Bộ Môi trường Nhật Bản xác nhận công ty ký hợp đồng đã ăn chặn tiền phụ cấp độc hại đối với thực tập sinh Việt dọn rác phóng xạ.
Tờ Japan Times của Nhật Bản thông tin, Bộ Tư Pháp nước này đang điều tra một vụ việc liên quan đến một thực tập sinh Việt Nam cáo buộc một công ty xây dựng lừa dối, ép anh ta làm công việc dọn dẹp ở khu vực bị thảm họa hạt nhân từ năm 2011.
Thực tập sinh này 24 tuổi, được giấu tên, đang theo học chương trình đào tạo nước ngoài tại tỉnh Iwate, Nhật Bản.
Sau 3 năm được giao nhiệm vụ là thực hiện phá dỡ và dọn dẹp các công trình đổ nát ở khu vực bị ô nhiễm tại Fukushima, một thực tập sinh Việt Nam đã lên tiếng trước báo chí Nhật Bản để tố cáo công ty xây dựng, đồng thời yêu cầu được nhận khoản tiền phụ cấp độc hại mà đáng lẽ anh phải được hưởng nhưng không được quy định trong hợp đồng.
Hiệp hội Công nhân Zedoitsu ở Tokyo, đại diện cho thực tập sinh này cho biết, nhiệm vụ của anh trong hợp đồng là tháo dỡ các công trình công cộng, nhưng thay vào đó, anh đã bị giao làm việc tại các khu vực chưa được gỡ bỏ cảnh báo phóng xạ tại Fukushima. Điều này khiến anh có khả năng cao sẽ bị nhiễm bức xạ.
Tổng thư ký Liên đoàn lao động Zedoitsu Shiro Sasaki cho biết, sau khi tới Nhật vào tháng 9/2015, thực tập sinh Việt Nam được điều tới Koriyama ở tỉnh Fukushima hơn 10 lần để làm sạch rác phóng xạ tại các khu dân cư của thành phố từ tháng 10/2015 – 3/2016.
Thực tập sinh Việt tiếp tục bị giao làm công việc tháo dỡ các tòa nhà trong một khu vực cấm tại thị trấn Kawamata của tỉnh Fukushima trước khi chính quyền nơi đây bãi bỏ lệnh cấm đối với khu vực di tản do mức nhiễm phóng xạ cao.
Tờ Nikkei của Nhật dẫn lời thực tập sinh Việt Nam nói anh đã bị lừa dối và khẳng định: “Tôi sẽ không đến Nhật nếu tôi biết tôi sẽ làm việc này (công việc khử nhiễm)”.
Thực tập sinh này chia sẻ, anh đến Nhật vì mong muốn có thể kiếm được nhiều tiền hơn ở Việt Nam (khoảng 140.000 yên, tương đương 30 triệu VND/tháng) và anh cũng muốn học tiếng Nhật nhưng không biết sẽ phải làm gì ở Fukushima.
Cũng theo bài báo, thực tập sinh này đã tốn khoảng 1,6 triệu yên (344 triệu VND) cho chi phí tới Nhật Bản, trong đó, khoảng 1 triệu yên (215 triệu VND) là vay từ ngân hàng địa phương và các cơ sở khác nên người này không thể trở về nhà ngay cả khi anh ta biết được sự thật về công việc của mình.
Cuối cùng, thực tập sinh Việt Nam đã phải bỏ việc hồi tháng 11/2017 vì lo lắng cho sức khỏe của mình sau khi công ty trên từ chối những yêu cầu giải thích tình hình.
Công ty Nhật tạo bằng chứng giả
Nhật báo Nikkei thông tin, công ty xây dựng vào tuần trước đã phủ nhận cáo buộc vi phạm hợp đồng lao động. Trong bản báo cáo, Công ty khẳng định thực tập sinh Việt Nam đã được giao nhiệm vụ tương tự như các đồng nghiệp Nhật Bản và không gây bất kỳ mối đe dọa nào cho sức khoẻ của người lao động.
Thực tập sinh Việt Nam bị đưa tới khu vực dọn rác phóng xạ nhiều lần khi làm việc ở Nhật Bản. Ảnh minh họa |
Tờ The Mainichi ngày 7/4 dẫn thông báo của Bộ Môi trường xác nhận công ty xây dựng đã ăn chặn các khoản phụ cấp độc hại và nguy hiểm cho người lao động Việt Nam từ năm 2016- 2017, giai đoạn họ phải làm việc tại một khu vực đổ nát ở thành phố Kawamata, tỉnh Fukushima.
Sau cuộc họp báo hôm 14/3 của thực tập sinh này, công ty xây dựng trên đã cung cấp bằng chứng giả cho các nhân viên điều tra của Bộ Môi trường để che giấu hành vi sai phạm.
Trong thông báo mới nhất, Bộ này phát hiện công ty đã tạo dựng sổ sách để làm giả chứng cứ khiến giới hữu trách tưởng rằng phụ cấp đã được thanh toán sòng phẳng.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đang điều tra công ty trên về các cáo buộc vi phạm Luật lao động.
Giới chuyên gia Nhật phân tích
Tổng Thư ký Liên đoàn lao động Zedoitsu cho biết, công ty xây dựng ký hợp đồng với thực tập sinh Việt có thể đã vi phạm Đạo luật Hợp đồng lao động, Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động, Đạo luật An toàn và Sức khoẻ Công nghiệp.
Ông Sasaki cho biết, Liên đoàn đang hỗ trợ thực tập sinh Việt trong các cuộc đàm phán giữa người này với công ty xây dựng nhằm tìm kiếm khoản đền bù xứng đáng với số tiền mà anh đáng được nhận.
Thực tập sinh Việt này nhận mức lương 140.000 yên/tháng, chỉ bằng 1/3 mức lương của các nhân viên Nhật Bản với công việc dọn dẹp tương tự.
Ông Sasaki cho rằng, Chương trình Tập huấn kỹ thuật viên quốc tế mà thực tập sinh Việt Nam đang theo học là chương trình được chính phủ hỗ trợ, được thiết kế để người nước ngoài tới Nhật Bản tiếp thu được các kỹ thuật ở đây nhưng trong thực tế lại được lạm dụng để bù đắp cho sự thiếu hụt lao động không có tay nghề ở Nhật Bản.
“Học viên kỹ thuật không nên buộc phải thực hiện các công việc như vậy. Công việc này có thể gây nguy hiểm đặc biệt cho sức khỏe của một người. Không thể phủ nhận rằng bức xạ có thể gây nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng” – ông Sasaki nhận định.
Shoichi Ibuski, một luật sư chuyên về các vấn đề lao động, cho biết: “Trên hết, công việc khử nhiễm rất nguy hiểm và đòi hỏi sự đồng ý của học viên, người hỗ trợ các học viên nước ngoài và thực tập sinh nước ngoài.
“Đây không phải là loại công việc được thu nhận lao động mà họ không biết về những rủi ro kèm theo. Đó là vấn đề nhân đạo hơn là vấn đề pháp lý” – Luật sư Ibuski nói.
Chương trình hỗ trợ kỹ thuật viên nước ngoài bị lạm dụng để bù đắp thiếu hụt lao động không có tay nghề ở Nhật. Ảnh minh họa |
Ông Ibuski nhấn mạnh, trường hợp của thực tập sinh Việt Nam cho thấy những sai sót trong hệ thống chương trình hỗ trợ nhằm giúp đỡ những người nước ngoài từ các nước đang phát triển có được những kỹ năng mà họ có thể sử dụng ở quê nhà. Chủ lao động theo đó có thể che giấu các nhiệm vụ của người thực tập khi nộp hồ sơ cho chính phủ.
Một viên chức trong chính phủ Nhật Bản cho biết, luật Lao động không cấm việc tuyển dụng người nước ngoài đến làm việc tại các khu vực bị nhiễm độc và theo lý thuyết thì các nhà tuyển dụng chấp nhận các học viên kỹ thuật nước ngoài có thể nhờ họ làm công việc dọn dẹp tại các địa điểm bị ô nhiễm. Tuy nhiên, quan chức này nói rằng một chương trình đào tạo nghề cần phải phù hợp với mục tiêu của hệ thống đào tạo.
“Thật khó tưởng tượng rằng một học viên có thể sử dụng kinh nghiệm làm việc khử nhiễm ở quê nhà” – viên chức này nói với Japan Times. Ông cho biết rằng, một chương trình như vậy sẽ không được chính phủ cho phép.