Mỹ mới đây đã áp đặt các hình thức trừng phạt đối với 19 cá nhân và tổ chức của Nga, trong đó bao gồm các cơ quan tình báo của Moscow, với lý do Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và tiến hành tấn công mạng.
Theo hãng tin Reuters, không chỉ có vậy, Bộ trưởng Bộ Ngân khố Mỹ Steve Mnuchin cho biết một số quan chức chính phủ và nhà tài phiệt Nga cũng sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt “vì những hành động gây bất ổn của họ”. Ông Mnuchin không nói rõ thời điểm các hình thức trừng phạt này được thực hiện, song ông khẳng định những người và tổ chức bị ảnh hưởng sẽ bị cắt đứt hoàn toàn khỏi hệ thống tài chính Mỹ.
“Chính quyền Hoa Kỳ đang đối mặt và đối phó với những hoạt động tấn công mạng có ý đồ xấu của Nga, trong đó có âm mưu can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống, tấn công phá hoại và xâm nhập các cơ sở hạ tầng quan trọng”, ông Mnuchin phát biểu.
Các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 bằng các hình thức tấn công mạng và tuyên truyền, được cho là nhằm đưa cục diện cuộc đua trở nên có lợi hơn cho Tổng thống Donald Trump. Nga đã liên tục phủ nhận các cáo buộc này.
Những người phải chịu hình thức trừng phạt bao gồm các công dân và tổ chức của Nga được Công tố viên đặc biệt Robert Mueller xác định có âm mưu can thiệp cuộc bầu cử. Theo đó, những người Nga này đã tạo những tài khoản ảo để phát tán những thông tin gây bất ổn, đồng thời có mặt tại Mỹ để thu thập thông tin và dàn xếp các cuộc biểu tình chính trị.
Các hình thức cấp vận mới cũng được áp dụng cho Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) và Tổng cục Tình báo Quốc phòng Nga (GRU) cùng sáu cá nhân khác đại diện cho GRU. Tài sản tại Mỹ của những cá nhân và đoàn thể này bị đóng băng và người dân Mỹ cũng bị cấm giao dịch tài chính với họ.
Theo một tuyên bố của Bộ Ngân khố Mỹ, hacker Nga kể từ tháng 3/2016 “đã nhằm vào các cơ quan chính phủ và nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng, trong đó có cơ sở khai thác năng lượng, chế biến hạt nhân, nhà máy nước, sân bay và nhiều mục tiêu khác”.
Một quan chức cấp cao Mỹ đã cáo buộc rằng một số hacker được cho là của Nga đã thâm nhập vào các doanh nghiệp ngành năng lượng. “Chúng tôi có thể xác định vị trí của những người này và loại bỏ chúng khỏi hệ thống mạng của các doanh nghiệp lớn”, vị quan chức giấu tên này cho biết.
Ông Ed Royce, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, đã hoan nghênh các hình thức cấm vận trên, song ông nhấn mạnh rằng Mỹ “vẫn còn nhiều việc phải làm” và ủy ban sẽ “tiếp tục đẩy mạnh đối phó với những hình thức gây hấn của Nga”.
Bộ Ngân khố Mỹ cho biết họ sẽ gây sức ép với Nga, trong lúc phương Tây tiếp tục cáo buộc Nga can thiệp quân sự tại Ukraine và buộc bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga, cũng như hành động vị phạm nhân quyền mà Moscow tiến hành.
“Việc sử dụng chất độc thần kinh nhằm sát hại hai công dân Anh một lần nữa cho thấy sự vô trách nhiệm của chính phủ Nga”, Bộ Ngân khố Mỹ nói. Mỹ, Anh, Đức và Pháp đều đã yêu cầu Nga biện minh cho việc ông Sergei Skripal, một cựu điệp viên hai mang người Nga đã bị sát hại bằng chất độc ở Anh.