Thursday, November 28, 2024
Trang chủBiển nóngTQ lại phô diễn sức mạnh trên Biển Đông

TQ lại phô diễn sức mạnh trên Biển Đông

Không quân Trung Quốc ngày 25-3 tuyên bố lực lượng này sẽ tiến hành các lượt tập trận mới ở Biển Đông và Tây Thái Bình Dương sau vụ tàu khu trục Mỹ thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở đá Vành Khăn.

Một máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc tuần tra trên Biển Đông – Ảnh: THX

Trong tuyên bố, không quân Trung Quốc cho biết đưa nhiều máy bay chiến đấu, bao gồm máy bay ném bom H-6K, chiến đấu cơ Su-35, Su-30, tuần tra chiến đấu ở Biển Đông. 

Một số sẽ bay qua eo biển Miyako, nằm giữa các hòn đảo phía nam của Nhật Bản, để tham gia diễn tập quân sự ở Tây Thái Bình Dương.

Chuẩn bị cho chiến tranh

Tuyên bố chỉ nói các hoạt động tập trận sẽ diễn ra “trong thời gian gần” và cũng không nêu cụ thể vị trí diễn tập. Hãng tin aReuters dẫn lời không quân Trung Quốc biện minh việc gửi máy bay chiến đấu xuống Biển Đông nhằm tăng cường năng lực chiến đấu ngoài khơi xa của lực lượng này. Trong khi đó, việc đưa máy bay qua eo biển Miyako tuân thủ luật pháp và thông lệ quốc tế, lực lượng này khẳng định.

Theo Hãng tin Reuters, nhiều khả năng hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Bắc Kinh sẽ tham gia cuộc tập trận này sau khi Đài Loan cho biết phát hiện đội tàu sân bay này đi qua eo biển Đài Loan hướng về phía nam, tức hướng Biển Đông.

“Tập trận không quân là diễn tập trước cho chiến tranh trong tương lai và là sự chuẩn bị trực tiếp nhất cho chiến đấu” – người phát ngôn Shen Jinke của lực lượng này tuyên bố, nhấn mạnh không quân vẫn là “một lực lượng quan trọng để xử lý và kiểm soát khủng hoảng, kềm chế chiến tranh và giành chiến thắng trong cuộc chiến”.

Trước đó, sau khi tàu khu trục Mỹ thực hiện hoạt động tự do hàng hải áp sát phạm vi 12 hải lý của đá Vành Khăn ngày 23-3, Trung Quốc tuyên bố chuẩn bị tập trận trên Biển Đông. Tức giận trước sự xuất hiện của tàu chiến Mỹ, Bắc Kinh chỉ trích đây là sự “khiêu khích quân sự và chính trị nghiêm trọng” có thể gây ra các phán đoán sai lầm và tai nạn trên biển cũng như trên không.

Căng thẳng leo thang

Trung Quốc phô diễn sức mạnh trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ cũng leo thang trong nhiều vấn đề từ thương mại cho đến Đài Loan. Trung Quốc ngày 24-3 cảnh báo sẽ dùng mọi biện pháp để bảo vệ lợi ích thương mại sau khi tổng thống Mỹ tung đòn đánh thuế trên 60 tỉ USD sản phẩm của Bắc Kinh, chủ yếu về kỹ thuật. Một trong những đáp trả đầu tiên của Trung Quốc là cấm nhập khẩu rác thải từ nước ngoài có thể khiến Washington và một số nước điêu đứng và áp thuế đối với khoảng 3 tỉ USD sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ.

Tờ Global Times dọa đây chỉ mới là màn dạo đầu đáp trả của Trung Quốc. Theo giới quan sát, Bắc Kinh có thể đánh vào một số mặt hàng quan trọng của Mỹ như đậu nành, xe hơi và máy bay.

Về Đài Loan, sự xuất hiện của phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ Alex Wong tại Đài Bắc tuần qua với tuyên bố cam kết của Mỹ với Đài Loan “mạnh hơn bao giờ hết” khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên tiếng cảnh báo Đài Loan sẽ phải chịu “sự trừng phạt của lịch sử” nếu muốn ly khai. Tờ Global Times cũng phụ họa cho rằng Bắc Kinh có thể trả đũa bằng cách gây sức ép lên Mỹ trong vấn đề Triều Tiên hoặc Iran.

Nhật Bản chuẩn bị có “thủy quân lục chiến”

Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản (GSDF) tuyên bố sẽ thành lập lữ đoàn đổ bộ triển khai nhanh, được coi như phiên bản của thủy quân lục chiến Mỹ.

Tờ Jiji của Nhật Bản đưa tin lực lượng này dự kiến chính thức thành lập ngày 27-3 trong đợt tái cấu trúc lớn nhất từ trước đến nay của GSDF trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc ở biển Hoa Đông và đe dọa từ Triều Tiên. Theo đó, khoảng 2.100 binh lính của lực lượng mới sẽ đóng tại căn cứ Ainoura ở Sasebo, tỉnh Nagasaki, với nhiệm vụ chính là tái chiếm bất cứ hòn đảo nào rơi vào tay kẻ thù.

Lưc lượng này sẽ bao gồm một đơn vị đổ bộ chính và đơn vị đáp điều hành các thiết bị đổ bộ giống của thủy quân lục chiến Mỹ. Trong trường hợp một đảo xa bị chiếm, các binh lính sẽ được vận chuyển ra tiền tuyến bằng những thiết bị này và máy bay vận tải Osprey của Washington. Dự kiến Tokyo sẽ có khoảng 30 thiết bị đổ bộ từ Mỹ.

Ngoài ra, GSDF sẽ thành lập một bộ chỉ huy tổng hợp mặt đất chịu trách nhiệm giám sát năm cơ quan chỉ huy hiện tại nhằm thúc đẩy sự phối hợp trơn tru giữa các lực lượng phòng vệ hàng hải và hàng không cũng như với quân đội Mỹ. Khoảng 15 đơn vị và lữ đoàn hiện tại cũng sẽ được điều chỉnh để tăng cường phản ứng trong các trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới