Lý Vân Phong là quan chức lãnh đạo thứ tư của tỉnh Giang Tô bị ngã ngựa và vào tù trong chiến dịch “đả Hổ” ở Trung Quốc kể từ sau Đại hội 18 (10/2012).
Lý Vân Phong trước tòa.
Chiều 22/3 vừa qua, Tòa án thành phố Hà Trạch tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc kết thúc vụ xét xử Lý Vân Phong, nguyên Ủy viên dự khuyết Trung ương khóa 18, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Phó tỉnh trưởng (Chủ tịch) thường trực tỉnh Giang Tô, tuyên phạt Phong mức án 12 năm tù giam kèm theo mức tiền phạt 1,5 triệu tệ (Nhân dân tệ, tức 5,52 tỷ VND).
Trong quá trình xét xử, tòa án đã làm rõ: trong thời gian từ 2003 đến 2014, Lý Vân Phong lần lượt giữ các chức Phó Tổng thư ký tỉnh ủy, Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu, Chủ nhiệm Văn phòng tỉnh ủy, Ủy viên thường vụ kiêm Tổng thư ký tỉnh ủy, Phó tỉnh trưởng thường trực tỉnh Giang Tô đã giúp các cá nhân và tập thể trong việc nhận thầu công trình, điều chỉnh quy hoạch, thăng tiến chức vụ rồi trực tiếp hoặc thông qua người có mối quan hệ đặc biệt (tức người tình) nhận trái phép tiền bạc của họ, tổng cộng 14 triệu 770 ngàn tệ (51,7 tỷ VND).
Lý Vân Phong là quan chức lãnh đạo thứ tư của tỉnh Giang Tô bị ngã ngựa và vào tù trong chiến dịch “đả Hổ” ở Trung Quốc kể từ sau Đại hội 18 (10/2012). Ba người trước đó là: Quý Kiến Nghiệp, Phó bí thư thành ủy, Thị trưởng Nam Kinh (đã nhận án 15 năm tù về tội nhận hối lộ); Triệu Thiếu Lân, Ủy viên thường vụ, Tổng thư ký tỉnh ủy (đã bị 4 năm tù, phạt 15 triệu tệ về tội đưa hối lộ và lừa đảo mua ngoại tệ), Dương Vệ Trạch, Ủy viên dự khuyết TW khóa 18, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Bí thư thành ủy Nam Kinh (đã bị phạt tù 12 năm rưỡi, tịch thu tài sản 2 triệu tệ về tội nhận hối lộ).
Lý Vân Phong sinh năm 1957, quê Giang Tô, vào Đảng năm 1981, công tác liên tục 28 năm trong Văn phòng tỉnh ủy, qua 5 đời Bí thư, từ một nhân viên thư ký leo lên đến vị trí đầy quyền lực, năm 2012 được bầu vào trung ương. Năm 1981 sau khi tốt nghiệp khoa Triết Đại học Bắc Kinh, Phong được phân công về làm giáo viên tại trường đảng địa khu Trấn Giang, từ 1983 về Văn phòng tỉnh ủy công tác rồi dần dùng các thủ đoạn chạy chọt để thăng tiến dần; 1993 đi giữ chức Phó Bí thư thị ủy Giang Âm; 1996 quay trở về làm Phó văn phòng; 1997 là Phó Tổng thư ký tỉnh ủy; 8/2000 kiêm chức Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu tỉnh ủy; 4/2003: Chánh văn phòng; 11/2006: Ủy viên thường vụ, Tổng thư ký tỉnh ủy; từ 3/2011 làm Phó tỉnh trưởng thường trực, chủ quản các lĩnh vực: quy hoạch phát triển, cải cách thể chế kinh tế, giám sát, thuế vụ, thống kê, tiền tệ, vật giá, năng lượng…
Ngay từ dịp tết 2015 ở Nam Kinh đã lan truyền tin đồn Lý Vân Phong bị điều tra, nhưng Phong vẫn tỏ ra bình thường, thậm chí có lần đến họp hội nghị ban thường vụ tỉnh ủy trong trạng thái say rượu, rất phản cảm. Đến ngày 30/5/2016 thì trang web của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (UBKTKLTW) đang thông báo “Lý Vân Phong bị tổ chức điều tra vì có dấu hiệu vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. 4 ngày sau, 3/6/2016, ông ta bị đình chỉ chức vụ lãnh đạo.
Ngày 7/4/2017, UBKTKLTW ra thông báo: Lý Vân Phong vi phạm nghiêm trọng kỷ luật chính trị, tổ chức và liêm khiết của đảng, vi phạm 8 điều quy định của trung ương; có dấu hiệu phạm tội, UBKTKLTW và Bộ Giám sát báo cáo Trung ương và Quốc Vụ viện phê chuẩn quyết định khai trừ đảng và cách mọi chức vụ, đình chỉ tư cách đại biểu Đại hội 18; tịch thu mọi thu nhập trái phép, chuyển vấn đề phạm tội, manh mối phạm tội và tang vật sang cơ quan tư pháp xử lý theo pháp luật…
Kết bè cánh, chơi bời phóng đãng
Theo tạp chí Tài Kinh, Phong bị các nhân viên công tác của UBKTKLTW bắt lúc trưa tại phòng làm việc trong trụ sở chính quyền tỉnh. Bắc Kinh Nhật báo cho biết: việc Lý Vân Phong bị ngã ngựa có liên quan đến việc nhà riêng của đại gia Chúc Nghĩa Tài, người sáng lập và ông chủ của Tập đoàn Vũ Nhuận nổi tiếng khắp Giang Tô – nơi Phong thường lui tới nhậu nhẹt, chơi bời.
Trang web của Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 10/2 đưa tin: Lý Vân Phong công tác trong tỉnh ủy Giang Tô tổng cộng 33 năm, trong thời kỳ giữ các chức từ Phó Tổng thư ký tỉnh ủy đến Phó tỉnh trưởng thường trực trước khi ngã ngựa, đã nắm thực quyền, không ngừng mở rộng thế lực của bản thân ở địa phương, câu kết chặt chẽ với nhiều “Hổ lớn” gây thành bè cánh để trao đổi lợi ích; giao du với nhiều ông chủ theo kiểu “quan thương câu kết”, thực hiện “giao dịch quyền – tiền” kiểu khép kín. Một trong những đại gia có quan hệ thân thiết với Phong là ông chủ một công ty máy tính – tin học. Công ty này là hãng cung ứng máy tính cùng phần mềm cho nhiều cơ quan chính quyền chủ chốt của tỉnh.
Các cán bộ đã nghỉ hưu ở gần nhà Lý Vân Phong tố cáo: cứ vào dịp lễ, tết là các cán bộ trong tỉnh xếp hàng dài trước cổng chờ đến lượt vào biếu tiền, quà để nhờ vả. Chúc Vũ Tài – chủ Công ty Vũ Nhuận, người giàu nhất Giang Tô – sở dĩ chiếm được nhiều đất đai như thế đều là nhờ Phong giúp cho.
Đáng chú ý nhất là mối quan hệ giữa Lý Vân Phong với Triệu Tấn, con trai Triệu Thiếu Lân, sếp cũ và là người giao lại chức Tổng thư ký tỉnh ủy cho Phong. Triệu Tấn là nhà kinh doanh địa ốc khét tiếng có một hội sở tư nhân (kiểu câu lạc bộ khép kín, chỉ đón những khách thân thiết) ở Bắc Kinh. Triệu Tấn sử dụng nơi này để thi triển những thủ đoạn “kéo quan chức nhúng chàm”. Một trong những “chiêu bẩn” là dùng gái. Tấn tuyển mộ một đội tiếp viên toàn gái Tây xinh đẹp, sau khi thết đãi các quan chức các món sơn hào hải vị, “để gia tăng tình cảm hữu hảo”, Tấn thu xếp để các quan chức mây mưa với đám gái Tây này ngay trong hội sở rồi bí mật ghi hình để khống chế, thao túng. Lý Vân Phong là người đã nhiều lần lui tới chốn này để hưởng lạc rồi bị Triệu Tấn nắm trong tay. Tạp chí Tài Tân cho biết: Vương Mẫn, Bí thư thành ủy Tế Nam là một trong số những quan chức lui tới đây hưởng lạc và bị Triệu Tấn ghi hình. Các nhân viên UBKTKLTW khi kiểm tra các máy quay đã nhận ra Vương Mẫn dẫn đến việc ông ta bị điều tra và ngã ngựa.
Lý Vân Phong còn bao nuôi nhiều người tình. Trang “Tài Kinh Võng Dịch” đưa tin, trong số cả đám người tình đó, nổi bật nhất là cô Hoa hậu đầu tiên của Nam Kinh, được sắp xếp phụ trách công ty quảng cáo trong một xí nghiệp quốc doanh thuộc Cục Giao thông Nam Kinh.