Cuối cùng thì sau gần 7 năm lên cầm quyền nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cũng đến thăm Trung Quốc. Trong khi truyền thông phương tây tập trung phân tích toan tính của Bình Nhưỡng, họ đã bỏ qua một chi tiết rất đắt.
Chuyến đi của ông Kim Jong Un được cho là nhằm chuẩn bị cho hai cuộc gặp thượng đỉnh lần lượt với Hàn Quốc và Mỹ.
“Triều Tiên cần một sự đảm bảo. Họ muốn nhanh chóng sửa chữa lỗi lầm, cải thiện quan hệ với Trung Quốc để có được vị thế và sự tự tin”, chuyên gia Triều Tiên Wang Peng thuộc Viện Charha ở Bắc Kinh nhận xét.
Bình Nhưỡng thật sự cần tiếng nói của Bắc Kinh trong việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt quốc tế nhắm vào nước này. Việc truyền thông nhà nước Triều Tiên không đả động tới hai cuộc gặp là chỉ dấu cho thấy sự thiếu tự tin và nghi ngờ chúng sẽ thất bại của lãnh đạo Bình Nhưỡng.
“Có vẻ như Triều Tiên sẽ không sẵn sàng thương lượng với Mỹ nếu thiếu sự hậu thuẫn và giúp đỡ từ đồng minh truyền thống Trung Quốc” – Giáo sư Han Suk Hee thuộc Đại học Yonsei (Hàn Quốc) nhận xét.
Nhưng rõ ràng là việc Triều Tiên tìm kiếm đối thoại trực tiếp với Mỹ hay Hàn Quốc lại xuất phát từ chính sự thúc đẩy của Trung Quốc. Trớ trêu thay, khi điều đó đang sắp sửa xảy ra, Bắc Kinh lại cảm thấy lo lắng rằng lợi ích quốc gia và các ảnh hưởng địa chiến lược của họ có thể bị đổi chác trong các cuộc đàm phán song phương của Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tươi cười trò chuyện cùng Chủ tịch Tập Cận Bình trong tiệc chiêu đãi ở Bắc Kinh. Ảnh được Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố ngày 28-3 – Ảnh: REUTERS
Chi tiết đắt mà truyền thông phương tây bỏ qua chính là việc ông Kim Jong Un được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mời tới Bắc Kinh. Đúng vậy, ông ta được mời chứ không phải tự dưng mà đến, hai tâm thế khác nhau hoàn toàn.
Một chữ mời nhưng ẩn sau đó chữ lo của Trung Quốc.
Cách đây 3 tuần, thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un khiến cả thế giới bất ngờ. Tại Trung Quốc khi đó có hai phản ứng của những người làm chính sách đối ngoại. Cảm giác bị qua mặt, bỗng dưng trở thành kẻ ngoài cuộc nhanh chóng được thay thế bằng sự lo sợ rằng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ trở thành ngọn đuốc thiêu sống các lợi ích chiến lược của Trung Quốc.
Trên bình diện chính thức, phản ứng của Bắc Kinh lại có vẻ tích cực hơn. Trong cuộc điện đàm ngày 10-3 với người đồng cấp Mỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ hi vọng “các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ diễn ra càng sớm càng tốt với kết quả thiết thực”.
Thực tế, “chiếc áo không làm nên thầy tu”, Bắc Kinh hiểu rõ ủng hộ đối thoại trực tiếp Mỹ – Triều là đi ngược lại lợi ích lâu dài của chính họ và cách tiếp cận đa phương trong việc giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, với Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng đáng kể.
Vai trò ấy xuất phát từ thực tế Bắc Kinh là quốc gia hỗ trợ nhiều nhất cho Triều Tiên và mối quan hệ giữa hai nước với những giai đoạn trong lịch sử được ví như “anh em ruột thịt”.
Ấy vậy mà hồi năm ngoái, khi bị kêu gọi nên có trách nhiệm kiềm chế Triều Tiên, Trung Quốc đã nổi đóa cho rằng nên chấm dứt cái gọi là “thuyết trách nhiệm của Bắc Kinh” trong vấn đề Triều Tiên. Đó cũng chính xác là lập luận được Trung Quốc đưa ra năm 2007 trong vòng đàm phán 6 bên về vấn đề Triều Tiên. Nói như một học giả, khi anh đã tự từ bỏ trách nhiệm trực tiếp tạo ra vấn đề, anh đã đánh mất vai trò của mình trong cuộc chơi.
Bắc Kinh hiểu rõ họ có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt thứ cấp từ Mỹ nếu phản đối ý định đối thoại của Washington. Trung Quốc đã được nếm mùi khi tuân thủ không nghiêm túc các biện pháp trừng phạt Triều Tiên do Mỹ thúc đẩy tại Liên Hiệp Quốc trong năm 2017.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân (trái) đón tiếp nhà lãnh đạo Kim Jong Un – Ảnh: KCNA
Vậy rốt cuộc bản chất của cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong Un là gì?
Bắc Kinh không năn nỉ Bình Nhưỡng đừng bán rẻ lợi ích của Trung Quốc trong cuộc đối thoại với Mỹ – đó là điều chắc chắn.
Các cuộc đối thoại trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên có thể giải quyết nỗi lo mất an ninh cho Bình Nhưỡng, chấm dứt các hành động khiêu khích quân sự. Giảm leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên nằm trong các lợi ích của Trung Quốc.
Một sự đảm bảo sẽ tiếp tục hỗ trợ chính quyền Bình Nhưỡng của Bắc Kinh có thể đổi lại sự cam kết từ Triều Tiên rằng Trung Quốc sẽ không bị đẩy ra ngoài, hay tệ hơn là bị bán rẻ trong các cuộc đàm phán sắp tới.
Câu chuyện Triều Tiên vẫn còn nhiều hồi. Hãy chờ xem tổng thống Trump sẽ làm gì với Triều Tiên bằng dàn quan chức có quan điểm cứng rắn vừa được đề cử của ông ta.
Các cuộc tiếp xúc giữa Mỹ và Trung Quốc sau cuộc gặp Trung – Triều cũng rất đáng để theo dõi.