Wednesday, November 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ sẽ ‘xem mặt’ để giảm thuế nhôm, thép

Mỹ sẽ ‘xem mặt’ để giảm thuế nhôm, thép

Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa cho thấy ông là nhà thương lượng đại tài khi tuyên bố kiên quyết giữ nguyên mức thuế nhôm và thép nhập khẩu nhưng sẽ “linh hoạt” với một vài nước.

“Nếu quý vị không muốn bị đánh thuế thì đem nhà máy tới Mỹ đi!”, tổng thống Trump nói đầy thách thức. Thực tế, ông không cần chọc giận hay đe dọa quốc gia nào. Ông Trump đã làm thật: đặt bút ký vào biểu thuế mới đối với nhôm và thép nhập khẩu.

Tất cả các quốc gia xuất khẩu thép và nhôm vào Mỹ sẽ bị đánh thuế theo mức mới kể từ 23-3 tới.

“Tôi vẫn kiên quyết mức thuế đề xuất ban đầu là 10% (với nhôm nhập khẩu) và 25% (với thép nhập khẩu). Nhưng tôi có quyền nâng thuế lên hoặc hạ thuế xuống, tùy coi đó là quốc gia nào. Tôi cũng đủ khả năng thêm vào hay bớt ra các quốc gia (nằm trong danh sách giảm thuế)”, ông Trump nói với các phóng viên trước cuộc họp nội các rạng sáng 9-3 (giờ VN).

Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định vẫn sẽ luôn giữ thái độ công bằng và linh hoạt trong lúc vẫn bảo vệ công nhân Mỹ.

Tôi đồng ý với kết quả điều tra của Bộ trưởng Thương mại. Các sản phẩm thép nhập khẩu vào Mỹ với số lượng kiểu đó đang đe dọa tới an ninh quốc gia Mỹ. Tôi cân nhắc các khuyến nghị của ông ấy.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói về cuộc điều tra nhôm, thép nhập khẩu vào Mỹ

 Một số chuyên gia phân tích đã chỉ ra rằng việc tăng thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu có thể thổi bùng làn sóng trả đũa thương mại Mỹ trên thế giới. Việc tăng giá nguyên liệu sản xuất có thể ảnh hưởng trực tiếp tới các ngành sản xuất của Mỹ như ôtô. Điều này có thể buộc các công ty đi đến quyết định cắt giảm nhân công để giữ giá thành hơn là bảo vệ hay tạo ra thêm việc làm như ông Trump nói.

Tuy nhiên, bỏ qua câu chuyện công nhân Mỹ, điều cả thế giới quan tâm là quốc gia nào sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi khi xuất khẩu nhôm và thép vào thị trường Mỹ.

Viết trên Twitter, tổng thống Trump nói sự linh hoạt và hợp tác sẽ được dành cho “những người bạn thực sự của nước Mỹ, những người cư xử một cách công bằng với nước Mỹ trong cả thương mại và quân sự”. 

Không mất nhiều thời gian để có câu trả lời ngày 9-3.

“Tôi cho rằng Mexico và Canada là những trường hợp đặc biệt”, ông Trump khẳng định. Điều đó đồng nghĩa hai quốc gia láng giềng của Mỹ sẽ được miễn trừ áp dụng biểu thuế mới, tất nhiên, chỉ trong khoảng thời gian nhất định.

Mỹ sẽ ‘xem mặt’ để giảm thuế nhôm, thép - Ảnh 3.
Thép cuộn bên ngoài một nhà máy ở Ontario, Canada – Ảnh: REUTERS

Việc áp biểu thuế mới lên nhôm và thép nhập khẩu vấp phải sự chỉ trích và lo ngại của không ít chính khách Mỹ. Kịch bản tệ nhất là một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu sẽ bùng nổ, Mỹ sẽ bị đẩy vào thế đối đầu với cả thế giới.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Joni Ernst nhấn mạnh cho dù có muốn áp thuế mới cũng nên đàm phán một cách đàng hoàng với nước khác chứ không thể có kiểu đơn phương muốn làm gì thì làm.

“Mỹ xuất khẩu rất nhiều đậu nành sang Trung Quốc. Ai cũng biết Bắc Kinh là kẻ hành xử tồi như thế nào trong thương mại nhưng rõ ràng ai cũng thấy cán cân ra sao. Lẽ ra phải đàm phán kỹ lưỡng nhưng thực tế chúng ta đã không làm chuyện đó”, đài CNN dẫn lời bà Ernst.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan, một người Cộng hòa và được xem như đồng minh của ông Trump, cũng không tán thành cách làm kiểu cào bằng. Ông Ryan cho rằng Mỹ nên tập trung riêng vào một quốc gia cụ thể, như chuyện thép Trung Quốc chuyển qua nước khác rồi xuất khẩu sang Mỹ để được hưởng biểu thuế thấp hơn.

“Tôi không phải kiểu người thích các loại thuế nhắm vào toàn thế giới bởi tôi nghĩ sẽ có nhiều hậu quả không mong muốn. Chúng ta sẽ thiệt hại nhiều của cải hơn”, ông Ryan thẳng thắn.

Bánh ít đi, bánh quy lại

Việc hai nước láng giềng của Mỹ có tiếp tục được hưởng chính sách này hay không sẽ phụ thuộc một phần vào tiến triển của các cuộc đàm phán về hiện đại hóa Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). 

Bên cạnh đó, tất cả các nước có “mối quan hệ an ninh” với Mỹ có thể thảo luận với chính quyền Mỹ về “những cách thức thay thế” nhằm giải quyết mối đe dọa đối với an ninh quốc gia do hoạt động xuất khẩu các mặt hàng thép và nhôm vào thị trường Mỹ. 

Việc miễn thuế đối với những nước trên được coi là một động thái có thể làm dịu làn sóng đe dọa trả đũa của các đối tác thương mại của Mỹ và những cảnh báo về tác động nghiêm trọng đối với kinh tế từ các nhà lập pháp và các tập đoàn cũng như doanh nghiệp Mỹ. Trước đó, trong một thông báo, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho biết việc miễn trừ thuế mới sẽ được xem xét và thực hiện trên cơ sở “từng trường hợp một” và “từng quốc gia một”. 

Phát biểu ngay quyết định của tổng thống Trump, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo nhấn mạnh Mexico sẽ không để Mỹ sử dụng thuế để gây sức ép lên các cuộc đàm phán trong NAFTA.

“Chúng tôi sẽ không bao giờ để mình trở thành mục tiêu của bất kỳ trò gây áp lực nào. Không có gì phải lăn tăn với các cuộc đàm phán. NAFTA là hiệp định giữa ba nước. Khi ai đó muốn rời đi hay ở lại, đó không phải là Mexico”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Guajardo nói thẳng.

Mỹ sẽ ‘xem mặt’ để giảm thuế nhôm, thép - Ảnh 4.

Cao ủy thương mại EU Cecilia Malmstrom – Ảnh: REUTERS

Có vẻ như sẽ không có nước nào im lặng trước động thái đơn phương mới từ Mỹ. Ngay từ ngày 7-3, từ châu Âu, Cao ủy thương mại EU Cecilia Malmstrom tuyên bố một danh sách dài các sản phẩm của Mỹ sẽ bị đánh thuế cao hơn khi nhập khẩu vào EU nếu ông Trump quyết định áp thuể nhôm và thép mới.

“Từ bơ đậu phộng tới rượu, trái cây hay nước ép nhập khẩu từ Mỹ đều có trong danh sách. Nó sẽ sớm được công bố”, bà Malmstrom cảnh báo. Chưa rõ sau động thái mới ngày 9-3 từ Mỹ, EU sẽ đưa ra danh sách nào khi nào.

Nhưng nói như một nhà bình luận quốc tế, thay vì nhảy dựng lên phản ứng, các quốc gia nên dành thời gian để nói chuyện với Mỹ và xin quy chế miễn áp dụng biểu thuế nhập khẩu mới. Chính xác thì họ sẽ có 15 ngày để đáp ứng được các tiêu chuẩn ngặt nghèo do Washington đưa ra.

Theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, năm 2017 quốc gia này nhập khẩu tổng cộng 48 tỉ USD các sản phẩm thép và nhôm, chiếm khoảng 2% tổng giá trị nhập khẩu. Trong số này, giá trị thép nhập khẩu chiếm tới 60%, tương đương 29 tỉ USD. Theo kết luận từ cuộc điều tra của cơ quan này, Mỹ hiện là quốc gia nhập khẩu thép lớn nhất thế giới, với giá trị nhập khẩu nhiều gấp 4 lần xuất khẩu.

Liệu một cuộc chiến thương mại đã bắt đầu? Hãy chờ xem!

RELATED ARTICLES

Tin mới