Trung Quốc đã chính thức trở thành đồng sở hữu Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga, thúc đẩy tham vọng thâu tóm thế giới.
Công ty đầu tư tài chính và quản lý tài sản Huarong Asset Management của Trung Quốc vừa mua lại 36,2% cổ phần của một đơn vị thuộc công ty CEFC China Energy, thông qua đó công ty này mua được 9,1 tỷ USD cổ phần của Tập đoàn dầu khí quốc gia Rosneft của Nga.
CEFC China Energy là công ty tư nhân lớn mạnh chuyên về lĩnh vực dịch vụ năng lượng và tài chính trên thị trường Trung Quốc.
Công ty Huarong hiện do Bộ Tài chính Trung Quốc quản lý.
Reuters lần theo hồ sơ của CEFC cho thấy, Huarong đã mua cổ phần của CEFC trong hai đợt, một trong tháng 12/2017 và một đợt khác vào tháng 2/2018.
Từ tháng 9/2017, CEFC Energy đã công bố kế hoạch mua 14,16% cổ phần của Rosneft từ Quỹ đầu tư quốc gia Qatar (Qatar Investment Authority- QIA) và công ty buôn bán dầu thô hàng đầu thế giới có trụ sở tại London (Anh)- Glencore.
Là một phần của thỏa thuận dài hạn, Rosneft và CEFC Energy đã ký hợp đồng cung cấp dầu thô bắt đầu từ năm 2017.
Theo thỏa thuận, cơ quan dầu khí của Nga sẽ cung cấp cho CEFC 60,8 triệu tấn dầu hằng năm cho đến năm 2023.
Thỏa thuận này bao gồm việc phát triển các dự án thăm dò và sản xuất tại vùng Siberia. Hai công ty có kế hoạch hợp tác trong việc lọc hóa dầu và buôn bán dầu thô, giúp tăng nguồn cung trực tiếp tới thị trường chiến lược Trung Quốc và đảm bảo kênh xuất khẩu có lợi cho Tập đoàn Nga.
Dẫu vậy, bằng việc mua lại các tài sản quốc doanh từ các Tập đoàn lớn ở nước ngoài, Trung Quốc đã cho thấy ý định chiến lược của mình trong việc vươn tập đoàn của mình ra thế giới.
Tập đoàn Trung Quốc thâu tóm cảng nước sâu Hambantota của Srilanka. |
Giữa tháng 2 vừa qua, Tỷ phú Trung Quốc Li Shufu – nhà sáng lập của Zhejiang Geely Holding Group vừa mua một lượng cổ phần trị giá khoảng 7,3 tỷ euro (khoảng 9 tỷ USD) tại Daimler AG – công ty mẹ của hãng xe Đức Mercedes.
Những thương vụ đình đám khác có thể kể tới như: Tập đoàn Alibaba của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma bỏ ra 1 tỷ USD để nắm cổ phần chi phối Công ty Thương mại điện tử Lazada có trụ sở ở Singapore và chi nhánh tại Việt Nam hay thương vụ Tập đoàn Hóa chất quốc gia Trung Quốc (ChemChina) đầu tư 43 tỷ USD để mua lại nhà sản xuất hóa chất nông nghiệp và hạt giống hàng đầu thế giới Sygnenta của Thụy Sĩ…
Những thương vụ Tập đoàn Địa ốc Dalian Wanda, trụ sở ở thành phố Đại Liên, bỏ ra 3,5 tỷ đô la để mua cổ phần chi phối nhà sản xuất phim Hollywood Legendary Entertainment; Tập đoàn Bảo hiểm Anbang mua khách sạn lừng danh Waldorf Astoria tại New York với giá 1,95 tỷ USD… cũng đã thể hiện trước hết phần nào chiến lược kiếm tiền của các tỷ phú Trung Quốc.
Tuy nhiên, phía sau các thương vụ kinh doanh này lại là việc Bắc Kinh có thể chi phối toàn bộ các doanh nghiệp tư nhân trong nước và từ sự điều hành của các Tập đoàn kinh tế Nhà nước, Trung Quốc có thêm quyền để chi phối các hoạt động có giá trị về mặt kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng ở quốc gia khác.
Các thương vụ thâu tóm cổ phần các cảng biển trên khắp thế giới như cảng Hambantota ở phía nam Sri Lanka với thời hạn 99 năm; Tập đoàn cảng biển China Merchants Port Holdings mua lại 90% sở hữu tại đơn vị điều hành cảng Paranaguá của Brazil; Tập đoàn Cosco của Trung Quốc nắm quyền điều hành một phần cảng nước sâu Khalifa của tiểu vương quốc Abu Dhabi, cảng Klaipeda của Lithuania được mua lại một phần bởi Tập đoàn China Merchant … là các ví dụ rõ ràng nhất cho việc Bắc Kinh tìm kiếm thâu tóm các cơ sở chiến lược của những quốc gia đang bị mắc kẹt về tài chính.
Giới chuyên môn đánh giá, việc thâu tóm các tập đoàn lớn ở các quốc gia nhỏ giúp Trung Quốc có nhiều lợi thế về cả kinh tế và chủ quyền đối với các cơ sở có vị trí chiến lược.
Một phần của việc thâu tóm đa lĩnh vực, đa quốc gia của Trung Quốc là nhằm hiện thực hóa sáng kiến “Vành đai- Con đường” của Bắc Kinh, nhưng nó cũng góp phần thúc đẩy tham vọng làm chủ nền kinh tế và tác động sức mạnh mềm lên toàn thế giới của Trung Quốc.