Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tiếp tục leo thang rạng sáng 6-4 (giờ VN) sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố đã chỉ thị cho các quan chức thương mại Mỹ xem xét đánh thêm thuế lên số hàng hóa trị giá 100 tỉ USD nhập từ Trung Quốc.
Tổng thống Trump tuyên bố hành động mới nhằm đáp trả lại viêc Trung Quốc đã dám “trả đũa không công bằng Mỹ”.
“Thay vì sửa chữa lỗi lầm, Trung Quốc lại chọn cách gây phương hại đến lợi ích của nông dân và các nhà sản xuất Mỹ”, hãng tin Reuters dẫn lời tổng thống Trump nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng không quên nhắc lại kết luận điều tra của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ rằng Trung Quốc “đã liên tục tham gia vào các hoạt động bất công để chiếm đoạt sở hữu trí tuệ Mỹ”.
Chưa rõ các mặt hàng Trung Quốc bị đánh thuế lần này là gì cũng như thời gian dự kiến công bố.
Giới chuyên gia nhận định động thái mới từ chính quyền Trump cho thấy căng thẳng trong thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng leo thang. Một số lo ngại việc hai nước trả đũa lẫn nhau theo kiểu ăn miếng trả miếng có thể dẫn tới một cuộc chiến thương mại thật sự, với quy mô và thiệt hại không thể kiểm soát.
Đậu nành là một trong những ngành xuất khẩu bị ảnh hưởng lớn của Mỹ khi Trung Quốc trả đũa – Ảnh: AFP
Hôm 3-4 (giờ Mỹ), Mỹ đã công bố danh sách 1.300 mặt hàng Trung Quốc dự kiến sẽ bị áp thuế 25% khi nhập vào Mỹ. Số hàng hóa này ước tính có giá trị khoảng 50 tỉ USD, tương đương số tiền mà Mỹ cho là nước này bị thiệt hại từ việc Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ của nước này.
Chưa đầy nửa ngày sau đó, ngày 4-4, Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố áp thuế 25% đối với 106 sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm đậu nành, máy bay và ôtô.
“Chính phủ Mỹ muốn giải quyết tình trạng thâm hụt thương hại. Nhưng họ sẽ dứt điểm vấn đề này bằng cách nào nếu tiếp tục đổ lỗi cho các đối tác thương mại như Trung Quốc?
Không một quốc gia nào có thể giải quyết các khó khăn của nền kinh tế nếu hủy hoại quan hệ hợp tác với các đối tác thương mại chính. Chiến tranh thương mại chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề”, Tân Hoa xã Trung Quốc chỉ trích Mỹ trong bài xã luận ngày 5-4.
Một cuộc chiến thương mại với Mỹ không phải là điều Trung Quốc muốn. Bắc Kinh luôn tuyên bố không quốc gia nào có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến đó nhưng nhấn mạnh sẽ đáp trả tương xứng các hành động đơn phương của Mỹ.
Giới quan sát nhận định Mỹ và Trung Quốc đang toan tính theo hai hướng khác nhau khi tiến hành các biện pháp trả đũa.
Trong khi ông Trump muốn dùng thuế để ép Trung Quốc hành xử theo cách mà ông cho là “công bằng” trong thương mại, Bắc Kinh lại có lý do khác để đáp trả Washington.
Nói nôm như một nhà bình luận quốc tế, việc Trung Quốc trả đũa Mỹ một cách sòng phẳng và kiềm chế là điều bình thường như một cách để giữ thể diện, còn không trả đũa hay trả đũa quá mạnh tay mới là điều bất thường.
Các động thái công khai của chính quyền Bắc Kinh, như kêu gọi đàm phán với Mỹ, cho thấy họ đang cố trấn an dư luận trước lo sợ một cuộc chiến thương mại ở quy mô không thể kiểm soát với Mỹ sắp sửa nổ ra.
Ở mặt khác, Trung Quốc lại tiếp tục đổ trách nhiệm cho Mỹ, vẽ nên hình ảnh một Trung Quốc cam chịu bất chấp các hoạt động thương mại không công bằng của họ trong quá khứ.
Thực tế cả Mỹ lần Trung Quốc dù bề ngoài mạnh miệng trừng phạt đều đang cố gắng tìm kiếm các cơ hội để đàm phán và thỏa hiệp. Khoảng thời gian trước khi các biện pháp trừng phạt chính thức có hiệu lực được xem là giai đoạn mang tính quyết định.
Phần lớn các nhà đầu tư đều tin rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được một thỏa thuận vào phút chót, vừa giữ được thể diện, vừa tránh gây thiệt hại cho nền kinh tế của cả hai.
Giống như một cuộc chiến tranh thực sự – kết quả của những leo thang không thể lường trước được và không nằm trong dự tính, các cuộc chiến thương mại có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát.
John Kemp, cây bút phân tích thị trường của hãng tin Reuters
Một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Trump ngày 6-4 đã đánh tiếng về khả năng sẽ có các cuộc đàm phán chính thức trong lĩnh vực thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới.
Quan chức này nhấn mạnh Mỹ sẽ không đi vào lối mòn của các cuộc đàm phán trước với Trung Quốc, khi Bắc Kinh “hứa thật nhiều nhưng thất hứa cũng thật nhiều”.
“Tổng thống Trump sẽ tập trung vào các biện pháp có thể thực thi được, có thể kiểm chứng được và có thể đo lường được từ Trung Quốc. Ông ta sẽ không chấp nhận các cam kết suông hay từ chối thay đổi hiện trạng xấu xí của Trung Quốc”, quan chức này tiết lộ.