Khi so cuộc tiếp này với những gì Bình Nhưỡng tiếp đãi Đặc sứ của Chủ tịch Tập Cận Bình sau Đại hội 19, thì sự khác biệt quả là một trời một vực.
Đa Chiều ngày 6/3 dẫn lại bài phân tích của nhà quan sát chính trị Hàng Tử Nha trên trang cá nhân, đưa ra một số bình luận đáng chú ý về sự thay đổi của Triều Tiên sau khi Chủ tịch Kim Jong-un tiếp kiến Đặc sứ Tổng thống Hàn Quốc.
Tác giả so sánh cách Triều Tiên tiếp Đặc sứ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với cuộc tiếp Đặc sứ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, và rút ra một số nhận định.
Thịnh tình nồng nhiệt đón tiếp Đặc sứ miền Nam
Ngày 5/3, đoàn Đặc sứ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gồm 10 thành viên đã tới Bình Nhưỡng.
Ông Chung Eui-yong, Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống được ông Moon Jae-in tin tưởng giao trọng trách làm Đặc sứ lên miền Bắc.
Thông tấn xã Triều Tiên KCNA đưa tin, ông Kim Jong-un không chỉ tổ chức tiệc yến đêm khuya để ân cần tiếp đãi, mà còn dành hơn 4 giờ thảo luận với đoàn để cuối cùng đạt được những kết quả “mĩ mãn”.
Buổi tiếp phái đoàn Hàn Quốc diễn ra tại trụ sở Đảng Lao động Triều Tiên từ 6h chiều đến 10h 12 phút đêm mới kết thúc.
Ngay sau đó, vợ chồng nhà lãnh đạo Kim Jong-un và em gái, cùng các quan chức cấp cao Triều Tiên mở yến chiêu đãi phái đoàn miền Nam.
Đặc sứ của Tổng thống Hàn Quốc đã trao bức thư tay của ông Moon Jae-in tới ông Kim Jong-un.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên lập tức chỉ thị cho các quan chức cấp cao phải nhanh chóng đề xuất giải pháp với các nội dung Tổng thống Hàn Quốc đề cập trong thư.
Sau thảo luận, vợ chồng ông Kim Jong-un, em gái và các quan chức cấp cao Triều Tiên tổ chức yến tiệc chiêu đãi đoàn Đặc sứ miền Nam. Ảnh: Shutterstock. |
Đây là lần đầu tiên ông Kim Jong-un tiếp một đoàn quan chức Hàn Quốc kể từ khi nhậm chức, nghi lễ lại rất thân tình và trọng thị nên cuộc gặp này có ý nghĩa quan trọng.
Trung Quốc chỉ là người ngoài trong vấn đề giữa 2 miền bán đảo Triều Tiên?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đánh giá, cuộc gặp này là một tin vui, bày tỏ mong muốn hai bên nắm lấy cơ hội để có những thành quả tích cực hơn nữa.
Tuy nhiên, khi so cuộc tiếp này với những gì Bình Nhưỡng tiếp đãi Đặc sứ của Chủ tịch Tập Cận Bình sau Đại hội 19, thì sự khác biệt quả là một trời một vực.
Sau Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, từ ngày 17 đến 20 tháng 11/2017, theo truyền thống quan hệ bang giao Trung – Triều, Trưởng ban Liên lạc đối ngoại Đảng Cộng sản Trung Quốc Tống Đào đã đi thăm Bình Nhưỡng để thông báo tinh thần, kết quả Đại hội.
Tuy nhiên Chủ tịch Kim Jong-un đã không dành cho Đặc sứ của Chủ tịch Tập Cận Bình cuộc tiếp kiến nào.
Tiếp ông Tống Đào và phái đoàn hùng hậu từ Trung Quốc chỉ có vỏn vẹn 3 người. Đó là Ủy viên Thường vụ bộ chính trị Choe Ryong-hae, Ủy viên Bộ chính trị kiêm Ngoại trưởng Ri Su-yong và một thư ký.
Buổi tiếp ông Tống Đào và phái đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc sang thông báo kết quả Đại hội 19 được tác giả Hàng Tử Nha miêu tả “một cốc nước lọc trên bàn cũng không có”, ảnh: DW. |
Thậm chí trên bàn hội đàm, một cốc nước cũng không có, tác giả Hàng Tử Nha bình luận.
Về mặt truyền thông, sự kiện đoàn Đặc sứ miền Nam đến Bình Nhưỡng đứng đầu các báo, các phương tiện truyền thông Triều Tiên.
Trong khi đó bản tin ông Tống Đào thăm Bình Nhưỡng ngày 19/11 được phát thứ 6 trong mục thời sự của truyền hình trung ương Triều Tiên, xếp sau cả các hoạt động của lãnh đạo địa phương.
Tác giả Hàng Tử Nha nhận định, trong quan hệ bang giao, việc Đặc sứ của nguyên thủ một quốc gia thăm viếng một quốc gia khác là đại diện cho ý chí của một nước.
Bởi vậy, thông thường nguyên thủ nước chủ nhà đều bố trí thời gian tiếp để tỏ sự tôn trọng đối tác.
Nhưng ông Kim Jong-un đã không ứng xử như vậy với Đặc sứ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Đó là chưa kể đến những lần Triều Tiên thử tên lửa, hạt nhân trong mấy năm qua đều lựa chọn lúc Trung Quốc sắp tổ chức các sự kiện đối nội hoặc đối ngoại quan trọng để thực hiện. [1]
Tại sao ông Kim Jong-un thay đổi thái độ?
Đa Chiều ngày 6/3 nhận định, Bình Nhưỡng cuối cùng đã có bước nhượng bộ quan trọng với Seoul, và sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ.
“Quả bóng” căng thẳng bán đảo Triều Tiên đang xì hơi xuống Biển Đông? |
Bình Nhưỡng cam kết sẽ không tiến hành thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo trong quá trình diễn ra đối thoại giữa 2 miền.
Từ chỗ cự tuyệt mọi đề xuất đàm phán, từ chối ngỏ ý làm trung gian của Bắc Kinh lẫn Moscow, Bình Nhưỡng đã sẵn sàng đàm phán với Mỹ qua cuộc tiếp đón nồng hậu Bình Nhưỡng dành cho phái đoàn Seoul.
Vì thế, nói đây là một bước thỏa hiệp cũng không ngoa.
Theo Đa Chiều, ông Kim Jong-un tạo bước ngoặt 180 độ này là bởi tính toán dựa trên các thông điệp mong muốn đối thoại lẫn chiến dịch gây áp lực của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump kể từ khi nhậm chức. [2]
Yonhap News ngày 6/3 dẫn lời Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng, ông tin tưởng Bắc Triều Tiên rất chân thành khi chấp nhận đàm phán với Hoa Kỳ, vì các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt đã phát huy tác dụng.
Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven tại Nhà Trắng, ông Donald Trump bình luận:
“Tôi nghĩ rằng họ chân thành. Nhưng tôi cho là họ chân thành vì các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên, bao gồm cả sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc.
Các biện pháp trừng phạt đã rất mạnh và rất khốc liệt. Chúng tôi không muốn điều đó xảy ra, vì vậy chúng tôi hy vọng họ chân thành.” [3]
Đặc sứ kiêm Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc, ông Chung Eui-yong hôm nay cũng bắt đầu lên đường sang Washington công du 2 ngày để trao đổi với các nhà lãnh đạo Mỹ về kết quả cuộc gặp.
Trong cuộc họp báo ngày hôm qua sau khi vừa trở về từ Bình Nhưỡng, ông Chung Eui-yong cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã sẵn sàng nói chuyện với Washington và đưa vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo lên bàn đối thoại.
Ông không tiết lộ những gì sẽ trao đổi với Hoa Kỳ, nhưng chắc chắn sẽ chuyển tải quan điểm của Bình Nhưỡng đến Washington.
Sau chuyến đi Mỹ, ông Chung Eui-yong sẽ đi Trung Quốc, Nga và Nhật Bản để giải thích trực tiếp kết quả chuyến công du miền Bắc.