Friday, November 29, 2024
Trang chủĐàm luậnTập Cận Bình làm xói mòn sự cai trị của chính mình

Tập Cận Bình làm xói mòn sự cai trị của chính mình

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang triển khai sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và sức mạnh kinh tế của nước này trên khắp khu vực Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á để tìm cách gây ảnh hưởng đến các nhà nước dân chủ thông qua việc sử dụng “quyền lực sắc bén”. Tuy nhiên, Tập Cận Bình có thể gây ra một sai lầm chiến lược. Ông đang đánh cược tương lai của đất nước mình và các quỹ đạo quốc tế vào chính bản thân mình.

Trong suốt thời gian cai trị của mình, Tập Cận Bình đã thực hiện các bước đi nhằm củng cố quyền kiểm soát cá nhân của mình đối với quyền lực. Điều này có thể có tác dụng như một cơ chế tạo sự ổn định trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn, nó có thể làm trầm trọng thêm những căng thẳng trong nước cố hữu mà sau cùng có thể làm xói mòn quyền cai trị của ông. Trong dài hạn,Tập Cận Bình phải đối mặt với 2 tình thế tiến thoái lưỡng nan tương tự như các nhà lãnh đạo chuyên quyền của các nước lớn: Xoay xở với cuộc cạnh tranh tàn bạo của giới tinh hoa giành sự trung thành và quyền kế vị, và cân bằng những tham vọng quốc tế với những căng thẳng sâu sắc giữa chính phủ trung ương và các khu vực bất ổn. Ông đã tìm kiếm nhiều “chiến thắng” hơn để biện minh cho quyền kiểm soát cá nhân của mình ở trong nước, ông có thể ngày càng theo đuổi các chính sách đối ngoại liều lĩnh hơn và táo bạo hơn. 

Công khai chống đối

Các nhà lãnh đạo chuyên quyền phải là những người quản lý tốt. Vị thế của một nhà lãnh đạo độc tài chỉ an toàn khi mạng lưới những người trung thành thuộc giới tinh hoa của ông an toàn. Nhưng lòng trung thành chính trị, ngay cả trong các chế độ chuyên quyền, lại hay thay đổi. Cuộc cạnh tranh giới tinh hoa ở Trung Quốc bị hạn chế bên trong hệ thống một đảng được thể chế hóa. Tuy nhiên, việc Tập Cận Bình nhanh chóng củng cố quyền kiểm soát đang thách thức những giới hạn của mô hình lãnh đạo tập thể của Trung Quốc. Tập Cận Bình được coi là người cai trị quyền lực nhất ở Trung Quốc kể từ sau Mao Trạch Đông. Việc Tập Cận Bình thâu tóm các chức danh chính thức (hiện ông nắm giữ 13 chức danh) đã lên đến đỉnh điểm trong quyết định tại Đại hội XIX ghi “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào hiến pháp của nước này. Hơn nữa, chiến dịch chống tham nhũng nghiêm khắc của Tập Cận Bình, được biết đến là “đả hổ diệt ruồi”, đang thử thách lòng trung thành của giới tinh hoa. Mặc dù Tập Cận Bình lên nắm quyền với một sứ mệnh thanh lọc hàng ngũ của đảng, nhưng việc ông loại bỏ các lực lượng nòng cốt cấp cao và cấp thấp đã khiến nhiều người trong đảng không biết chắc chắn sự ưa thích của Tập Cận Bình nằm ở đâu – và không sẵn sàng thử thách nó. Các trường hợp nổi bật có liên quan đến các “con hổ” Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, cả hai đều là cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, đều phạm tội tham nhũng nghiêm trọng. Việc họ “ngã ngựa” là một lời nhắc nhở rằng không vị trí nào trong đảng là an toàn – một tình cảm có thể khiến Tập Cận Bình có nhiều kẻ thù hơn là người trung thành. 

Thực tế này sẽ dẫn đến: Nếu Tập Cận Bình có sự thay đổi chính trị – cho dù hung hăng hay thận trọng – thì quyết định của ông cũng không vấp phải môt sự phản đối đáng kể từ các cấp bậc cấp cao của ban lãnh đạo Trung Quốc. Điều này có thể khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc có một cảm giác tự tin sai lầm vào các năng lực quốc gia của họ và dẫn đến “tư duy tập thể” trong số các cố vấn của Tập Cận Bình. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy rằng các chiến lược chính sách đối ngoại xuất hiện dưới cả 2 tiêu chuẩn này thường kết thúc với những kết quả thảm họa. 

Những căng thẳng trung tâm-ngoại vi 

Tập Cận Bình đang phải đối phó với những căng thẳng trung tâm-ngoại vi, luôn phải kiểm soát sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước mãnh liệt trên khắp Trung Quốc. Bài phát biểu dài 3 giờ đồng hồ của Tập Cận Bình tại Đại hội XIX vào tháng 10/2017 chứa đầy tình cảm dân tộc chủ nghĩa. Ông đã khẳng định lại lời hứa của mình là mở ra một “thời kỳ phục hưng lớn cho dân tộc Trung Quốc” và thề sẽ khôi phục vị trí chính đáng cho nước này trên thế giới. Với một giọng điệu gay gắt hơn, Tập Cận Bình khoe khoang về dự án của Trung Quốc cải tạo đảo trên biển Nam Trung Hoa như là một trong những thành tựu lớn nhất của ông. Nhưng các kế hoạch đầy tham vọng của Tập Cận Bình cho Trung Quốc, trong nước hay quốc tế, đều phải trả một cái giá. Tập Cận Bình đang phải sử dụng các nguồn lực đáng kể để trấn áp những người dân Trung Quốc cứng đầu cứng cổ hơn, bao gồm ở Hong Kong và Tân Cương. Những nỗ lực này nhằm đảm bảo sự ổn định trong nước và an ninh của chế độ và để cảnh báo tất cả công dân Trung Quốc phải ủng hộ “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình. 

Tháng 11/2017, Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc yêu cầu khu vực Hong Kong bán tự trị thông qua “Luật quốc ca”, quy định việc xúc phạm hoặc không tôn trọng quốc ca là bất hợp pháp và có thể bị phạt tù. Điều này có thể là một sự đáp trả đối với những người biểu tình ngang ngạnh ở Hong Kong, những người bắt đầu chế nhạo quốc ca trong các trận đấu bóng đá những năm gần đây. Một khi mô hình về một nước Trung Quốc thịnh vượng và mở cửa hình thành, thì khả năng Hong Kong chống lại chế độ chuyên quyền đang vượt quá giới hạn sẽ giảm sút. Ở tỉnh Tân Cương phía Tây Bắc, Tập Cận Bình đã tiến hành hoạt động cảnh sát giám sát hà khắc và thô bạo đối với người dân thiểu số Duy Ngô Nhĩ. Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố rằng các biện pháp này là để giải quyết những những mối đe dọa khủng bố, nhưng những căng thẳng cũng là về sự oán giận ngày càng tăng trong số người dân địa phương đối với chính quyền trung ương.

Sự bất đồng nội bộ đặt Đảng Cộng sản Trung Quốc vào một vị trí khó khăn. Một mặt, Tập Cận Bình đang nhắm mục đích gia tăng tính hợp pháp trong nước cho mình thông qua những sự hấp dẫn mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa, trong khi mặt khác, ông đang tìm cách trấn an các nước láng giềng thận trọng của Trung Quốc rằng đất nước của ông mong muốn hòa bình và hợp tác. Trong tương lai, nếu Tập Cận Bình nhận thấy rằng việc dập tắt sự bất ổn trong nước thông qua cơ quan tuyên truyền quốc gia ở trong nước và việc phô trương sức mạnh đối với các lợi ích nòng cốt như biển Nam Trung Hoa quan trọng hơn việc làm thỏa mãn các bên tham gia khu vực, thì sự ổn định có khả năng sẽ bị tổn hại.

Ổn định cho đến khi không còn ổn định 

Việc Tập Cận Bình củng cố quyền kiểm soát sẽ khiến ông phải chịu trách nhiệm cá nhân trước những thành công và sai lầm của chính quyền. Tập Cận Bình có khả năng sẽ phản ứng trước những áp lực kinh tế và chính trị ngày càng tăng bằng việc tìm kiếm thêm quyền kiểm soát ở trong nước trong khi chấp nhận những rủi ro lớn hơn ở nước ngoài. Ở trong nước, điều này sẽ đồng nghĩa với các biện pháp hà khắc hơn để dập tắt tiếng nói của phe đối lập, vô hiệu hóa cuộc cạnh tranh chính trị, hạn chế quyền tiếp cận thông tin. Nhưng trấn áp là một cách tốn kém để đảm bảo sự tuân thủ trong dài hạn của tất cả công dân.

Tập Cận Bình có thể thấy dễ dàng hơn khi tăng cường tính hợp pháp bằng việc miêu tả các chế độ của họ là “người bảo vệ nhân dân” chống lại các thế lực bên ngoài ác ý và do đó ông phải theo đuổi các chiến thuật hung hăng ở nước ngoài, ngay dù những sự thôi thúc này sau cùng sẽ chỉ làm sâu sắc thêm những rạn nứt ở mỗi chế độ. Tập Cận Bình có thể trông giống như những nhà lãnh đạo độc đoán quyền lực nhất thế giới, nhưng chân lý lâu đời vẫn đúng đắn: Các chế độ chuyên quyền thì ổn định, cho đến khi nó không còn ổn định nữa.

RELATED ARTICLES

Tin mới