Cả Trung-Nhật-Hàn đều tiếc nuối việc Ngoại trưởng Tillerson bị sa thải nhưng vẫn chào đón người kế nhiệm Pompeo.
“Người bạn thẳng thắn và đáng tin cậy”
Trước thông tin ông Tillerson bị Tổng thống Donald Trump sa thải và được thay thế bởi Giám đốc CIA Mike Pompeo trước thời điểm cuộc gặp Mỹ-Triều diễn ra, Ngoại trường Nhật Bản Taro Kono bày tỏ tiếc nuối về sự ra đi của ông Tillerson.
“Ông Tillerson là một người bạn thẳng thắn và đáng tin cậy. Tôi cho rằng, chúng tôi có thể hợp tác trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên, cá nhân tôi nghĩ rằng, thông tin ông Tillerson bị sa thải là rất không may”, ông Kono nói.
Tuy nhiên, ông Kono cũng lên tiếng trấn an: “Chắc chắn rằng, Mỹ nắm giữ chìa khóa trong vấn đề Triều Tiên. Chính vì thế, tôi muốn gặp gỡ người kế nhiệm ông Tillerson trong thời gian sớm nhất để chúng tôi chia sẻ về vấn đề Triều Tiên”.
Quan điểm của ông Kono được nhiều chuyên gia chia sẻ. Họ cho rằng, quyết định “thay tướng giữa đường” của ông Trump trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh “chưa từng có tiền lệ” giữa ông Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không phải là khôn ngoan. Các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại ông Pompeo có thể tác động khiến ông Trump ngày càng trở nên gay gắt hơn trong vấn đề Triều Tiên.
Trong khi đó, trái với thông tin ban đầu rằng Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha sẽ hủy chuyến đi tới Mỹ để bàn thảo về vấn đề Triều Tiên sau khi có tin ông Tillerson bị sa thải, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định, chuyến đi sẽ vẫn diễn ra theo kế hoạch.
Theo các quan chức Hàn Quốc, điều này xuất phát từ việc, ông Pompeo dù bị đánh giá là có quan điểm hết sức cứng rắn trong vấn đề Triều Tiên nhưng vẫn là một chính trị gia kỳ cựu biết phải thỏa hiệp như thế nào.
Một quan chức cấp Hàn Quốc cho biết: “Chúng tôi biết rằng, ông Pompeo là người có tiếng nói mạnh mẽ nhất về việc cần phải có hành động quân sự đối với Triều Tiên và thậm chí còn gửi bản đánh giá cho ông Trump về tuyên bố của mình. Tuy nhiên, thời thế giờ đã thay đổi và chúng tôi sẽ chờ xem”.
Trung Quốc thận trọng đón chờ vận hội mới
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng bày tỏ hy vọng, sự thay đổi nhân sự trong Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển trong quan hệ Mỹ-Trung.
“Chúng tôi hy vọng, những động lực tích cực đối với bán đảo Triều Tiên, bao gồm cả quyết tâm chính trị đối với cuộc đối thoại Mỹ-Triều sẽ vẫn tiếp tục được duy trì”, ông Lục Khảng tuyên bố.
Trong khi đó, ông Jia Qingguo- chuyên gia về ngoại giao Trung Quốc tại Đại học Peking, nhận định, Trung Quốc có thể mong chờ một kết quả tích cực từ sự thay đổi tại Bộ Ngoại giao Mỹ liên quan đến quan điểm của Mỹ đối với sáng kiến Vành đai-Con đường mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng.
“Ông Tillerson từng là người chỉ trích Trung Quốc- trong đó có cả sáng kiến Vành đai-Con đường. Tuy nhiên, ông Trump lại không quá gay gắt với Trung Quốc như nhiều người vẫn tưởng. Ông ấy sẽ nỗ lực để có thể đạt được một thỏa thuận tốt với Trung Quốc”, ông Jia Qingguo nói.
Theo ông Jia Qingguo, là một người xuất thân từ CIA, ông Pompeo luôn coi Trung Quốc là mối đe dọa, tuy nhiên, quan điểm của ông có thể sẽ “mềm đi” khi ông đảm nhiệm cương vị mới: “Một khi lên nắm quyền Ngoại trưởng, ông Pompeo sẽ trở nên thực dụng hơn và phải tính đến yếu tố hơn thiệt”.
Trong khi đó, ông Ruan Zongze- một cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc hiện đang làm tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc- nhận định: “Thời gian quá gấp trong khi có quá nhiều việc phải làm”.
Vấn đề thương mại: Kẻ mừng, người lo
Không chỉ cứng rắn trong vấn đề Triều Tiên và Trung Quốc, ông Pompeo cũng nổi tiếng “diều hâu” trong về vấn đề thương mại. Điều này khiến rất nhiều quốc gia lo ngại, nhất là trong bối cảnh Mỹ vừa tuyên bố áp đặt mức thuế cao đối với nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ.
Dù vậy, đồng minh Australia- nước hiện đang nỗ lực tìm cách được Mỹ miễn đánh thuế- vẫn đón nhận thông tin ông Peompeo được chỉ định làm Ngoại trưởng Mỹ một cách hết sức tích cực.
“Chúng tôi biết rất rõ ông ấy”, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tuyên bố: “Ông Pompeo là người bạn lớn của Australia. Quá trình chuyển giao quyền lực chắc chắn sẽ diễn ra suôn sẻ. Mối quan hệ Australia-Mỹ trong bất kỳ lĩnh vực nào, từ quân sự, tình báo, ngoại giao và thương mại đều rất tốt”.
Trong khi đó, Hàn Quốc- nước xuất khẩu thép lớn nhất sang Mỹ- dù không được hưởng việc miễn đánh thuế vẫn bày tỏ tin tưởng hợp tác Mỹ-Hàn có thể giải quyết được những vấn đề quan trọng sau khi ông Pompeo lên nắm quyền.
“Mỹ-Hàn hiểu rõ rằng, việc duy trì mối quan hệ chặt chẽ thông qua các kênh đối thoại song phương sẽ giúp giải quyết những vấn đề quan trọng như hồ sơ hạt nhân Triều Tiên, quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn và các vấn đề thương mại khác”, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh.