Theo đánh giá, điện mừng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái đắc cử lần này của Triều Tiên, xét cả về số ký tự và nội dung đều cho thấy “sự khiêm tốn” nhất định.
Ngày 18/3, trên trang số 5, báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo đăng tải điện mừng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái đắc cử của một số lãnh đạo thế giới. Lời chúc mừng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được đặt ở vị trí đầu tiên khiến giới phân tích cho rằng, động thái này chứng tỏ Bình Nhưỡng có ý nghĩa đặc biệt nào đó đối với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Đa chiều (Mỹ) đánh giá, nếu so sánh toàn văn điện mừng ông Tập trúng cử Chủ tịch Trung Quốc năm 2013 – dài 213 chữ – thì điện mừng lần này của Triều Tiên, xét cả về số ký tự (111 chữ) và nội dung đều cho thấy “sự khiêm tốn” nhất định.
“Tôi xin chúc mừng Ngài đã đắc cử Chủ tịch nước CHND Trung Hoa, Chủ tịch quân ủy nước CHND Trung Hoa. Chúc nhân dân Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc với Ngài là hạt nhân sẽ đạt thành tựu lớn hơn trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc thời đại mới. Tôi tin tưởng quan hệ hai nước Triều-Trung sẽ phát triển theo hướng phù hợp với lợi ích chung của hai dân tộc”, điện mừng Triều Tiên nêu rõ.
Có thể thấy, nội dung điện mừng thiếu vắng hẳn những cụm từ thể hiện sự thân thiết như “trân trọng, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị Triều-Trung” hay “tin tưởng mối quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống Triều-Trung” – vốn thường được sử dụng trong các điện mừng của 2 nước trước đây.
Theo Đa chiều, hiện chưa rõ là toàn văn điện mừng của Bình Nhưỡng hay chỉ là một đoạn trích dẫn của Nhân dân nhật báo nhưng nội dung lời chúc đã hé lộ ít nhiều về mối quan hệ của hai nước này trong thời gian gần đây.
Hồi tháng 11/2017, trong bối cảnh căng thẳng Trung-Triều – Bắc Kinh ngừng nhập khẩu than đá, hải sản từ Triều Tiên, ông Tống Đào – Đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành chuyến thăm Triều Tiên bốn ngày.
Tuy nhiên, đài truyền hình Nhật Bản NHK khi đó cho biết, sau chuyến thăm, phái đoàn Trung Quốc đã lặng lẽ trở về Bắc Kinh và có thể không có cuộc đối thoại trực tiếp nào giữa ông Tống và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Đa chiều nhận định: “Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên dường như tồn tại mâu thuẫn khó nói, mối quan hệ nửa gần nửa xa, không thân không sơ này dường như chính là phản ánh những mâu thuẫn thương mại của hai nước”.