Chỉ trong vòng nửa tháng vừa qua, tình hình Biển Đông vốn dĩ đã phức tạp nay
lại trở nên căng thẳng hơn khi liên tục xảy ra các hành động xâm lấn của Trung Quốc bằng việc ngang
nhiên đưa tàu hải giám và tàu cá vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán đối
với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đe doạ và phá hoại thiết
bị đo địa chấn của tàu Bình Minh 02 và tàu Viking II.
Đây là những hành động có
chủ ý, được tính toán và mang tính hệ thống của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông.
Những hành động trên chứng tỏ Trung Quốc đã đi ngược lại những tuyên bố, cam kết
của mình, lời nói không đi đôi với việc làm.
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy. Ảnh: Internet.
Trong
cuộc trao đổi với báo chí, Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt
Nam tại Quảng Châu – Trung Quốc đã thể hiện sự bức xúc cũng như quan điểm phản đối
mạnh mẽ của mình trước những hành động ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Ông Dy cho rằng
Sự kiện 3 tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp của tàu Bình Minh 02 hôm 26/5 đến sự kiện
tàu đánh cá Trung Quốc phá cáp tàu Viking II hôm 9/6 cho thấy rất rõ đây là bước
leo thang mới của Trung Quốc trong ý đồ bá chiếm Biển Đông và Bắc Kinh sẽ còn đi những bước mới nữa
nếu Việt Nam cũng như các nước trong khu vực hay các nước lớn trên thế giới
không thể hiện thái độ đúng mức. Trung Quốc đang cố tình bóp méo, xuyên tạc sự thật nhằm biến vùng biển không có tranh chấp thành vùng biển có
tranh chấp; “biến không thành có” trong vấn đề chủ quyền
biển, đảo; thực
hiện mục tiêu biến yêu sách “đường đứt khúc chín đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi
bò” của mình thành hiện thực.
Qua những vụ việc này có thể khẳng định,
bá chiếm toàn bộ Biển Đông là mục tiêu trước mắt cũng như
lâu dài của Trung Quốc. Trong bất kỳ tình huống, thời gian nào điều đó cũng
không thay đổi. Để thực hiện mục tiêu bất di bất dịch đó, Trung Quốc đã, đang
(và sẽ) không từ bất kỳ thủ đoạn nào: lúc đe dọa, lúc làm như mong muốn hợp
tác, lúc dùng biện pháp quân sự, lúc chơi trò “hợp tác hòa bình”, lúc
dùng sức ép chính trị, kinh tế… Họ cũng rất giỏi tranh thủ thời cơ và lợi dụng
mâu thuẫn để chia rẽ các nước có liên quan.
Có thể điểm qua
các sự kiện đã xảy ra:
– Tháng 6-1956, quân đội Trung Quốc đã chiếm đóng một số
đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhân lúc quân đội viễn chinh Pháp
chưa kịp bàn giao cho chính quyền Sài Gòn.
– Tháng 1-1974, hải quân Trung Quốc dùng vũ lực chiếm nốt phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa.
– Đến tháng 3-1988, quân đội Trung Quốc lấn chiếm bảy đảo
(bãi ngầm) của Việt Nam
tại quần đảo Trường Sa.
Như vậy, Trung Quốc từ chỗ chưa hề có
chỗ đứng trên Biển Đông, sau mấy chục năm, đã chiếm đóng, đứng chân trên hai quần
đảo lớn ở Biển Đông. Thế nhưng họ vẫn chưa thoả mãn lòng
tham bành trướng bá quyền, họ muốn chiếm tất cả Biển Đông.
Những năm gần đây, Trung Quốc bắt đầu
công khai hóa và tiến hành hiện thực hóa “đường đứt khúc chín đoạn”
ôm gần trọn Biển Đông (“đường lưỡi bò” – được Trung Quốc lần đầu tiên trình lên Liên hợp quốc năm 2009 và đã bị nhiều nước
phản đối, trong đó có Việt Nam). Họ lập những đội tàu ngư chính, cho tàu đi tuần
tra, ra lệnh cấm đánh bắt cá, tuyên bố đấu thầu những đảo không có người ở
trên vùng biển họ gọi là của Trung Quốc,
thực tế là chạm đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Việt Nam và một số nước
ASEAN… Các tàu ngư chính đó là những chiến hạm giả làm tàu tuần tra, ngư
chính. Các tàu này có trọng tải từ 5000 tấn đến
7000 nghìn tấn, tốc độ mấy chục
kilômét/giờ, chạy liên tục hàng mấy tháng, trực thăng có thể đỗ được, quá mạnh
so với tàu cá vài trăm mã lực của Việt Nam. Trung Quốc mong muốn cứ 10 nghìn km2 trên biển thì họ có một tàu tuần tra. Như vậy Trung Quốc cần phải có khoảng 80 tàu ở Biển Đông.
Hiện tại họ đã có 50 chiếc và chắc chắn sẽ không dừng ở con số này.
Chiến thuật của
Trung Quốc là được đằng chân lân đằng đầu. Càng được họ càng lấn tới. Trước những chiến thuật “vừa đấm vừa xoa”, có khi “đấm rồi
xoa, xoa rồi đấm”…, nếu Việt Nam và các nước trong khu vực không
ngăn chặn, không tỏ thái độ cương quyết thì Trung Quốc còn
có thể có những hành động nguy hiểm hơn nữa đối
với an ninh khu vực Đông Nam Á.
Trên lời nói,
Trung Quốc luôn nhấn mạnh chủ trương “phát triển hoà bình” nhưng trên thực tế,
trước những hành động gây hấn ở Biển Đông vừa qua, Trung Quốc đã cho Việt Nam,
khu vực và thế giới thấy rõ những bất ổn, mất hoà bình có nguồn gốc từ chính nước
này.
Nếu như trước đây, Trung Quốc thường sử dụng lực lượng tàu ngư chính để “thi
hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông”, thực chất là để phá hoại tàu cá của
các nước trong đó có các tàu cá của Việt Nam thì đến sự kiện Bình Minh 02 và
Viking II, Trung Quốc đã ngang nhiên sử dụng lực lượng tàu hải giám để cắt cáp,
uy hiếp tàu của Việt Nam trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán
của Việt Nam.
Trung Quốc có những tính toán hết sức kỹ lưỡng. Trong
thời gian vừa qua, một loạt các chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang
Liệt tới một số
nước ASEAN, là nhằm thử xem ASEAN có thực sự đoàn kết hay không. Tổng Tham mưu trưởng
Trung Quốc Trần Bỉnh Đức trong chuyến thăm Mỹ cũng muốn thăm dò phản ứng của Mỹ như
thế nào? Ngay cả với Nga, Ấn Độ, Nhật Bản,
Hàn Quốc, họ cũng hành động như thế để thăm dò phản ứng thế giới. Ngoài ra, Trung Quốc
hiện đang có hàng loạt những bất ổn về chính trị cũng như
kinh tế (nổi cộm là vấn đề Nội Mông và lạm phát…). Trước những
khó khăn đó, họ tìm cách hướng
sự chú ý của dư luận để làm giảm áp lực, chống đối ở trong nước.
Trung Quốc luôn có mưu đồ bằng mọi giá biến Biển
Đông thành “ao nhà”, bất chấp chủ quyền hợp pháp của các nước liên
quan vì sau hơn
30 năm phát triển kinh tế với tốc độ cao, Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy
cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Biển Đông giàu có tài
nguyên trở nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là “lợi ích cốt lõi” của
Trung Quốc. Có thể khẳng định trong thời gian tới, vấn đề Biển Đông sẽ là nơi
Trung Quốc không những giữ nguyên những tham vọng vốn có mà nhất định sẽ
“phát triển” mạnh mẽ hơn trước nhiều lần và “bất chấp thiên hạ”
hơn.
Ngoài tài nguyên đặc biệt là khoáng sản, Trung Quốc còn
xem Biển Đông có một vị trí chiến lược để thực hiện mưu đồ của mình. Đặt Biển Đông vào chiến lược toàn cầu của Trung Quốc
ta sẽ thấy, sở dĩ Trung Quốc kiên quyết “không buông” vấn đề này
không chỉ là vì chuyện tài nguyên phong phú như đã biết mà còn là vì vị thế chiến
lược vô cùng quan trọng của nó.
Khống chế được Biển Đông, Trung Quốc cũng có thể “nắn gân” Nhật Bản, Hàn Quốc… những nước mà con đường vận chuyển hàng xuất
nhập khẩu phần lớn phải qua đây, nhất là lượng dầu, khí nhập từ Trung Đông. Khống
chế được Biển Đông, Trung Quốc có khả năng làm lung lay địa vị siêu cường của Mỹ
trên thế giới và nhất là tại Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Khống chế được Biển Đông,
Trung Quốc có điều kiện kiềm chế ảnh hưởng các nước mới nổi lên như Nga, Ấn Độ…
Và khi điều đó trở thành hiện thực, ASEAN khó còn là một khối. Và nhiều vấn đề khác nữa…
Cần nói thêm rằng Biển Đông, ngoài việc
là mục tiêu tranh đoạt, nó còn là phương tiện hữu hiệu, một con bài lợi hại để
Trung Quốc đe dọa khuất phục các nước lân cận.
Hơn lúc nào hết, Việt Nam và các bên liên quan phải cảnh
giác cao độ trước âm mưu ở Biển Đông của Trung Quốc. Với Việt Nam, điều trước tiên là chúng ta phải làm cho
toàn dân người Việt ở trong nước cũng như ngoài nước thấy rõ sự đe dọa trực tiếp
của Trung Quốc đối với chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông.
Từ đó, phát huy sức mạnh của dân tộc và
thời đại, khôn khéo, sáng tạo trong đường lối, chính sách đối ngoại, bảo vệ có
hiệu quả nhất chủ quyền trên Biển Đông của Việt Nam.
Trong vụ việc vừa qua, thái độ của
chính quyền Việt Nam cũng như của nhân dân Việt Nam một mặt biểu hiện rõ tinh
thần kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình, mặt khác cũng thể hiện rõ cái kiềm chế và vẫn muốn giữ
gìn quan hệ với Trung Quốc, không đi đến chỗ căng thẳng thêm.Và để xảy ra các vụ
việc vừa qua tất nhiên đây là một việc không đẹp trong quan hệ giữa hai nước. Người Việt Nam không mong muốn có bước này.
Nhưng rõ ràng đây là do chính quyền Bắc Kinh gây ra nên hậu quả như thế nào họ phải tự gánh chịu.
Theo ông
Dương Danh Dy, qua những hành động vừa xảy ra, để ngăn chặn những ý đồ của Trung Quốc, Việt Nam cần phải:
– Về đối ngoại, Việt Nam luôn giương cao
ngọn cờ chính nghĩa, công khai với thế giới việc Trung Quốc chèn ép Việt Nam ở Biển
Đông, bắt và đâm tàu ngư dân, cắt lưới của ngư dân, để thế giới thấy rằng
nhà cầm quyền bá quyền Trung Quốc ỷ thế mạnh ăn hiếp Việt Nam, coi thường pháp luật quốc tế để tranh thủ sự đồng tình của nhân dân thế giới và
người dân Trung Quốc yêu chuộng hoà bình, đặc biệt là tăng cường đoàn kết với
ASEAN.
– Về đối nội, mọi người dân Việt Nam phải đoàn kết, nhất trí, triệu người như một; nhận thức rõ ràng việc ta muốn làm bạn với Trung Quốc, muốn làm ăn yên ổn
hoà thuận với láng giềng này, nhưng với điều kiện không được phép động chạm đến lãnh thổ, động chạm đến chủ quyền của Việt Nam. Từ hàng nghìn năm trước, phong kiến Trung Quốc muốn áp đặt, muốn biến Việt Nam thành thuộc địa, nhưng nhân dân Việt Nam vẫn anh hùng, bất khuất “rũ bùn đứng
dậy sáng loà”, trở thành một nước như Việt Nam như bây giờ.
Ông Dy còn nói: “Nhân dân Việt Nam quyết không nhân nhượng trước những việc làm ngang ngược của
Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tiếp tục có những
hành động leo thang hơn nữa, thì tôi dám chắc rằng những cuộc tuần hành, thể hiện
ý chí, lòng yêu nước và yêu chuộng hoà bình của nhân dân
Việt Nam sẽ còn mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Chúng
ta muốn chung sống hữu hảo với láng giềng, nhưng mọi thứ phải minh bạch, rõ ràng. Cha ông ta có lúc muốn nhân nhượng, nhưng
khi bị xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, xâm phạm đến sự tôn nghiêm
dân tộc, thì dù anh có là
ai, mạnh đến chừng nào, chúng ta vẫn đứng dậy bảo vệ sự tôn nghiêm chủ quyền. Lịch
sử chứng minh rằng Việt Nam có thể tạm thua, nhưng rút cục người chiến thắng vẫn
là Việt Nam”.