Việt Nam là những đồng minh, nhưng Việt Nam đang thể hiện lập trường khá thiện chí với Mỹ, và hoan nghênh chuyến thăm của tàu Mỹ.
Trước đây Việt Nam từng đón các tàu chiến, khu trục hạm mang tên lửa của Mỹ, còn bây giờ lần đầu tiên đón chuyến thăm của tàu sân bay hạt nhân. Việc con tàu với kích thước khổng lồ như vậy thả neo tại một trong những hải cảng chính của Việt Nam có thể xem là sự kiện, nhưng nhìn chung không có gì đáng ngạc nhiên trong hoạt động này”, chuyên gia Vladimir Terekhov kết luận.
Tàu Carl Vinson mang theo 74 máy bay chiến đấu, giám sát và vận tải, gồm F18C, F18E/F Super Hornet, EA-18G Growler, E-2 Hawkeye, Sikorsky MH-60S Seahawk và Grumman C-2 Greyhound.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong chương trình dự kiến của chuyến thăm sẽ có hoạt động chào xã giao, lễ đón, họp báo, trao đổi kỹ thuật, giao lưu thể thao và một số hoạt động cộng đồng.
Cũng theo Bộ Ngoại giao, chuyến thăm của đội tàu sân bay Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước phù hợp với khuôn khổ đối tác toàn diện, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định an ninh, hợp tác và phát triển ở trong khu vực.