2 cụm tàu sân bay tấn công Hoa Kỳ hiện diện ở Biển Đông uy lực cũng không bằng “con bài” Đài Loan, nếu ý tưởng của ông John Bolton được thực thi.
Ngày 9/4 cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc John Bolton chính thức đảm nhận vai trò Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump.
Mặc dù John Bolton đã tuyên bố trên Fox News, các quan điểm của cá nhân ông sẽ không ảnh hưởng đến quyết sách của mình trong vai trò Cố vấn An ninh quốc gia, nhưng sự cứng rắn với Trung Quốc có lẽ là nguyên nhân chính để Donald Trump chọn ông.
Ngày 17 tháng Giêng năm 2016, John Bolton viết bài bình luận đăng trên The Wall Streat Journal kêu gọi, Hoa Kỳ có thể sử dụng con bài Đài Loan để lấp khoảng trống trong chính sách của Mỹ với Trung Quốc lâu nay.
John Bolton đề xuất, ông Donald Trump nên thay đổi lập trường của Hoa Kỳ về chính sách “một Trung Quốc” để chống lại sự hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông:
“Điều này có thể liên quan đến việc sửa đổi hoặc thậm chí là hủy bỏ câu thần chú “một nước Trung Hoa” mơ hồ, cùng với các sáng kiến sâu rộng hơn để chống lại sự hung hăng leo thang nhanh chóng về quân sự, chính trị của Trung Quốc trên Biển Đông và Hoa Đông.”
Ngày 16 tháng Giêng năm 2017, John Bolton tiếp tục có bài bình luận “Cần xem lại chính sách ‘một Trung Quốc'” đăng trên The Wall Street Journal.
Lần này, thậm chí ông đề xuất nên chuyển một phần lực lượng quân sự Mỹ từ Okinawa đến Đài Loan.
Theo ông, Đài Loan gần Biển Đông và Trung Quốc hơn là các căn cứ hiện nay của Mỹ đóng tại Okinawa cũng như đảo Guam.
Chuyển quân đến Đài Loan vừa giảm bớt căng thẳng cho Nhật Bản vì phản đối của dân chúng, mà còn là lựa chọn khả dĩ khi Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte ít có khả năng tăng cường hợp tác quân sự với Hoa Kỳ. [1]
Trong bài báo “Đài Loan có thể trở thành điểm nóng trong quan hệ Trung – Mỹ” đăng trên The Economist ngày 5/4 vừa qua, tờ báo này cho biết:
Ông John Bolton có thể hiện diện tại Đài Loan trong tháng Sáu này để khánh thành trụ sở Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan, một cơ quan đại diện làm các công việc của một Đại sứ quán Mỹ. [2]
Ông Donald Trump nhận điện thoại chúc mừng thắng cử từ bà Thái Anh Văn có thể là khởi đầu cho một sự đổi thay, hình minh họa: NY Daily News. |
Nếu John Bolton thực sự tham dự sự kiện này, nó sẽ đại diện cho sự trở lại của Hoa Kỳ với Đài Loan sau nhiều năm tuân thủ chính sách “một Trung Quốc”, trong đó Washington tránh công khai phái các quan chức cấp cao đến hòn đảo này.
Kể từ khi nhậm chức, ông Donald Trump đã không giấu diếm mà nói thẳng khả năng sẽ sử dụng vấn đề Đài Loan để gây sức ép lên Trung Quốc.
Ngoài việc ông Donald Trump nhận cuộc điện thoại chúc mừng thắng cử từ Tiến sĩ Thái Anh Văn, phá vỡ hàng thập kỷ không giao thiệp trực tiếp giữa lãnh đạo Mỹ – Đài, Quốc hội Hoa Kỳ đã bổ sung thêm nhiều khả năng trao đổi quân sự với Đài Loan qua việc sửa Đạo luật Bảo vệ quốc gia. [3]
Ông Donald Trump cũng đã ký ban hành Đạo luật Du lịch Đài Loan, cho phép quan chức hai bên viếng thăm nhau, đồng ý giúp Đài Loan chế tạo tàu ngầm.
Năm ngoái, trước khi Quốc hội Mỹ thông qua các điều khoản bổ sung cho Đạo luật Ủy quyền quốc phòng cho phép tàu hải quân Mỹ ghé cảng Đài Loan, ông Li Kexin, nhân vật thứ 2 trong Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã tuyên bố:
“Ngày tàu hải quân Mỹ cập cảng Cao Hùng cũng sẽ là ngày quân đội Trung Quốc thống nhất Đài Loan.”
Tháng Ba năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tuyên bố rằng, bất kỳ hành động nào “ly khai Trung Quốc” sẽ phải đối mặt với “sự trừng phạt của lịch sử”.
Do đó có thể thấy, cuộc tập trận rầm rộ trên Biển Đông trong tháng qua và cuộc tập trận bắn đạn thật trên eo biển Đài Loan tuần tới chính là để phản ứng lại với các diễn biến này.
Tuy nhiên, dù là các cuộc tập trận “quy mô chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc” trên Biển Đông hay hoạt động quân sự trên eo biển Đài Loan tuần tới gần như không có giá trị đe dọa với Hoa Kỳ.
Thay vào đó, Bắc Kinh đang gây sức ép tối đa lên Đài Bắc.
The Economist cho rằng, ngay cả Đảng Dân chủ tiến bộ cầm quyền ở Đài Loan cũng đang chia rẽ về việc nên hỗ trợ các hoạt động của Mỹ như thế nào.
Tuần qua, Tiến sĩ Thái Anh Văn lên khu trục hạm Cơ Long ra biển quan sát tập trận chống đổ bộ và tuyên bố, bà vẫn công du châu Phi bình thường vì tự tin lực lượng quân sự Đài Loan đủ khả năng bảo vệ đảo, ngay trước ngày Trung Quốc tập trận.
Do đó, cá nhân người viết thiết nghĩ, dường như những động thái gây sức ép của Trung Quốc cũng không khiến bà Thái Anh Văn sợ hãi.
Bởi vậy, chuyến công du Đài Loan của ông John Bolton hoàn toàn có thể xảy ra và Bắc Kinh sẽ theo dõi chặt chẽ hoạt động này.
Chắc chắn Trung Quốc sẽ rất đau đầu, và sẽ có phản đối chính thức qua đường ngoại giao;
Nhưng Bắc Kinh cũng sẽ không thể ngăn chặn chuyến đi này nếu không điều chỉnh chính sách thương mại với Mỹ và dừng các hoạt động hung hăng nhằm độc chiếm Biển Đông.
Điều Trung Quốc quan tâm lúc này là, liệu sau chuyến đi dự kiến đến Đài Loan tháng Sáu này của ông John Bolton, trao đổi Mỹ – Đài tăng hay giảm.
Nếu các hoạt động trao đổi Mỹ – Đài có xu hướng giảm thì Bắc Kinh có thể yên tâm rằng, Donald Trump chỉ cần Trung Quốc “biết điều” trong hợp tác thương mại với Hoa Kỳ thì sẽ không tiến xa hơn như đề xuất của John Bolton.
Ngược lại, nếu hoạt động trao đổi Mỹ – Đài gia tăng, thì đó chính là bước điều chỉnh chiến lược của Hoa Kỳ trong quan hệ với Trung Quốc.
Nếu vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên được giải quyết sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều vào tháng Năm này, mà Trung Quốc cũng đang ủng hộ, Đài Loan rất có thể sẽ là điểm nóng mới nơi Trung – Mỹ so găng.
Và có lẽ “con bài” Đài Loan sẽ có tác động không nhỏ đến cục diện Biển Đông, còn tác động như thế nào sẽ cần phải quan sát thêm.
John Bolton hay thậm chí là Donald Trump, đang thể hiện rõ nhận thức và tư duy mới của người Mỹ về Trung Quốc, cũng như các chính sách của Hoa Kỳ với Trung Quốc.
Hơn 30 năm Trung Quốc cải cách mở cửa phát triển kinh tế nhờ cục diện hòa bình, ổn định và trật tự quốc tế sau Chiến tranh Thế giới II mà Hoa Kỳ đang bảo vệ, giới tinh hoa Washington đã từng hy vọng Trung Quốc sẽ tự đổi thay theo cách người Mỹ muốn.
Nhưng thực tế diễn ra ngược lại, Trung Quốc đang trở thành đối thủ đe dọa vị thế số 1 của Hoa Kỳ.
Đây có lẽ là nguyên nhân và động lực chính dẫn đến những thay đổi trong quan hệ Trung – Mỹ hiện nay và sẽ tác động trực tiếp đến an ninh, hòa bình khu vực.
Dưới thời Donald Trump, hải quân Mỹ đã “chọc thẳng” vào cái gọi là “lãnh hải” mà Trung Quốc tự vẽ ra tại các đảo nhân tạo họ bồi đắp bất hợp pháp trên các cấu trúc địa lý lúc chìm lúc nổi, thay vì chỉ chạy qua chạy lại ở vòng ngoài như thời Tổng thống Barack Obama.
Cụm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson và sau đó là USS Theodore Roosevelt liên tục hiện diện ở Biển Đông những ngày Trung Quốc tập trận.
Nhưng uy lực của sự hiện diện quân sự này chưa là gì, nếu so với các ý tưởng của ông John Bolton về “con bài Đài Loan”. Có lẽ đó mới thực sự là đòn bẩy để Hoa Kỳ ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông.