Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaLào đang tiến nhanh trên con đường ‘sập bẫy nợ’ của TQ

Lào đang tiến nhanh trên con đường ‘sập bẫy nợ’ của TQ

Dự án đường sắt cao tốc trị giá 6,7 tỷ USD do Bắc Kinh hỗ trợ tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ hệ thống tài chính vốn đã mong manh của các quốc gia nhỏ.

Theo một báo cáo gần đây của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Center for Global Development – CGD), một cơ quan nghiên cứu kinh tế ở Washington, Lào là một trong tám quốc gia trên thế giới nằm trong “diện quan tâm đặc biệt” trên phương diện khủng hoảng nợ quốc gia trong tương lai gần.

Nguyên nhân chính khiến Lào bị như vậy, chính là kế hoạch tiền tỷ của Trung Quốc, trong đó sẽ xây dựng cho Lào một tuyến đường sắt cao tốc trị giá 6,7 tỷ USD, như là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative – BRI) mà Trung Quốc đang xúc tiến. Chi phí của dự án này tương đương một phần tư GDP (Gross Domestic Product – tổng sản phẩm quốc nội) của Lào trong hiện tại.

Một phần ba chi phí của dự án trên sẽ được chi trả bởi một công ty liên doanh giữa Trung Quốc và Lào, trong đó Chính phủ Lào sẽ đóng góp khoảng 30% (khoảng 700 triệu USD). Khoảng 480 triệu USD nữa, thì sẽ đến từ khoản cho vay của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. 220 triệu USD còn lại sẽ được trích từ Ngân sách Nhà nước Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo như báo cáo của CGD, “các điều khoản tài chính đối với nhiều yếu tố của dự án này vẫn còn là một bí mật”. Điều này gia tăng mối quan ngại về khả năng Trung Quốc có thể khiến Lào vỡ nợ; và từ đó, Trung Quốc sẽ giành nhiều quyền kiểm soát hơn đối với nhiều phương diện kinh tế – tài chính – xã hội của Lào. Dự án đường sắt cao tốc trên sẽ hoàn thành vào năm 2021, theo dự tính.

Bắc Kinh đã có nhiều sự nhân nhượng mang tính dài hạn đối với lĩnh vực trồng trọt nông nghiệp và đối với các dự án thương mại khác, để tạo điều kiện cho sự di cư nhanh chóng của các công nhân và doanh nhân Trung Quốc. Tuyến đường sắt cao tốc này được thiết kế để kết nối Trung Quốc với Lào, và sau đó thông qua Thái Lan để xuyên tới lục địa Đông Nam Á, với mục đích mở đường cho việc di cư nhanh chóng hơn của người Trung Quốc từ phía Nam của Đại Lục.

Trong khi đó, tình hình tài chính của Chính phủ Lào ngày càng trở nên mong manh. Tổng nợ công của Lào ước tính ở mức 67,8% so với GDP vào năm 2016. Báo cáo của CGD ước tính rằng, tỷ lệ này có thể sẽ tăng lên 70,3% so với GDP của Lào vào cuối năm nay.

Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund – IMF), gần 65% nợ nước ngoài của Lào là nợ từ các khoản vay song phương, cụ thể là vay nợ từ Trung Quốc. Đầu năm ngoái, IMF đã cảnh báo nguy cơ “nợ nước ngoài” của Lào đã ở cấp độ nguy hiểm “từ vừa đến cao”.

Các cơ quan quốc tế và các cơ quan tư vấn kinh tế của phương Tây đều lo ngại về tình trạng nợ nần của Lào. Thêm vào đó, vào năm 2014, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc tuyên bố sẽ hạn chế cho Lào vay vốn đối với hầu hết các dự án cơ sở hạ tầng, một dấu hiệu cho thấy mối quan tâm của ngân hàng này về khả năng vỡ nợ của Lào trong tương lai.

Các ngoại lệ của Trung Quốc được đưa ra đối với các ngành kinh tế chiến lược nhất định như khai thác mỏ và thủy điện của Lào, mà Lào thường đủ khả năng bảo đảm cho các khoản vay của mình. Cũng trong năm 2014, Ngân hàng Trung ương Lào – Trung Quốc đã được thành lập bởi sự liên doanh giữa Ngân hàng Fudian của Trung Quốc và Banque Pour Le Commerce Exterieur của Lào, với mục tiêu ký kết các hợp đồng tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các báo cáo chỉ ra rằng liên doanh này được thúc đẩy bởi một số công ty Trung Quốc, và một số tập đoàn lớn mạnh của Lào, hiện đang phải vật lộn để được bảo đảm nguồn tài trợ từ các ngân hàng ở Trung Quốc, bao gồm Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.

Việc thiếu kinh phí buộc một số nhà thầu Trung Quốc hoãn kế hoạch xây dựng các đập thủy điện trên các lưu vực nhánh của sông Mê Kông, theo báo cáo trong năm 2016 của Trung tâm Stimson, một cơ quan nghiên cứu khác của Washington. Phần lớn nguồn điện sẽ được sản xuất ra từ những dự án bị đình trệ này là để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Điều này cũng đặt ra những câu hỏi tương tự về tính khả thi và lý do cơ bản của dự án đường sắt cao tốc, đặc biệt là khi Thái Lan ngừng xây dựng một phần tuyến đường sắt, vốn được thiết kế để tiếp cận và kết nối biên giới Thái Lan với Lào.

Trong một cuộc họp của chương trình “Sáng kiến Vành đai và Con đường” tại Bangkok vào tháng 10 năm ngoái, các quan chức Lào nói rằng tuyến đường sắt đã hoàn thành hơn 20%. 80% còn lại của tuyến đường sắt này sẽ đòi hỏi các công việc xuyên hầm thông đường, vốn đầy thử thách trên địa hình đồi núi hiểm trở của Lào.

Theo các nhà phân tích tài chính, nếu như không có liên kết với Thái Lan và khu vực Đông Nam Á, thì khả năng đem lại lợi ích kinh tế của dự án 6,7 tỷ USD này do Trung Quốc khởi xướng là một ẩn số thương mại.

Các khoản vay từ Trung Quốc thường được đảm bảo bởi các nguồn doanh thu sẽ phát sinh trong tương lai từ các dự án đầu tư, có nghĩa là có thể kéo dài nhiều thập kỷ, cho đến khi chính phủ Lào thực sự thu được lợi nhuận nào đó từ tuyến đường sắt cao tốc nói trên.

Điều đó xuất hiện trong bối cảnh các quan ngại ngày càng gia tăng, rằng nền kinh tế Lào có thể không phát triển nhanh như trong những năm gần đây. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP bình quân thực tế của Lào sẽ tăng trung bình 6,3% từ nay đến năm 2036, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trung bình của thập niên trước là 7,8%.

Khi các ngân hàng lớn của Trung Quốc chỉ sẵn sàng tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn của Lào, chủ yếu là trong lĩnh vực thủy điện và khai thác mỏ, Vientiane đã có rất ít sự lựa chọn, nhưng vẫn tiếp tục vay nợ để thu hút các dự án đầu tư mới. Và với những khoản nợ hiện tại của Lào đối với Trung Quốc, Vientiane không thể dễ dàng thoát khỏi sự trói buộc của Bắc Kinh, ít nhất là trên phương diện kinh tế.

Lào thường hay đảm bảo các khoản nợ nước ngoài của chính phủ, bằng tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả các vùng đất thuộc sở hữu của nhà nước. Khi chính phủ Lào không thể trả nổi khoản vay nợ trị giá 80 triệu USD do Trung Quốc cung cấp, để xây dựng sân vận động cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) vào năm 2009, chính phủ Lào đã phải cho phép phía Trung Quốc thuê đất dài hạn với diện tích 300 ha.

Đây là một trong nhiều số lý do tại sao một số nhà phân tích kinh tế – chính trị cảm thấy, Lào là một nạn nhân tiếp theo trong chiến lược ngoại giao “bẫy nợ” của Trung Quốc, một hiện tượng thường thấy ở các quốc gia nghèo đói khi bị buộc phải trả nợ cho Trung Quốc thông qua các nhượng bộ làm suy yếu chủ quyền lãnh thổ của họ.

RELATED ARTICLES

Tin mới