Ngày 10/4, bang Texas của Mỹ thông báo sẽ điều thêm 1.000 binh sĩ của Lực lượng Vệ binh quốc gia đến biên giới Mỹ-Mexico.
Ngày 10/4, bang Texas của Mỹ thông báo sẽ điều thêm 1 nghìn binh sĩ của Lực lượng Vệ binh quốc gia đến biên giới Mỹ-Mexico. Ảnh: MNS
Việc điều động lực lượng này được tiến hành sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sử dụng lực lượng Vệ binh Quốc gia để giúp Bộ An ninh Nội địa đảm bảo tình hình tại biên giới phía Nam với Mexico, trong đó có cả địa phận của Texas. Tuy nhiên, động thái này của Mỹ đang vấp phải sự phản ứng của Mexico.
Thống đốc bang Texas Greg Abbott nhấn mạnh, số người vượt biên đã tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông, việc điều động thêm binh sĩ đến khu vực biên giới có vai trò quan trọng trong việc giảm bớt dòng người di cư và các hoạt động bất hợp pháp tại biên giới.
Trước đó vào cuối tuần qua, 250 binh sĩ đầu tiên của bang Texas đã được triển khai tới biên giới. Chuẩn tướng Tracy Norris, chỉ huy lực lượng Vệ binh tại Texas cho biết: “Tổng thống Donald Trump đã công bố việc huy động lực lượng Vệ binh Quốc gia tới biên giới Mỹ-Mexico để hỗ trợ Bộ An ninh Nội địa. Theo đó, lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Texas cùng các máy bay, phương tiện và thiết bị hỗ trợ được triển khai đến khu vực biên giới Texas-Mexico. Các hoạt động triển khai này được phối hợp với các khu vực biên giới Tây Nam khác”.
Theo kế hoạch, mỗi tuần bang Texas sẽ cử thêm 300 binh sĩ đến khu vực biên giới, nâng tổng số quân nhân tại đây lên hơn 1.000 người. Các binh sĩ được tăng cường đợt này sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ tuần tra biên giới thông qua việc giám sát, trao đổi thông tin và các nhiệm vụ khác.
Trong khi đó, bang Arizona ngày 9/4 cũng đáp ứng yêu cầu của chính quyền liên bang khi điều 225 thành viên của Lực lượng Vệ binh quốc gia đến biên giới.
Trước đó, ngày 5/4 vừa qua, Tổng thống Donald Trump yêu cầu triển khai từ 2.000 đến 4.000 binh sĩ tới biên giới miền Nam nước Mỹ giáp Mexico. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng để ngỏ khả năng duy trì số lượng lớn binh sĩ cảnh giới tại khu vực này cho tới khi bức tường biên giới giữa hai nước được xây dựng.
Tuy nhiên, quyết định này tiếp tục làm leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Mexico, khi Tổng thống nước láng giềng Enrique Pena Nieto cho rằng, động thái mới nhất của Mỹ là “phi lý” đồng thời tuyên bố sẽ xem xét lại mọi hình thức hợp tác với Mỹ. Theo đó, việc “xem xét lại” sẽ bao quát mọi khía cạnh trong quan hệ song phương với Mỹ, từ an ninh biên giới, vấn đề di cư, thương mại cho tới cuộc chiến chống các phần tử buôn bán ma túy.
Ông Nieto cho biết: “Chúng tôi tin tưởng rằng việc đạt được một thỏa thuận như bạn bè, đối tác và nước láng giềng sẽ tốt hơn cho cả hai nước hơn là đối đầu. Chúng tôi sẵn sàng thương lượng, nhưng điều này phải xuất phát trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau”.
Trong khi đó, người đứng đầu Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mexico và là một thành viên trong đảng Hành động dân tộc (NAP) đối lập, Laura Rojas cũng kêu gọi Tổng thống Donald Trump ngừng gây tổn hại tới mối quan hệ với Mexico nếu còn muốn nước này theo đuổi hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mexico đã ra một thông cáo khẳng định nước này vẫn duy trì kênh liên lạc chặt chẽ với Bộ An ninh nội địa Mỹ về các kế hoạch liên quan đảm bảo an ninh biên giới chung. Thông báo nêu rõ trên tất cả các kênh trao đổi về vấn đề này, chính phủ Mexico đã khẳng định với phía Mỹ rằng quan hệ song phương sẽ bị tổn hại nghiêm trọng nếu việc triển khai Lực lượng Vệ binh biến thành hành vi quân sự hóa khu vực biên giới.
Quyết định triển khai quân tại biên giới của Tổng thống Mỹ được đưa ra sau khi nhiều hãng thông tấn đưa tin về dòng người di cư gồm trên 1.100 người El Salvador, Guatemala, Honduras và Nicaragua đang vượt qua Mexico để tìm đường đến Mỹ. Ông Donald Trump đã yêu cầu Mexico ngăn chặn cũng như đe dọa cắt giảm viện trợ cho các nước Trung Mỹ nếu không ngăn chặn dòng người di cư.
Trước đây, Lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ cũng từng điều động nhiều binh sĩ tăng cường giám sát khu vực biên giới phía Nam, trong đó có chiến dịch hồi năm 2010 dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và chiến dịch trong giai đoạn 2006-2008 dưới thời cựu Tổng thống tiền nhiệm Geogre Bush, đều kéo dài khoảng một năm.